Các Bộ trưởng APEC đã nhất trí rằng thương mại tự do và kinh tế mở cửa sẽ là yếu tố thúc đẩy kinh tế khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19. (Nguồn: Global Times) |
Các Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của 21 nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã nhất trí rằng thương mại tự do và kinh tế mở cửa sẽ là yếu tố thúc đẩy kinh tế khu vực phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Sự đồng thuận này được đưa ra tại Hội nghị cấp bộ trưởng APEC năm 2021 diễn ra theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 8-9/11 với vai trò Chủ tịch của New Zealand. Vấn đề Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) nộp đơn xin gia nhập Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã làm "nóng" những sự kiện bên lề APEC năm nay.
Hãng tin Reuters dẫn thông cáo đưa ra sau Hội nghị bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC thừa nhận tốc độ phục hồi kinh tế của các nền kinh tế khu vực có sự chênh lệnh lớn và vẫn tồn tại những nguy cơ gây suy giảm hơn nữa triển vọng phục hồi kinh tế khu vực.
Mặc dù vậy, các bộ trưởng khẳng định sự cần thiết phải "duy trì đà phục hồi kinh tế thông qua các biện pháp hỗ trợ chính sách vẫn đang được triển khai hiện nay, đồng thời bảo đảm sự ổn định tài chính và sự bền vững tài khóa trong dài hạn".
Các bộ trưởng cũng cho biết sẽ thúc đẩy thương mại trong lĩnh vực chuỗi cung ứng y tế ở phạm vi rộng lớn hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và tự nguyện tìm cách để giảm thiểu giá thành vaccine và những thiết bị y tế liên quan.
Các bộ trưởng cam kết ủng hộ những cuộc đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc tạm thời không áp dụng những quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vaccine ngừa Covid-19.
Hội nghị liên bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại này là một phần trong chuỗi các sự kiện thuộc Tuần lễ cấp cao APEC 2021 kéo dài đến ngày 13/11.
Hợp tác để phục hồi sau đại dịch
Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor đã nhấn mạnh những vấn đề nổi bật tại hội nghị gồm kế hoạch tự nguyện ngừng cung cấp các khoản trợ cấp cho các dự án liên quan tới nhiên liệu hóa thạch và cam kết tự do hóa thuế quan đối với các loại vaccine Covid-19 cũng như các hàng hóa và dịch vụ y tế khác phục vụ cho cuộc chiến chống đại dịch.
Ông cho biết, các bộ trưởng đã nhất trí cao về sự cần thiết của việc tránh dựng lên những rào cản thương mại để ứng phó với những thách thức nảy sinh trong đại dịch Covid-19. Ông nhấn mạnh giao thương tự do, công bằng và mở cửa sẽ hỗ trợ các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Thương mại New Zealand cũng hoan nghênh chủ trương của các nền kinh tế thành viên APEC "quay lưng" với chủ nghĩa bảo hộ trong suốt cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông nêu rõ rằng trong cuộc khủng hoảng y tế này, đã có 81 triệu người mất việc làm ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng.
Trả lời phỏng vấn độc quyền của Tân Hoa xã, ông Stephen Jacobi, Giám đốc điều hành Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC) cho rằng việc áp dụng các quá trình kỹ thuật số trong công tác quản lý chuỗi cung ứng là một phương thức giúp giảm thiểu nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng.
Ông cũng nhấn mạnh hợp tác toàn cầu là giải pháp đối với mọi vấn đề toàn cầu. Ông khẳng định: "APEC là một tổ chức khu vực mà các nước cần hợp tác với nhau để tìm ra những giải pháp, bất chấp những khác biệt về quy mô của các nền kinh tế thành viên cũng như những khác biệt về địa chính trị".
Đài Loan (Trung Quốc) đã tuyên bố sẽ tận dụng sự kiện APEC để kêu gọi sự ủng hộ đối với nỗ lực tham gia CPTPP. (Nguồn: Reuters) |
"Nóng" chuyện CPTPP kết nạp thành viên mới
Theo AFP, không khí các sự kiện bên lề hội nghị liên bộ nêu trên đã "nóng" lên do những tranh luận về nỗ lực của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) gia nhập CPTPP, một hiệp định thương mại tự do gồm 11 thành viên.
Hãng tin Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor khẳng định tại một cuộc họp báo rằng vấn đề nói trên không phải là chủ đề thảo luận chính của hội nghị năm nay.
Tuy nhiên, ông O'Connor nêu rõ điều kiện gia nhập CPTPP: "Là một diễn đàn kinh tế và thương mại, tất cả các nền kinh tế thành viên đều hoan nghênh sự dịch chuyển và cắt giảm rảo cản thương mại ở quy mô lớn hơn. CPTPP tạo ra điều đó, song những yêu cầu gia nhập có nghĩa là những nước nộp đơn tham gia sẽ phải nghiên cứu các tiêu chuẩn đã được đặt ra để cuối cùng được chấp thuận trở thành thành viên".
Đài Loan (Trung Quốc) trước đó tuyên bố sẽ tận dụng sự kiện APEC để kêu gọi sự ủng hộ đối với nỗ lực tham gia CPTPP.
AFP cho biết Australia hiện không sẵn sàng cho phép Trung Quốc "nhập hội" do vướng mắc vào tranh chấp thương mại với Bắc Kinh.
Trả lời Tân Hoa xã, ông Jacobi cho rằng, mặc dù Trung Quốc có thể sẽ nhận thấy việc đáp ứng được những điều khoản của CPTPP là điều không dễ dàng, song các nền kinh tế thành viên APEC giờ đây có cơ hội đối thoại tích cực với giới chức Trung Quốc để thảo luận về cách thức những điều khoản của CPTPP sẽ được thực thi trong tương lai.
Ông Jacobi cho rằng sự can dự tích cực sẽ là hình thức được lựa chọn hơn nhiều so với những cuộc chiến tranh thương mại và cạnh tranh chiến lược. Vì vậy, CPTPP tạo ra một cơ chế để giảm thiểu những căng thẳng địa chính trị và tập trung vào những lĩnh vực mà các nền kinh tế có thể hợp tác thành công.
Trong khi đó, Mỹ cũng sẽ muốn tận dụng hội nghị APEC để tái khẳng định cam kết của mình đối với thương mại ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sau nhiều năm thực hiện chính sách bảo hộ dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump.
Washington đã đề xuất việc nước này chủ trì APEC trong năm 2023 sau vai trò chủ tịch của Thái Lan trong năm 2022.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Washington sẽ đạt được mong muốn này hay không khi Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta trả lời báo giới tại Wellington rằng hiện chưa có thỏa thuận về việc nước nào sẽ nắm giữ vai trò chủ tịch APEC 2023.