Trong 24 giờ (từ 16h ngày 2/3 đến 16h ngày 3/3), Việt Nam ghi nhận 118.790 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó 10 ca nhập cảnh và 118.780 ca ghi nhận trong nước (tăng 8.500 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 77.226 ca trong cộng đồng).
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Nguồn: TTXVN/Vietnam+) |
Các địa phương ghi nhận hơn 2.000 ca mắc mới bao gồm: Hà Nội (18.661), Nghệ An (6.152), Bắc Ninh (5.648), Quảng Ninh (3.956), Nam Định (3.801), Sơn La (3.751), Hưng Yên (3.497), Lạng Sơn (3.250), Phú Thọ (3.168), TP. Hồ Chí Minh (3.126), Vĩnh Phúc (2.835), Thái Nguyên (2.793), Bắc Giang (2.673), Hòa Bình (2.610), Hải Phòng (2.581), Đắk Lắk (2.480), Lào Cai (2.414), Ninh Bình (2.364), Hải Dương (2.360), Yên Bái (2.358), Quảng Bình (2.335), Bình Dương (2.282), Tuyên Quang (2.269), Hà Giang (2.178), Thái Bình (2.131).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.885.631 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 142/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 39.335 ca nhiễm).
Hà Nội thêm 18.661 F0 trong 24h
Tối 3/3, Sở Y tế Hà Nội thông tin trên địa bàn đã phát hiện thêm 18.661 ca dương tính SARS-CoV-2.
Từ 18h ngày 2/3 đến 18h ngày 3/3, Hà Nội ghi nhận 18.661 ca bệnh (6.418 ca cộng đồng; 12.243 ca đã cách ly).
Hà Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng vọt
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, ngày 3/3, Hà Nam ghi nhận 1645 trường hợp có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Cụ thể, tại các khu cách ly ghi nhận 32 trường hợp là F1 liên quan đến các ổ dịch trên địa bàn tỉnh. Tại các khu phong tỏa ghi nhận 26 trường hợp liên quan đến các ổ dịch khác nhau. Qua sàng lọc y tế ghi nhận 1.587 trường hợp.
Trong ngày 3/3, Hà Nam ghi nhận thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 tử vong, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong lên 28 trường hợp.
Nam Định: Gần 4.000 ca dương tính với SARS-CoV-2
Theo thông tin từ Sở Y tế, trong ngày 3/3, tỉnh Nam Định phát hiện thêm 3801 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2683 ca ghi nhận trong cộng đồng.
Cụ thể huyện Hải Hậu 507 ca; thành phố Nam Định 683 ca; huyện Vụ Bản 359 ca; huyện Ý Yên 397 ca; huyện Nam Trực 363 ca; huyện Xuân Trường 309 ca; huyện Nghĩa Hưng 316 ca; huyện Trực Ninh 351 ca; huyện Giao Thủy 320 ca; huyện Mỹ Lộc 181 ca.
Bộ Y tế tăng hạn dùng của vaccine phòng Covid-19 Moderna từ 7 lên 9 tháng
Chiều 3/3, Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế thông tin, căn cứ vào kết luận của Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc, Cục Quản lý Dược đồng ý cập nhật hạn dùng của vaccine phòng Covid-19 Spikevax (tên khác của vaccine phòng Covid-19 Moderna) từ 7 tháng lên 9 tháng (kể từ ngày sản xuất) ở điều kiện bảo quản -25 độ C đến -15 độ C đối với các cơ sở sản xuất vaccine này đã được Bộ Y tế phê duyệt cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Việc cập nhật hạn dùng này được áp dụng đối với các lô vaccine Spikevax được nhập khẩu vào Việt Nam kể từ ngày 2/3/2022.
Trước đó, việc cập nhật hạn dùng vaccine phòng Covid-19 Spikevax cũng đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt vào ngày 9/2/2022, Cơ quan Quản lý Dược của châu Âu (EMA) phê duyệt ngày 8/12/2021, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Hoa Kỳ (US FDA) phê duyệt ngày 31/1/2022 và các cơ quan quản lý dược của Anh, Australia, Canada, Thụy Sỹ...
