Trong vòng 24h, tính từ 17h ngày 24/10 đến 17h ngày 25/10, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 3.639 ca nhiễm mới, trong đó 19 ca nhập cảnh và 3.620 ca ghi nhận trong nước (giảm 408 ca so với ngày trước đó) tại 53 tỉnh, thành phố (có 1.573 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-209), Đắk Lắk (-160), An Giang (-65).
Sàng lọc để kiểm soát Covid-19 ở Khánh Hòa. (Nguồn: Báo Khánh Hòa) |
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 892.579 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.063 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 887.797 ca, trong đó có 804.484 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (426.090), Bình Dương (229.357), Đồng Nai (61.990), Long An (34.301), Tiền Giang (15.737).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý Covid-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 1.323
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 807.301
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.135 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 2.347
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 350
- Thở máy không xâm lấn: 96
- Thở máy xâm lấn: 327
- ECMO: 15
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Trong ngày ghi nhận 65 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (40), Bình Dương (11), Đồng Nai (7), Tây Ninh (3), Bạc Liêu (2), An Giang (1), Tiền Giang (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 67 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.738 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
So với châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 74.125 xét nghiệm cho 153.097 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 21.713.785 mẫu cho 59.316.823 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Trong ngày 24/10 có 1.120.951 liều vaccine phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 74.050.037 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 52.584.839 liều, tiêm mũi 2 là 21.465.198 liều.
Sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19
Chiều 25/10, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 đã làm việc với các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo về dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, các giải pháp được nêu trong dự thảo Chiến lược xoay quanh 4 mục tiêu lớn của chiến lược là giảm tỉ lệ người mắc Covid-19, tăng tỉ lệ bao phủ vaccine, giảm tỉ lệ tử vong, bảo đảm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội gắn với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, gắn liền với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, việc thực hiện chiến lược gói gọn trong 2 năm và tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn vì diễn biến của dịch thay đổi rất nhanh.
Các ý kiến tại cuộc họp tập trung làm rõ, cụ thể hơn về quan điểm, mục tiêu, biện pháp phòng, chống dịch, tiêu chí đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh… trong tình hình mới nhằm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, nhanh chóng phục hồi các hoạt động đời sống, kinh tế.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, địa phương, sớm hoàn thiện dự thảo Chiến lược tổng thể ứng phó hiệu quả đại dịch Covid-19 trong tình hình mới, sớm trình Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trình Chính phủ đồng bộ với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ Y tế: Các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng đáp ứng tình hình dịch Covid-19 ở cấp độ 4
Ngày 25/10, Bộ Y tế đã có công điện số 1695/ CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo đó, yêu cầu các địa phương thiết lập cơ sở thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và bảo đảm số giường hồi sức cấp cứu tại các cơ sở khám chữa bệnh. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh rà soát bảo đảm chỉ định và thời gian điều trị nội trú phù hợp.
Ngày 25/10, Bộ Y tế cũng đã có công điện số 1700/CĐ-BYT gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác giám sát và kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19 trong thời gian thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.Theo đó, đề nghị các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao nhất là những điểm có người về từ TP. Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và các địa bàn dịch Covid-19 cấp độ 3, 4...
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu 'hiến kế' để học sinh trở lại trường an toàn
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 25/10, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – ĐBQH tỉnh Bình Định, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ về vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em và việc cho trẻ đi học trở lại.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, việc tiêm vaccine cho trẻ dưới 18 tuổi cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dựa theo khoa học cũng như điều kiện của xã hội. Khi chúng ta tiêm đủ vaccine cho những đối tượng được ưu tiên theo hướng dẫn thì tính đến tiêm cho người trẻ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, đối tượng đầu tiên nên lựa chọn là từ 16-18 tuổi (tức học sinh cấp 3). Đây là những người cơ thể đã phát triển hoàn chỉnh, nguy cơ mắc không khác gì người trên 18 tuổi, nguy cơ chuyển nặng gần như tương đương. Chính vì vậy, đại biểu đề xuất tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh cấp 3 trước để các em đi học, chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng của cuộc đời.
Đối với trẻ cấp 2 (tức 12 tuổi trở lên) thì nên tiêm cho những đối tượng có yếu tố nguy cơ, trẻ có bệnh nền và theo nguyện vọng của gia đình.
Về kế hoạch mở cửa lại trường học, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, trong giai đoạn đầu vẫn nên duy trì việc học trực tuyến đối với cấp 1 và cấp 2, những nơi học trực tuyến khó khăn thì cho học tại trường.
Đối với cấp 3 sau khi chúng ta tiêm vaccine xong thì tiến hành cho trẻ đi học; cấp 2 thì tùy theo tình hình, số lượng tiêm được 60-70% thì cho trẻ đi học toàn bộ.
Trước băn khoăn việc TP. Hà Nội có nhiều nơi không phát hiện ca mắc Covid-19 nhưng học sinh vẫn phải học online, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng: "Nếu Hà Nội mở cửa trường học xong phát hiện ca mắc Covid-19 rồi đóng cửa thì rất khó".
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lấy ví dụ như trường hợp ở tỉnh Phú Thọ vừa qua, khi trong lớp chỉ có vài ca mắc Covid-19 rồi lây nhiễm cho cả lớp, phải đóng cửa trường học.
| Covid-19: Cả nước đã tiêm hơn 74 triệu liều vaccine; nhiều tỉnh thêm các ca F0 Cả nước đã phân bổ 70 đợt vaccine phòng Covid-19 với tổng số 97,6 triệu liều; Quảng Bình, Bến Tre, Đắk Lắk thêm các ca ... |
| Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị quyết 128 về tạm thời "Thích ứng an toàn, linh ... |