Trong 24 giờ qua, từ 16h ngày 27/1 đến 16h ngày 28/1, cả nước ghi nhận 14.929 ca nhiễm mới Covid-19 tại 62 tỉnh, thành phố. (Nguồn: SK&ĐS) |
- Trong 24 giờ qua, từ 16h ngày 27/1 đến 16h ngày 28/1, cả nước ghi nhận 14.929 ca nhiễm mới, các địa phương có số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Đắk Lắk (-377), Thanh Hóa (-145), Gia Lai (-120). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+219), Phú Thọ (+107), Quảng Nam (+90).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua có xu hướng giảm, hiện ghi nhận 15.292 ca/ngày.
- Từ 17h30 ngày 27/1 đến 17h30 ngày 28/1 ghi nhận 141 ca tử vong tại: + Tại TP. Hồ Chí Minh (9) trong đó có 5 ca từ các tỉnh chuyển đến như sau: Tây Ninh (1), Tiền Giang (1), Gia Lai (1), Vĩnh Long (1), Trà Vinh (1).
Tại các tỉnh, thành phố khác: Hà Nội (23), Bà Rịa - Vũng Tàu (16 ca trong 02 ngày), Vĩnh Long (9), Bình Thuận (8), Đồng Nai (7 ca trong 02 ngày), Cần Thơ (7), Sóc Trăng (6 ca trong 02 ngày), Hòa Bình (5 ca trong 02 ngày), Bình Định (5), Đồng Tháp (5), Trà Vinh (4 ca trong 02 ngày), Tiền Giang (4), Bến Tre (4), Bạc Liêu (4), Thanh Hóa (3 ca trong 02 ngày), Đà Nẵng (3), Hà Giang (2), Tây Ninh (2), Bình Dương (2), Hậu Giang (2), Quảng Trị (1), Huế (1), Hải Dương (1), Nam Định (1), Ninh Bình (1), Tuyên Quang (1), Yên Bái (1), Phú Yên (1), Bình Phước (1), Long An (1), Cà Mau (1).
Bệnh nhân Covid-19 tử vong vì tự điều trị tại nhà, không khai báo trạm y tế
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh cho biết, trưa 27/1, Bệnh viện thu dung điều trị Covid-19 quận 5 tiếp nhận một người bệnh 65 tuổi trong tình trạng da niêm tím tái, ngừng tim, ngừng thở trước nhập viện do bị Covid-19, không khai báo với trạm y tế phường.
Khi tiếp nhận thông tin từ người sống cùng nhà với người bệnh tại phường 11, quận 5 thông báo qua điện thoại với các dấu hiệu nguy kịch, nhân viên y tế mang bình oxy và phương tiện cấp cứu đến thì người bệnh trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở.
Sau khi khai thác tiền sử bệnh, được biết gia đình người bệnh có 3 người (2 người cô trên 65 tuổi sống cùng 1 người cháu) và gia đình đã từ chối tiêm vaccine sau nhiều lần được trạm y tế và UBND phường tư vấn, vận động tiêm.
Trước đó 2 tuần, người cháu nhiễm Covid-19 tự cách ly tại nhà và trong 1 tuần nay 2 người cô cũng nhiễm bệnh, tất cả đều không khai báo trạm y tế phường. Trước đó 1 ngày, người bệnh than mệt, khó thở nhưng không chịu nhập viện. Đến trưa 27/1, người cháu sống cùng thấy người bệnh tím tái, lơ mơ mới gọi điện thoại thông báo cho trạm y tế. Mặc dù nhân viên y tế đã đến nhà xử trí và chuyển viện cấp cứu nhưng bệnh nhân đã tử vong trước khi nhập viện.
Bệnh viện thu dung, điều trị Covid-19 quận 5 cảnh báo và khuyến cáo, đối với trường hợp người dân tự xét nghiệm dương tính với Covid-19 phải khai báo với y tế địa phương để được hướng dẫn, chăm sóc, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ chuyển nặng và lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.
Để không xảy ra trình tạng đáng tiếc như trên, người dân nên tự bảo vệ sức khỏe của mình, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán này bằng cách: 1. Thông báo cho trạm y tế nếu có các dấu hiệu: ho, sốt, đau họng, khó thở, đau mỏi cơ, mệt mỏi, mất vị giác/khứu giác… 2. Thông báo cho trạm y tế nếu tự xét nghiệm dương tính với Covid-19 để được nhân viên y tế tư vấn, hướng dẫn chăm sóc, điều trị kịp thời. 3. Tiêm vaccine Covid-19 đủ liều. 4. Thực hiện 5K (Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế). |
Bộ Y tế hướng dẫn 5 mức độ phân loại bệnh Covid-19
Ngày 28/1, Bộ Y tế có Quyết định 250/QĐ-BYT về việc ban hành "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị covid-19", thay thế cho hướng dẫn ban hành trước đó tại Quyết định 4689 ngày 6/10/2021 và Quyết định số 5666/QĐ-BYT ngày 12/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế, về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm theo Quyết định số 4689/QĐ-BYT. Đây là phiên bản lần thứ 8 được Bộ Y tế cập nhật, bổ sung.
