📞

Covid-19 sáng 8/12: Nguy cơ biến thể Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn, Hà Nội phát thông báo khẩn tìm người đến quán bún và cà phê

Chu Văn 09:32 | 08/12/2021
Phía Nam lại 'nóng' lên do dịch Covid-19, Hà Nội phát thông báo khẩn tìm người, 14/15 quận, huyện Hải Phòng ghi nhận ca dương tính SARS-CoV-2.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Trong 24h qua (từ 16h ngày 6/12 đến 16h ngày 7/12), Việt Nam ghi nhận 13.840 ca nhiễm mới Covid-19, trong đó 5 ca nhập cảnh và 13.835 ca ghi nhận trong nước (giảm 723 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 7.306 ca trong cộng đồng).

Khu vực khám sàng lọc ca nhiễm SARS-CoV-2 tại bệnh viện. (Nguồn: Bệnh viện Thanh Nhàn)

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.337.523 ca nhiễm, đứng thứ 33/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.567 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.332.216 ca, trong đó có 1.008.839 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Bắc Kạn, Lai Châu.

+ Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP. Hồ Chí Minh (480.448), Bình Dương (285.134), Đồng Nai (90.094), Long An (38.883), Tây Ninh (34.211).

Hải Phòng ghi nhận thêm 139 ca dương tính SARS-CoV-2, 14/15 quận, huyện có ca mắc

CDC Hải Phòng cho biết, thành phố có thêm 139 ca dương tính với SARS-CoV-2 được ghi nhận trong ngày 7/12, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thành phố lên 1.540 ca. Trong số 139 ca, phần lớn được ghi nhận qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng, còn lại chủ yếu là diện F1 trước đó.

Cụ thể, 34 ca tại huyện Tiên Lãng là các trường hợp F1, các mẫu sàng lọc tại cộng đồng trên địa bàn huyện. 22 ca tại huyện Thủy Nguyên. Riêng quận Hải An cũng ghi nhận 10 ca dương tính.

Ngoài ra, quận Ngô Quyền ghi nhận 21 ca, huyện An Dương 9 ca, quận Hồng Bàng 16 ca, quận Lê Chân 9 ca, quận Kiến An 7 ca, quận Dương Kinh 4 ca, quận Đồ Sơn 2 ca, huyện Vĩnh Bảo 2 ca, huyện An Lão 1 ca, huyện Cát Hải 1 ca, huyện Kiến Thụy 1 ca.

Là địa bàn có nhiều chùm ca mắc Covid-19 với dịch tễ phức tạp, tính đến ngày 7/12, quận Hồng Bàng đạt 97,1% số dân từ 18 tuổi trở lên sống trên địa bàn quận được tiêm vaccine phòng Covid-19; tỷ lệ tiêm vaccine cho học sinh từ 12-17 tuổi đạt 94,48%.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp diễn phức tạp, quận Hồng Bàng được UBND thành phố cho phép kích hoạt lại hoạt động của 194 tổ kiểm soát cộng đồng tại các tổ dân phố.

Như vậy, tính đến 7/12, toàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận 1.540 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, 14/15 địa bàn có ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ.

Hà Nội khẩn cấp tìm người liên quan đến các ca F0 mới

Ngày 7/12, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thông báo tìm người đã đến các địa điểm sau:

- Quán bún mọc tại 19 phố Nguyễn Thiện Thuật từ ngày 22/11 đến ngày 2/12.

- Chợ bát phố Gầm Cầu từ ngày 28/11 đến ngày 2/12.

- Quán bún riêu Xiên tại 17 - 19 phố Gầm Cầu từ ngày 22/11 đến ngày 3/12.

- Cửa hàng quần áo 76 phố Hàng Đường từ ngày 1/12 đến ngày 6/12.

- Quán chả cá Thăng Long tại số 6B phố Đường Thành từ 14h đến 15h ngày 5/12.

- Quán cà phê Starbucks ở phố Nhà Thờ từ 15h30 đến 16h ngày 5/12.

Người đã đến các địa điểm và thời gian trên tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc CDC Hà Nội: 0241022 (nhánh 2) - 0969.082.115 - 0949.396.115 để được hướng dẫn và tư vấn.

Tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh Covid-19.

Ghi nhận nhiều ca mắc, một số tỉnh, thành phía Nam tăng cường phòng chống dịch

Tại Long An, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, số ca F0 phát hiện tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn cao, UBND tỉnh quyết định thành lập Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại các trung tâm y tế huyện.

Tại Bạc Liêu, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều đã ban hành Quyết định 527/QĐ-UBND về việc cập nhật, công bố cấp độ dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh và áp dụng bổ sung Quy định tạm thời thắt chặt một số hoạt động trong bối cảnh dịch đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng cao liên tục trong nhiều ngày. Theo đó, từ ngày 7/12, Bạc Liêu ở cấp độ dịch là cấp độ 3 - nguy cơ cao (vùng cam).

Tại Cà Mau, trong 10 ngày qua, số ca mắc Covid -19 tại thành phố Cà Mau tăng nhanh, với số ca mắc đã vượt 2.000 ca, trong đó hơn 50% là ca trong cộng đồng.

Để ứng phó với tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Cà Mau hiện nay, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị thành phố phải thực hiện cấp độ 3 tăng cường.

Bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng ở miền Bắc tăng nhanh

Dịch Covid-19 leo thang tại nhiều tỉnh thành phía Bắc trong vài tháng trở lại đây, kéo theo đó là áp lực của lực lượng điều trị, đặc biệt là tại nơi giành giật sự sống cho các bệnh nhân nguy kịch.

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương từ nhiều tuần qua đã phải hoạt động tối đa công suất vì số lượng bệnh nhân gia tăng nhanh.

ThS.BS Trần Văn Bắc, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, lượng bệnh nhân nặng mà khoa tiếp nhận gia tăng từ một tháng trở lại đây. Đáng chú ý, trong 2 tuần gần đây, số lượng này tăng lên gấp đôi và có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 10 bệnh nhân. Toàn bộ khoa đang điều trị cho tổng cộng gần 80 bệnh nhân. Áp lực không chỉ đến từ việc gia tăng số lượng bệnh nhân mà còn đến từ sự gia tăng khối lượng công việc chăm sóc cho từng bệnh nhân.

Bác sĩ Bắc chia sẻ: "So với trước, các bệnh nhân có tình trạng nặng đến nguy kịch nhiều hơn, mặt bằng tuổi cao hơn. Các bệnh nhân có xu hướng phải nằm điều trị tích cực cũng gia tăng so với trước".

Các bệnh nhân nhập viện điều trị trong giai đoạn vừa qua đa phần trên 60 tuổi, trong đó, F0 trên 80 tuổi chiếm khoảng 30 - 40%. Nhiều bệnh nhân đi kèm các bệnh nền nặng như suy thận mạn tính, cao huyết áp, HIV, xơ gan… và chủ yếu đều chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi.

Các bệnh nhân nặng nhất tại Khoa Cấp cứu chủ yếu rơi vào nhóm lớn tuổi. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân hơn 90 tuổi, bị tai biến nhiều lần, lú lẫn không may nhiễm Covid-19 phải thở máy thì tiên lượng sẽ xấu hơn rất nhiều.

Nguy cơ biến chủng Omicron xâm nhập vào Việt Nam rất lớn

Công điện về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trước biến chủng Omicron do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành mới đây cho biết, tại Việt Nam đến nay chưa ghi nhận biến chủng mới này, tuy nhiên, nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Công điện nêu rõ, thời gian gần đây, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia.

Ngày 25/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của virus SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Đến ngày 2/12, ít nhất 27 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận xuất hiện biến chủng này.

Thực hiện Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động kiểm soát tình hình dịch Covid-19; Bộ Y tế điện và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cụ thể:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch Covid-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ Covid cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

Tăng cường giám sát các trường hợp nhập cảnh, đặc biệt đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã có biến chủng Omicron.

Thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trưởng hợp mắc Covid-19.

Chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

Khẩn trương tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 cơ bản, triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với trường hợp đủ thời gian.

(tổng hợp)