📞

Covid-19 sẽ tái định hình tương lai năng lượng châu Á thế nào?

Lê Ngọc 19:20 | 11/05/2020
TGVN. Bên cạnh những tác động chính trị và kinh tế cấp vĩ mô ở châu Á - Thái Bình Dương và thế giới một cách tổng thể, đại dịch Covid-19 cũng có ảnh hưởng tới các ngành công nghiệp chính trên toàn cầu theo những cách riêng.
Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, trong đó có năng lượng. (Nguồn: Getty Images)

Trong các lĩnh vực đáng chú ý nhất là lĩnh vực năng lượng, nơi mà Covid-19 có thể định hình lại sự tương tác giữa các chủ thể khác nhau trong khu vực.

Đá phiến trỗi dậy

Vài năm gần đây, tương lai ngành năng lượng của châu Á chịu tác động đẩy bởi một loạt các xu hướng ở cấp độ rộng hơn, dài hạn, bao gồm sự gia tăng quy mô của các nền kinh tế lớn ở châu Á có nhu cầu năng lượng, phổ biến công nghệ năng lượng và nhận thức ngày càng cao của các chính phủ về tăng trưởng kinh tế kết hợp với quản lý khí thải carbon. Chúng ta cũng đã chứng kiến một loạt thay đổi đáng chú ý ảnh hưởng đến các động lực này, trong đó có sự bùng nổ đá phiến gần đây ở Mỹ và biến động của giá dầu.

Nhìn từ góc độ này, Covid-19 chỉ là một trong số hàng loạt các nhân tố sẽ định hình bức tranh năng lượng châu Á. Đáng chú ý, Covid-19 cũng đang tương tác với một số xu hướng và sự phát triển khác xảy ra đồng thời hoặc cạnh tranh, bao gồm sự sụp đổ của giá dầu, căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng, căng thẳng gia tăng đối với các thể chế khu vực và quốc tế, nhận thức về sự đảo ngược dân chủ, ma sát giữa một số nhà sản xuất năng lượng lớn và suy thoái tài chính toàn cầu, được IMF dự đoán sẽ là tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái.

Trọng tâm đến nay là các tác động trực tiếp, ngắn hạn của Covid-19 đến ngành năng lượng, biểu hiện rõ rệt, chính là sự sụt giảm nhu cầu năng lượng trên quy mô toàn cầu đã tác động đến khu vực hoặc ảnh hưởng lên các dạng năng lượng cụ thể như thủy điện tại các thị trường chính của châu Á. Vấn đề Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến một số khía cạnh dài hạn của tương lai ngành năng lượng tại châu Á như thế nào đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận sâu hơn vào một số cấp độ trong khu vực để hiểu được những ảnh hưởng có thể.

Ở cấp địa phương, một mặt, virus corona và việc khống chế đại dịch có thể gia tăng căng thẳng trong một số lĩnh vực tồn tại ở mỗi quốc gia. Đây là mối quan tâm đặc biệt phổ biến ở các khu vực đông dân cư hoặc vùng sâu, vùng xa ở các nước đang phát triển ở Nam và Đông Nam Á, nơi các biện pháp như giãn cách xã hội và làm việc từ xa có thể khó thực hiện. Sự thịnh vượng chung của châu Á đôi khi có thể khiến các nhà quan sát không nhìn thấy hết sự bất bình đẳng và bất cập vẫn còn tồn tại tại các quốc gia, như trường hợp thiếu điện ảnh hưởng đến hơn 300 triệu người trên khắp châu Á, theo Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc ở châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP).

Bức tranh năng lượng châu Á

Ở cấp quốc gia, một câu hỏi quan trọng là tác động của Covid-19 tới các nguồn năng lượng của các nền kinh tế châu Á sẽ như thế nào. Đặc biệt đáng chú ý về vấn đề này sẽ là động lực trong các nền kinh tế thị trường mới nổi, sử dụng nhiều năng lượng như Ấn Độ và Trung Quốc, nơi quyết định việc xác định bước đi trong nhiều năm tới. Những quyết định đó sẽ được xác định bởi các chính phủ đang đấu tranh để cân bằng việc giải quyết các hậu quả trước mắt do virus corona gây ra đồng thời tính đến tương lai lâu dài của đất nước họ.

