Theo một nghiên cứu trên mẫu nhỏ, phụ nữ mang thai tiêm vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ mRNA sẽ truyền lượng lớn kháng thể cho thai nhi. (Nguồn: Shutter Stock) |
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Trong 24 giờ qua, toàn thế giới đã ghi nhận xấp xỉ 530.000 ca mới, trong đó Mỹ chiếm nhiều nhất với 133.620 ca, tiếp theo là Brazil 36.473 ca, Anh 34.460 ca, Ấn Độ 31.957 ca,...
Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát đến nay, Mỹ là quốc gia chịu sự tác động nặng nề nhất với 43,4 triệu ca nhiễm, trong đó có gần 700.000 ca tử vong. Xếp thứ hai thế giới về số ca nhiễm là Ấn Độ với 33,56 triệu ca, trong đó có hơn 446.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 21,28 triệu ca nhiễm và hơn 592.000 ca tử vong.
Đáng chú ý, theo CNN, số ca tử vong do Covid-19 hàng ngày tại Mỹ đã tăng lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 3, với 2.114 ca không qua khỏi.
CNN dẫn số liệu từ Đại học Johns Hopkins cho hay, một lần nữa, Mỹ lại ở gần giai đoạn từng ghi nhận 2.000 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày. Phần lớn các trường hợp tử vong do Covid-19 và các ca phải nhập viện điều trị tại Mỹ đều là những người chưa tiêm vaccine.
Cơ quan kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết tính đến ngày 22/9, có 54,8% dân số Mỹ đã hoàn thành tiêm chủng vaccine.
Trong khi đó, tại Anh, dịch bệnh đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp khi số học sinh mắc Covid-19 tăng cao kỷ lục trong 7 ngày qua, gây lo ngại về những gián đoạn trong ngành giáo dục và nguy cơ làn sóng lây nhiễm mới ở những nhóm người lớn tuổi.
Tỷ lệ trẻ em từ 5-14 tuổi mắc Covid-19 đã tăng 80% lên 811/100.000 người trong tuần trước, vượt mức đỉnh hồi cuối tháng 7. Các ca mắc mới ở trẻ em tăng vọt kéo theo sự gia tăng các ca mắc ở thế hệ phụ huynh trong độ tuổi từ 30-49, hiện tăng 7% lên mức 286/100.000 người.
Theo Giáo sư John Edmunds, thành viên Nhóm cố vấn khoa học về các trường hợp khẩn cấp của chính phủ (Sage), nếu dịch bệnh tiếp tục gia tăng với tốc độ này cho tới kỳ nghỉ giữa kỳ của học sinh, tình hình sẽ phức tạp, đặc biệt với việc nhân viên văn phòng bắt đầu trở lại làm việc tại công sở.
Giáo sư Edmunds cho rằng những tác động lây nhiễm bệnh từ nhóm tuổi này sang nhóm tuổi khác sẽ diễn ra trong khoảng vài tuần, và vì vậy, có thể sẽ sớm thấy ca mắc gia tăng ở các nhóm tuổi lớn hơn.
Ông cho hay đó là lúc phải bắt đầu nghĩ tới Kế hoạch B (kế hoạch ứng phó với Covid-19 trong mùa Đông, theo đó Anh có thể áp dụng trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch).
Các chuyên gia cảnh báo cả Vương quốc Anh có thể đối mặt với những thách thức mới vào mùa Đông khi các trường đại học hoạt động trở lại, mọi người dành nhiều thời gian trong nhà hơn và các tiếp xúc xã hội trở lại bình thường như thời kỳ trước đại dịch.
Tại Hàn Quốc, số ca mắc mới Covid-19 ghi nhận theo ngày tiếp tục vượt mốc 1.700 ca trong ngày thứ hai liên tiếp, mặc dù nước này giảm thiểu tiến hành xét nghiệm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu kéo dài 5 ngày vừa qua.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), đến nay, Hàn Quốc ghi nhận 290.983 ca nhiễm, trong đó có 2.419 người tử vong. Trong đó, khu vực đô thị Seoul - nơi 50% trong tổng dân số 52 triệu người của Hàn Quốc sinh sống - hiện là tâm dịch của cả nước với 77% tổng số ca bệnh.
Vaccine và tiêm chủng
Ngày 22/9, tại Hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 toàn cầu do Mỹ tổ chức bên lề khóa họp 76 Đại hội đồng Liên hợp quốc, một loạt nước Mỹ, Nhật Bản, Italy,.... đồng loạt đưa ra cam kết viện trợ vaccine thông qua chương trình COVAX.
