📞

Covid-19 và dịch vụ giao hàng đẩy 'nền kinh tế Gig' phát triển mạnh tại Trung Quốc

12:09 | 04/05/2020
TGVN. Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, các dịch vụ giao hàng đã trở thành một “chiếc phao cứu sinh”, không chỉ với người tiêu dùng mà còn với cả những người đang tìm việc làm.
Hình thức giao thực phẩm ở Trung Quốc đã trở thành một ngành dịch vụ kinh doanh có trị giá lên đến 46 tỷ USD, lớn nhất thế giới. (Nguồn: TechNode)

Ngay cả trước cuộc khủng hoảng, dịch vụ giao hàng tận nhà đã trở nên phổ biến tại các đô thị Trung Quốc. Sự kết hợp của nguồn cung lao động giá rẻ dồi dào, tầng lớp trung lưu đông đảo và sự phổ biến của các thiết bị điện thoại thông minh (smartphone) đã thúc đẩy các dịch vụ giao thực phẩm trực tuyến phát triển ở Trung Quốc. Dịch vụ này thậm chí còn phổ biến tại Trung Quốc hơn cả ở nhiều nước phát triển khác.

Với chỉ vài thao tác đơn giản trên smartphone, người dùng có thể đặt hàng giao đến tận tay trong chưa đến 30 phút. Các dịch vụ này chủ yếu đang được cung cấp bởi hai “kỳ lân” trong lĩnh vực này tại Trung Quốc là Ele.me và Meituan-Dianping.

Khảo sát cho thấy, hơn 400 triệu người, tức là khoảng một nửa số người dùng Internet tại Trung Quốc cho biết, họ thường xuyên gặp các "waimai xiaoge” - “nhân viên giao hàng”, trong đó hơn 90% người giao hàng là nam giới.

Các "xiaoge" đã góp phần biến hình thức giao thực phẩm ở Trung Quốc thành một ngành dịch vụ kinh doanh có trị giá lên đến 46 tỷ USD, lớn nhất thế giới và cao gấp hai lần quy mô ngành này ở Mỹ.

Năm 2018, Meituan và Ele.me có khoảng 6 triệu nhân viên giao hàng, nhưng nhu cầu nhân lực đã tăng lên nhanh chóng. Công ty nghiên cứu Sanford C. Bernstein ước tính vào năm tới, mỗi ngày Meituan sẽ cần thêm hơn 1 triệu nhân viên giao hàng, tăng 200.000 người so với năm ngoái. Trung bình, mùa Hè năm ngoái, lực lượng giao hàng của công ty này phải xử lý đến 20.000 đơn hàng/phút.

Nền kinh tế Gig (Gig Economy) - nền kinh tế bán thời gian, thời vụ nơi các công ty có xu hướng thuê những người làm việc độc lập và tự do thay vì nhân viên toàn thời gian, đang làm thay đổi đời sống tại các đô thị Trung Quốc.

Hàng triệu lao động trẻ ở các làng quê Trung Quốc đã lên thành phố để tham gia vào các dịch vụ vận chuyển dựa trên ứng dụng di động, như giao hàng hay tài xế công nghệ. Gần 1/3 số nhân viên giao hàng của Meituan từng là công nhân nhà máy. Xu hướng dịch chuyển này thể hiện ngày càng rõ rệt khi vào năm 2018, lần đầu tiên số người lao động di cư làm việc trong lĩnh vực dịch vụ cao hơn sản xuất.

Trong bối cảnh dịch Covid-9, số lao động di cư chuyển sang các công việc bán thời gian vì thế cũng gia tăng. Sau khi dịch bệnh bùng phát, các dịch vụ giao hàng đã trở thành một “chiếc phao cứu sinh”, không chỉ với người tiêu dùng mà còn với cả những người đang tìm việc làm.

Khi chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa, các dịch vụ “thiết yếu” vẫn là ngoại lệ, trong đó có các dịch vụ giao hàng tạp hóa và thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn ở Trung Quốc đã phải cắt giảm nhân lực, nhưng các công ty giao thực phẩm lại đi ngược lại xu hướng này.

Freshippo, một công ty bán hàng tạp tóa trực tuyến của “gã khổng lồ” Alibaba đã thuê 2.000 nhân viên ở 30 chuỗi nhà hàng của mình. Và kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Meituan đã tuyển hơn 450.000 nhân viên giao hàng mới.

Để khuyến khích nhân viên, Meituan đã tạo ra một hạng mục gọi là “lepao”, tức những người giao hàng vui vẻ. Những nhân viên ở hạng mục này sẽ được trả công nhiều hơn khi chấp nhận thực hiện giao những đơn hàng ở các địa điểm xa.

Công ty này cũng hỗ trợ thành lập một đường dây nóng về sức khỏe tinh thần cho các nhân viên giao hàng, đồng thời chi trả lên đến 300.000 NDT chi phí y tế cho những nhân viên mắc Covid-19.

(theo The Economist)