📞

Covid-19 thế giới 8/9: Dịch nóng trở lại ở Hàn Quốc; biến thể Mu 'phủ sóng' ở 46 quốc gia; cảnh báo các triệu chứng mới ở người nhiễm bệnh

Hạ Vy 12:13 | 08/09/2021
Theo trang thống kê Worldometers, đến nay, toàn cầu ghi nhận hơn 222,7 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó có xấp xỉ 4,6 triệu ca tử vong và gần 199,3 triệu bệnh nhân bình phục.
Chính phủ Indonesia siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu gây bệnh Covid-19.

* Tại châu Mỹ

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19 với hơn 41,18 triệu ca, trong đó 668.901 ca tử vong.

Dự kiến ngày 9/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra kế hoạch "gồm 6 mũi nhọn ở tất cả các lĩnh vực công và tư" nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta và thúc đẩy chương trình tiêm chủng trên toàn quốc.

Mỹ cũng đã cảnh báo người dân không nên đến Sri Lanka, Jamaica và Brunei do số ca Covid-19 mới ngày càng tăng cao ở 3 quốc gia này.

Trong khi đó, Canada đã nới lỏng những hạn chế đi lại đối với những công dân nước ngoài tiêm đủ liều vaccine Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt.

Canada đã phê duyệt 4 loại vaccine, gồm Pfizer-BioNTech, Moderna, Oxford-AstraZeneca/Covishield và Johnson &Johnson.

Để đủ điều kiện nhập cảnh, mũi tiêm cuối cùng phải cách ngày nhập cảnh ít nhất 14 ngày và khách nhập cảnh phải xuất trình bằng chứng xét nghiệm âm tính với Covid-19 chưa quá 72 giờ.

Tại Nam Mỹ, Argentina tuyên bố đẩy nhanh chương trình tiêm vaccine.

Trong tổng số 51,9 triệu liều vaccine mà Argentina đã tiếp nhận đến thời điểm hiện tại, 45,5 triệu liều đã được tiêm cho người dân từ 18 tuổi trở lên và dự kiến sẽ sớm triển khai tiêm cho trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi ngay trong tháng 9.

Argentina đã ghi nhận 14 tuần liên tiếp có số ca mắc mới giảm, 12 tuần liên tiếp có số ca điều trị tích cực và tử vong giảm.

Theo thống kê chính thức, đến nay, nước này có hơn 5,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó 112.851 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.

Tổng thống Peru Pedro Castillo tuyên bố sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V của Nga, với mục đích đẩy nhanh quá trình tiêm chủng đại trà.

Thỏa thuận lắp đặt nhà máy sản xuất vaccine Sputnik V là kết quả của các cuộc đàm phán giữa chính phủ Peru và chính phủ Nga. Nhà máy này có thể sẽ hoạt động vào năm 2023.

Peru là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch ở Mỹ Latinh với gần 200.000 trường hợp tử vong và hơn 2,15 triệu ca nhiễm tính đến nay.

Ngày 8/9, Venezuela đã tiếp nhận 693.600 liều vaccine Sinovac của Trung Quốc sản xuất thông qua cơ chế COVAX.

Với hơn 12 triệu liều vaccine đăng ký thông qua COVAX, Venezuela dự kiến tiêm chủng cho gần 20% dân số.

Tổng thống Nicolas Maduro mới đây cho biết, chỉ có khoảng 30% dân số Venezuela được tiêm chủng ít nhất một mũi vaccine, trong đó tỷ lệ người được tiêm đầy đủ chiếm 10%.

* Tại châu Á

Chính phủ Indonesia đã siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu (còn được gọi là B.1.621) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm.

Indonesia lo ngại nguy cơ phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba nếu biến thể Mu xâm nhập.

Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia. Tuy nhiên, biến thể mới này vẫn chưa được phát hiện tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia.

Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cũng đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 vaccine Covid-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) và CanSino sản xuất.

Tính đến nay, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 9 loại vaccine, gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Novavax, Sinopharm, CanSino, Sputnik-V và Anhui Zhifei Longcom.

Trong khi số ca mắc mới do biến thể Delta đang tăng trên toàn cầu, các chuyên gia Malaysia cũng cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể có tên Mu vì biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vaccine.

Ngày 7/9, Thái Lan thông báo sẽ bắt đầu tiêm chủng cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên bằng vaccine Pfizer vào cuối tháng này. Những học sinh thuộc diện có nguy cơ ở thủ đô Bangkok sẽ được tiêm đầu tiên.

Trong vòng 6 tháng, Thái Lan đã đi được một nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng với hơn 25 triệu người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và 10 triệu người đã tiêm mũi thứ hai.

Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu có 50 triệu người, chiếm 70% dân số nước này, được tiêm mũi vaccine đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Tính đến sáng 8/9, Thái Lan có thêm 14.176 ca mắc mới và 228 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 1.322.519 ca, trong đó có 13.511 ca tử vong.

Cùng ngày, các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 của Ấn Độ kêu gọi các bác sĩ cần xếp vào dạng nghi nhiễm các trường hợp xuất hiện những triệu chứng như giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da, ngay cả khi không có các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, khó thở.

Theo các bác sĩ Ấn Độ, dù đã 17 tháng kể từ khi đại dịch bùng phát, các triệu chứng mới vẫn tiếp tục được phát hiện, đòi hỏi giới khoa học phải theo sát những triệu chứng này.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận 38.948 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, 43.903 người bình phục và 219 ca tử vong mới.

Ngày 8/9, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc đã trở lại trên 2.000 ca bất chấp việc các cơ quan y tế đẩy mạnh nỗ lực phòng dịch và tiêm chủng.

Cụ thể, Hàn Quốc đã có thêm 2.050 ca nhiễm mới, trong đó có 2.014 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm lên 265.423 ca.

Đây cũng là ngày thứ 64 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm ở mức 4 chữ số và là ngày đầu tiên sau 1 tuần số ca nhiễm hàng ngày quay trở lại ngưỡng 2.000 ca. Số bệnh nhân nặng trên cả nước lên tới 387 người, tăng 23 người so với ngày hôm trước.

Thông tin về vaccine

Ngày 7/9, người đứng đầu Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế (IFPMA) Thomas Cueni nhận định sẽ có đủ vaccine Covid-19 được sản xuất vào cuối năm nay để cung cấp cho toàn thể người dân trên thế giới.

Theo đó, mặc dù hiện vẫn tồn tại khoảng cách lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các nước giàu và nghèo, song thế giới sẽ sản xuất được 7,5 tỷ liều vaccine trong tháng 9 này.

Theo ước tính của IFPMA, số lượng vaccine được sản xuất sẽ đạt 24 tỷ liều vào giữa năm tới - một con số còn lớn hơn nhu cầu toàn cầu.

Trong khi đó, Quỹ Toàn cầu (Global Fund) kết luận dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng vô cùng nặng nề đối với cuộc chiến chống HIV/AIDS, lao và sốt rét trong năm 2020.

Lần đầu tiên trong lịch sử của quỹ, những kết quả quan trọng đã bị đảo ngược. Theo đó, đã có sự sụt giảm đáng kể trong các dịch vụ xét nghiệm, dự phòng HIV/AIDS, điều trị lao và sốt rét.

(tổng hợp)