Tổng thống Mỹ Joe Biden Biden thông báo, nước này sẽ ủng hộ thêm 500 triệu liều vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho các nước trên thế giới, nâng tổng số vaccine nước này viện trợ cho nước ngoài lên 1,1 tỷ liều. Ngoài ra, ông Biden cũng cam kết hỗ trợ 370 triệu USD cho các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Mỹ cùng ngày cũng đã cấp phép sử dụng vaccine phòng Covid-19 của Pfizer làm liều tăng cường cho người trên 65 tuổi, người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng và người có nguy cơ cao nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng bác đề xuất tiêm tăng cường cho tất cả người dân trên 16 tuổi.
Quyết định trên đồng nghĩa hàng chục triệu người Mỹ giờ đây thuộc diện tiêm mũi thứ 3 kể từ 6 tháng sau mũi tiêm vaccine thứ 2.
Thủ tướng Italy Mario Draghi cùng ngày tuyên bố có kế hoạch cung cấp cho các quốc gia khác 45 triệu liều vaccine phòng Covid-19 trước cuối năm nay, gấp ba lần cam kết ban đầu.
Trong một diễn biến khác, ngày 23/9, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide thông báo nước này sẽ cung cấp bổ sung 30 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho các nước khác như một phần các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine.
Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho hay, từ tháng 11, người lao động nước này không tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 sẽ không còn được nhận các khoản trợ cấp vì mất thu nhập trong thời gian phải thực hiện cách ly.
Theo thống kê của Viện Dịch tễ Robert Koch Institute (RKI), tính đến ngày 22/9, đã có tổng cộng 63,4% dân số Đức tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19, thấp hơn tỷ lệ 85% mà viện này cho rằng cần thiết để đạt miễn dịch cộng đồng.
Ngày 22/9, tờ Thời báo hoàn cầu đưa tin, nhà phát triển vaccine CanSinoBIO của Trung Quốc cho biết, việc nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên trên thế giới ở dạng hít khí dung dựa trên công nghệ adeno virus vector type 5 (Ad5-nCoV) đang tiến triển tốt.
Nhà phát triển vaccine CanSinoBIO cho biết, Ad5-nCoV dạng hít khí dung có thể tạo ra phản ứng miễn dịch tế bào mạnh mẽ, theo đó duy trì mức độ phản ứng miễn dịch tương đương với mức độ có được bằng cách tiêm bắp truyền thống trong 14 ngày.
Bên cạnh đó, sự gia tăng các kháng thể IgG sau khi hít Ad5-nCoV như một mũi tiêm tăng cường có thể gấp 7 đến 8 lần so với việc tiêm vaccine bất hoạt mũi tăng cường.
Vaccine này do CanSinoBIO và các nhà nghiên cứu từ Viện Quân y thuộc Viện Khoa học Quân sự Trung Quốc phối hợp phát triển. Các thử nghiệm lâm sàng hiện vẫn đang được tiếp tục tiến hành.
Báo cáo về việc thử nghiệm Ad5-nCoV được công bố trên Tạp chí bệnh truyền nhiễm The Lancet cho biết, các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I cho thấy hai liều Ad5-nCoV dạng khí dung được dung nạp tốt mà không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào liên quan đến vaccine.
Theo nhà phát triển CanSinoBIO, sự kết hợp giữa vaccine bất hoạt với Ad5-nCoV dạng hít cũng được chứng minh là mang lại mức độ kháng thể trung hòa cao chống lại nguyên mẫu virus SARS-CoV-2, cũng như các biến thể mới như Alpha, Beta, Gamma và Delta.
Ông Đào Lê Nạp, chuyên gia trong ngành vaccine làm việc tại Thượng Hải, nhận định nếu Ad5-nCoV dạng hít được chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, đây sẽ là loại vaccine đầu tiên trên thế giới đạt được khả năng miễn dịch bộ ba – bao gồm thể dịch, tế bào và niêm mạc.
Straits Times đưa tin, một kết quả nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Sản phụ khoa Mỹ MFM, phụ nữ có thai tiêm vaccine mRNA có thể truyền lượng lớn kháng thể cho em bé.
Là một trong những nghiên cứu đầu tiên đo lượng kháng thể trong máu cuống rốn để xác định xem miễn dịch bắt nguồn từ lây nhiễm hay vaccine, nghiên cứu mới phát hiện thấy 36 trẻ em mới chào đời đều có kháng thể chống Covid-19 sau khi người mẹ tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna.
Do nghiên cứu mới đăng tải sử dụng số mẫu nhỏ nên nhóm tác giả đang nghiên cứu ở một nhóm lớn hơn, đồng thời tìm hiểu xem miễn dịch có thể kéo dài bao lâu ở trẻ sơ sinh sau khi ra đời.