Nhưng một động lực bổ sung là tác động của Covid-19 đối với kế hoạch năng lượng và quản lý một cách hiệu quả tại các quốc gia phụ thuộc năng lượng. Các quốc gia như Mông Cổ và Brunei đã phải điều chỉnh nhãn quan chính trị và kinh tế của mình để thích ứng với các tác động của Covid-19. Họ có thể phải đối mặt với những thách thức phía trước có thể ảnh hưởng đến không chỉ môi trường chính trị trong nước mà cả lĩnh vực họ hội nhập thế giới.

Cấp độ khu vực cũng sẽ rất quan trọng khi đánh giá các tác động đối với bức tranh năng lượng của châu Á trong bối cảnh Covid-19. Một phần trọng tâm sẽ tập trung vào các mô hình hợp tác - dù xảy ra theo kiểu song phương, tiểu song phương hay đa phương - có thể là hợp tác năng lượng thông qua các cơ chế do ASEAN lãnh đạo, của Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc trong khu vực, hoặc thậm chí là các cam kết liên quan các nhân tố khác như Bộ Tứ (gồm Australia, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản) hoặc Bộ Tứ cộng.

Các động lực cạnh tranh

Nhưng điều quan trọng là phải chú ý đến cả hiệu ứng Covid-19 đối với động lực cạnh tranh. Ví dụ, coronavirus và hiệu ứng phụ của nó có thể làm tăng sự căng thẳng tại các điểm nóng của khu vực như ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Covid-19 có thể gián tiếp ảnh hưởng đến động lực cạnh tranh trong khu vực, bằng chứng là những tác động của nó lên ngân sách quốc phòng, mua sắm, tái cấu trúc, tham gia và ưu tiên của các nước lớn châu Á trong năm 2020 và xa hơn.

Cuối cùng, Covid-19 cũng có khả năng ảnh hưởng toàn cầu - tác động đến tương lai ngành năng lượng châu Á. Tất nhiên, một phần trọng tâm sẽ tập trung vào các xu hướng địa chính trị rộng lớn, bao gồm tình trạng của nền kinh tế toàn cầu, giá dầu và các quốc gia Trung Đông... Mặc dù các nhà nhập khẩu năng lượng châu Á có thể tạm thời được hưởng lợi từ các hiệu ứng của Covid-19 trong thời gian ngắn, một số trong số họ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực Trung Đông và sự phụ thuộc đó sẽ không dễ dàng loại bỏ một cách nhanh chóng.

Nhưng rộng hơn nữa, hãy lưu ý cách các động lực này định hình nhãn quan quốc tế trong các vấn đề dài hạn. Vấn đề hàng đầu là biến đổi khí hậu - vẫn chưa hiện hữu đối với tương lai của châu Á. Mặc dù virus corona sẽ đóng vai trò lý tưởng như một lời cảnh tỉnh để các quốc gia tăng tốc các nỗ lực về chính sách khí hậu trước khi cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra một cú sốc toàn cầu thậm chí còn lớn hơn, trong ngắn hạn; tác dụng phụ từ Covid-19 cũng có thể làm chậm nỗ lực hướng tới một tương lai năng lượng sạch hơn.

Các ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 toàn cầu vẫn đang diễn ra ở châu Á - Thái Bình Dương và rất nhiều ẩn số vẫn chưa được giải đáp, thật khó để chỉ ra thời điểm cụ thể khi các tác động chính xác của Covid-19 đến động lực năng lượng sẽ trở nên hoàn toàn rõ ràng. Với thực tế là đại dịch đang tương tác với rất nhiều động lực khác nhau và cũng gây ra hậu quả trên nhiều lĩnh vực, có thể phải mất một thời gian để chiêm nghiệm và một số tác động của nó có thể không được hình dung đầy đủ cho đến khi đại dịch kết thúc. Dù sao, một số động lực đã thấy có thể giúp chúng ta ý thức được về các lĩnh vực và những gì cần làm trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đang kìm hãm sự phát triển của khu vực và thế giới.

(theo The Diplomat)