Dấu hiệu chẩn đoán mắc Covid-19
Theo hướng dẫn này, trường hợp bệnh nghi ngờ mắc Covid-19 là người tiếp xúc gần hoặc là người có yếu tố dịch tễ và có ít nhất 2 trong số các biểu hiện lâm sàng sau đây: sốt; ho; đau họng; chảy nước mũi, nghẹt mũi; đau người, mệt mỏi, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác; khứu giác; đau, nhức đầu; tiêu chảy; khó thở; viêm đường hô hấp và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2
Người tiếp xúc gần là một trong số các trường hợp sau:
- Người có tiếp xúc cơ thể trực tiếp (bắt tay, ôm, hôn, tiếp xúc trực tiếp với da, cơ thể...) với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.
- Người đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian hẹp, kín và tối thiểu trong thời gian 15 phút với ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền.
- Người không đeo khẩu trang có tiếp xúc, giao tiếp gần trong vòng 2 mét hoặc ở trong cùng không gian hẹp, kín với ca bệnh xác định trong thời kỳ lây truyền.
- Người trực tiếp chăm sóc, khám và điều trị ca bệnh xác định khi đang trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE).
Thời kỳ lây truyền của ca bệnh xác định được tính từ 2 ngày trước khi khởi phát (đối với ca bệnh xác định không có triệu chứng thì thời kỳ lây truyền được tính từ 2 ngày trước ngày được lấy mẫu có kết quả xét nghiệm dương tính) cho đến khi kết quả xét nghiệm âm tính hoặc giá trị CT ≥ 30.
Người có yếu tố dịch tễ bao gồm:
- Người có mặt trên cùng phương tiện giao thông hoặc cùng địa điểm, sự kiện, nơi làm việc, lớp học... với ca bệnh xác định đang trong thời kỳ lây truyền
- Người ở, đến từ khu vực ổ dịch đang hoạt động.
Trường hợp bệnh xác định
Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của virus (PCR).
Là người tiếp xúc gần và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với vi rút SARS-CoV-2 Là người có yếu tố dịch tễ, có biểu hiện lâm sàng nghi mắc Covid-19 và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2.
Là người có yếu tố dịch tễ và có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính 2 lần liên tiếp (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1) với vi rút SARS-CoV-2. Trong trường hợp xét nghiệm nhanh kháng nguyên lần thứ 2 âm tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
5 mức độ phân loại bệnh Covid-19
Theo hướng dẫn mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh Covid-19, gồm : không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch.
Trước đó, Hướng dẫn chuẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm quyết định 4689/QB/QD-BYT ngày 6/10/2021 chỉ phân loại các bệnh nhân Covid-19 theo 4 mức độ bệnh, gồm nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch (các tiêu chí trong 4 mức độ này không có sự thay đổi). Như vậy, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế đã có thêm nhóm F0 không triệu chứng.
Người nhiễm không triệu chứng
F0 được xếp vào nhóm này nếu không có triệu chứng lâm sàng. Ngoài ra, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.
Mức độ nhẹ
F0 có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, mất vị giác, khứu giác, tiêu chảy… Nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời. Bên cạnh đó, người bệnh tỉnh táo, tự phục vụ được; X-quang phổi bình thường hoặc có nhưng tổn thương ít.
Mức độ trung bình
Đánh giá toàn trạng, người bệnh có các triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như mức độ nhẹ. Về hô hấp, bệnh nhân có dấu hiệu viêm phổi, khó thở, thở nhanh 20-25 lần/phút, phổi có ran nổ và không có dấu hiệu suy hô hấp nặng, SpO2 94-96% khi thở khí phòng. F0 có thể khó thở khi gắng sức (đi lại trong nhà, lên cầu thang).
Mạch của người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, da khô, nhịp tim nhanh, huyết áp bình thường, ý thức tỉnh táo. Ngoài ra, chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương dưới 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 > 300.
Mức độ nặng
F0 được phân loại thuộc nhóm nặng nếu hô hấp có dấu hiệu viêm phổi kèm theo bất kỳ một trong các dấu hiệu sau: nhịp thở > 25 lần/phút; khó thở nặng, co kéo cơ hô hấp phụ; SpO2 < 94% khi thở khí phòng.
Về tuần hoàn, nhịp tim người bệnh có thể nhanh hoặc chậm, HA bình thường hay tăng. Về thần kinh, người bệnh có thể bứt rứt hoặc đừ, mệt. Chụp X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực: có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm thấy hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 khoảng 200-300.
Mức độ nguy kịch
F0 thuộc nhóm nguy kịch có biểu hiện thở nhanh > 30 lần/phút hoặc < 10 lần/phút, có dấu hiệu suy hô hấp nặng, thở gắng sức nhiều, thở bất thường hoặc cần hỗ trợ hô hấp bằng thở oxy dòng cao (HFNC), thở máy. Ý thức người bệnh giảm hoặc hôn mê.
Nhịp tim bệnh nhân có thể nhanh hoặc chậm, huyết áp tụt, tiểu ít hoặc vô niệu. Kết quả X-quang ngực và cắt lớp vi tính ngực phát hiện có tổn thương, tổn thương trên 50%. Siêu âm hình ảnh sóng B nhiều, khí máu động mạch: PaO2/FiO2 < 200, toan hô hấp, lactat máu > 2 mmol/L.