Giường bệnh trong bệnh viện dã chiến ở thành phố Chí Linh (Hải Dương) đã sẵn sàng đón bệnh nhân Covid-19. (Nguồn: Thanh niên) |
Theo Bộ Y tế, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, trong các ngày 27-28/1/2021 đã ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng, chủ yếu tại nhà máy POYUN (khu Công nghiệp Cộng Hòa, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương) và Sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh).
Để ứng phó kịp thời với tình hình dịch, Bộ Y tế đã chỉ đạo thành lập bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Hải Dương.
Bộ Y tế vừa có công văn gửi Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng về việc hỗ trợ chuyên môn cho bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Hải Dương trong công tác phòng chống dịch.
Nhằm kịp thời đáp ứng công tác thu dung, điều trị cho người bệnh mắc Covid-19 theo phương châm 4 tại chỗ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh Hải Dương.
Thành lập bệnh viện dã chiến tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Hải Dương theo phương án sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị và các điều kiện hậu cần khác của Bệnh viện dã chiến đã được thiết lập tại Cung Tiên Sơn của TP. Đà Nẵng hồi tháng 8 năm ngoái.
Bộ Y tế cũng đề nghị Giám đốc Sở Y tế TP. Đà Nẵng chủ động làm việc với Sở Y tế tỉnh Hải Dương để khẩn trương triển khai thực hiện việc hỗ trợ này.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị các thầy thuốc có kinh nghiệm chống dịch và điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng chi viện cho Hải Dương.
“Kinh nghiệm của đội ngũ thầy thuốc đã khống chế thành công dịch ở Đà Nẵng sẽ phát huy hiệu quả tại Hải Dương”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định.
Điều dưỡng Đặng Thị Công (áo xanh) chia sẻ niềm vui với các bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh tại Đà Nẵng tháng 8/2020. (Ảnh: Lê Bảo) |
Tối ngày 29/1, chia sẻ về điều này, BS CKII Nguyễn Trọng Thiện (Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng) nói: “Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, đã nắm được tinh thần và luôn luôn trong tinh thần sẵn sàng, nếu có lệnh sẽ lập tức lên đường”.
Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng cũng nhấn mạnh: “Dù sát Tết nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng, tất cả chúng tôi đều sẵn sàng lên đường”.
BS CKII Nguyễn Trọng Thiện chia sẻ thêm, số lượng các thầy thuộc danh sách “Bắc tiến” phụ thuộc vào yêu cầu của Bộ Y tế. Bác sĩ Thiện cũng thông tin, nếu cần điều đoàn bao gồm các đơn vị điều trị, đơn vị quản lý, kiểm soát nhiễm khuẩn… thì Bệnh viện sẽ lập tức sắp xếp.
“Riêng về tinh thần thì Bệnh viện luôn sẵn sàng. Tôi cũng đã quán triệt với anh em rồi, nếu Bộ yêu cầu lúc nào thì lúc đó lên đường”, BS CKII Nguyễn Trọng Thiện nhấn mạnh.
Làm việc tại Trung tâm Y tế Hoà Vang, một trong những cơ sở y tế điều trị nhiều bệnh nhân mắc Covid-19 nhất tại Đà Nẵng hồi tháng 8/2020, Điều dưỡng trưởng Đặng Thị Công chia sẻ: “Nếu Bộ điều động thì chắc chắn anh chị em tại bệnh viện sẵn sàng đăng ký để tới Hải Dương hỗ trợ các công tác phòng chống dịch”.
Điều dưỡng Đặng Thị Công cũng nói, trước đây khi Đà Nẵng căng mình chống dịch, hàng trăm thầy thuốc từ khắp nơi không quản ngại gian khó để hỗ trợ chống dịch.
Đặc biệt, sự chi viện của Bộ Y tế rất kịp thời đã giúp TP. Đà Nẵng có thể khống chế dịch thành công. Đà Nẵng được như ngày hôm nay cũng là công lao rất to lớn của đông đảo các thầy thuốc khắp cả nước, cũng như sự ủng hộ của đông đảo nhân dân.