Vaccine phòng Covid-19 Spikevax do hãng dược Moderna nghiên cứu và sản xuất, được Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện sử dụng cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ngày 28/6/2021.
Bộ Y tế khẳng định việc cập nhật hạn dùng đối với vaccine phòng Covid-19 Spikevax không làm thay đổi chất lượng, an toàn, hiệu quả của vaccine.
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà
Ngày 3/3, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn chăm sóc tại nhà đối với trẻ em mắc COVID-19”. Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đưa ra các tiêu chí lâm sàng đối với trẻ là F0 điều trị tại nhà; những thuốc, vật dụng... gia đình cần chuẩn bị như sau:
Ba tiêu chí lâm sàng trẻ em mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà:
Trẻ em ≤ 16 tuổi mắc Covid-19 được khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 bằng xét nghiệm realtime RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên do người chăm sóc tự làm tại nhà hoặc do nhân viên y tế, cơ sở y tế thực hiện.
Không có triệu chứng hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ (không khó thở, không suy hô hấp, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời, nhịp thở bình thường theo tuổi).
Không có bệnh nền hoặc có bệnh nền nhưng đang được điều trị ổn định.
Các vật dụng, thuốc cần thiết, gia đình cần chuẩn bị để chăm sóc trẻ em mắc Covid-19 tại nhà
Về vật dụng gồm: Nhiệt kế; máy đo SpO2 cá nhân (nếu có); khẩu trang y tế; phương tiện vệ sinh tay; vật dụng cá nhân cần thiết; thùng chứa chất thải lây nhiễm có nắp đậy.
Thuốc điều trị tại nhà gồm:
- Thuốc hạ sốt: paracetamol (gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hoặc viên hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg, đủ dùng từ 5-7 ngày).
Thuốc cân bằng điện giải: Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
Thuốc giảm ho (ưu tiên các thuốc từ thảo mộc), đủ dùng từ 5-7 ngày.
Dung dịch nhỏ mũi: natriclorua 0,9%, đủ dùng từ 5-7 ngày.
Thuốc điều trị bệnh nền (nếu cần, đủ sử dụng trong 1-2 tuần).
Cách ly, phòng lây nhiễm khi có trẻ mắc Covid-19 chăm sóc tại nhà thế nào?
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế cần tạo không gian cách ly riêng cho trẻ nhất là khi trẻ có khả năng tự chăm sóc. Nơi cách ly phải thông thoáng, không sử dụng máy lạnh trung tâm; luôn mở cửa sổ.
Đeo khẩu trang: trẻ em mắc Covid-19 (với trẻ ≥ 2 tuổi), người chăm sóc, người trong gia đình và trẻ em ≥ 2 tuổi.
Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa trẻ mắc Covid-19 và những người khác nếu có thể được.
Hướng dẫn theo dõi sức khỏe trẻ mắc Covid-19
+ Đối với trẻ dưới 5 tuổi:
Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.
Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng bất thường. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:
(1) Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.
(2) Sốt cao liên tục >39oC và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48h.
(3) Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:
- Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;
- Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút; - Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.
(4) Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...
(5) Dấu hiệu mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít...
(6) Tím tái
(7) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)
(8) Nôn mọi thứ
(9) Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được
(10) Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng...
(11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.
+ Đối với trẻ từ 5 tuổi trở lên
Theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, đau ngực, đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mất khứu giác, thính giác.
Phụ huynh cần theo dõi các triệu chứng bất thường. Khi có bất kỳ một trong các dấu hiệu sau cần báo nhân viên y tế hoặc đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám, chữa bệnh:
(1) Cảm giác khó thở.
(2) Ho thành cơn không dứt
(3) Không ăn/uống được
(4) Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ
(5) Nôn mọi thứ
(6) Đau tức ngực
(7) Tiêu chảy
(8) Trẻ mệt, không chịu chơi
(9) SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2 )
(10) Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút
(11) Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn...
(12) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần cấp cứu.