Kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay, Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. |
Ổ dịch Bắc Giang ghi nhận thêm các ca F0 là công nhân KCN
Chiều tối ngày 29/10, bà Nguyễn Kim Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Việt Yên cho biết, trong ngày trên địa bàn ghi nhận thêm 9 trường hợp F0 là công nhân công ty Luxshare ICT, KCN Quang Châu.
Các bệnh nhân lưu trú ở thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu; thôn Vân Cốc 1, xã Vân Trung; tổ dân phố Ninh Khánh, thị trấn Nếnh (cùng huyện Việt Yên). Riêng có 2 bệnh nhân ở xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) và xã Hương Sơn (Lạng Giang) hàng ngày đi làm bằng xe máy và xe đưa đón công nhân.
Hiện nay, Ban Quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân làm ca đêm của xưởng có ca mắc Covid-19 để rà soát phân loại F1, F2, phun khử khuẩn.
TP. Hồ Chí Minh đề nghị sàng lọc đúng quy định khi tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em
Ngày 29/10, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; các bệnh viện; Trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và TP. Thủ Đức; các cơ sở tiêm chủng về triển khai bổ sung hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em.
Nhằm đảm bảo công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em diễn ra an toàn, hiệu quả, Sở Y tế Thành phố đề nghị các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm công tác tiêm chủng theo quy định. Theo đó, Sở Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng thực hiện khám sàng lọc theo đúng nội dung bảng kiểm trước tiêm theo quyết định số 5002 của Bộ Y tế. Từ đó có kết luận đúng các trường hợp đủ điều kiện tiêm, chống chỉ định, trì hoãn, thận trọng tiêm chủng hoặc chuyển khám sàng lọc và tiêm tại bệnh viện.
Lưu ý các đơn vị không tự ý chỉ định tạm hoãn tiêm nếu không thuộc các trường hợp đã quy định trong bảng kiểm, nhằm tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận vaccine sớm.
Khi trẻ được chỉ định chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện, bác sĩ trực tiếp khám sàng lọc phải ghi rõ lý do và tên bệnh viện cần chuyển. Đồng thời hướng dẫn đầy đủ cho người nhà về việc chuyển trẻ đến khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
Ngoài ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị tiêm chủng tiếp tục thực hiện đúng và đầy đủ các quy định chuyên môn khác về tiêm chủng, đặc biệt phải theo dõi trẻ tối thiểu 30 phút sau tiêm.
Đối với các bệnh viện chuyên khoa nhi và bệnh viện đa khoa có chuyên khoa nhi, cần phải tích cực tiếp nhận trẻ đến và hướng dẫn người dân, tránh gây phiền hà, tạo điều kiện cho trẻ được tiếp cận vaccine sớm.
Đối với những trẻ có các vấn đề sức khỏe thuộc nhóm chống chỉ định trì hoãn hoặc phải chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại bệnh viện (nếu có đủ thông tin do phụ huynh cung cấp) thì trung tâm y tế phối hợp với phòng y tế TP. Thủ Đức và các quận, huyện hướng dẫn ngành giáo dục lập danh sách để chủ động trong việc mời tiêm, tổ chức tiêm cho những nhóm này.
Đẩy nhanh việc công nhận 'hộ chiếu vaccine'
Văn phòng Chính phủ có văn bản 7937/VPCP-QHQT ngày 29/10/2021 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" và các biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho chuyên gia nước ngoài nhập cảnh phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế.
Về việc công nhận Giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa Covid-19 hoặc Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 (hộ chiếu vaccine), Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương trao đổi với các đối tác để đẩy nhanh việc công nhận "hộ chiếu vaccine"; Bộ Y tế chủ trì ban hành thống nhất mẫu "hộ chiếu vaccine" của Việt Nam ở dạng giấy và điện tử (có cơ chế xác thực điện tử) trước ngày 5/11.
Về hướng dẫn và kiểm soát y tế đối với người nhập cảnh, Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện, ban hành hướng dẫn cách ly y tế thuận lợi, phù hợp đối với người nhập cảnh mang "hộ chiếu vaccine".
Phó Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ đi và đến từ các nước/vùng lãnh thổ có hệ số an toàn cao, có biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Bộ Giao thông vận tải khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5/11 về Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước.
Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam
- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 910.376 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 152/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 9.243 ca nhiễm).
- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):
+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 905.558 ca, trong đó có 813.315 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
+ Có 13 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Hưng Yên, Điện Biên, Thái Nguyên, Hòa Bình, Bắc Kạn.
+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (430.059), Bình Dương (231.721), Đồng Nai (64.412), Long An (34.632), Tiền Giang (16.199).
Tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 2.169
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 816.132
2. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.990 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 1.969
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 587
- Thở máy không xâm lấn: 103
- Thở máy xâm lấn: 312
- ECMO: 19
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 28/10 đến 17h30 ngày 29/10 ghi nhận 56 ca tử vong tại TP Hồ chí Minh (32), Bình Dương (6), Bạc Liêu (5), Đồng Nai (4), Tiền Giang (2), Sóc Trăng (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Khánh Hòa (1), Quảng Ngãi (1), Kiên Giang (1), Lâm Đồng (1).
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 60 ca.
- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 21.966 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
- So với thế giới, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 133/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với Châu Á, tổng số ca tử vong Việt Nam xếp thứ 10/49 quốc gia và vùng lãnh thổ; Số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 28/49 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tình hình xét nghiệm
- Trong 24 giờ qua đã thực hiện 108.197 xét nghiệm cho 167.733 lượt người.
- Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 22.008.414 mẫu cho 59.953.593 lượt người.
Tình hình tiêm chủng vaccine phòng Covid-19
Trong ngày 29/10 có 1.712.435 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 78.940.403 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 55.578.783 liều, tiêm mũi 2 là 23.361.620 liều.