Cảnh vắng vẻ tại Rome, Italy, ngày 10/3 trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 lan rộng. (Nguồn: THX) |
Thị trường tài chính chao đảo
Theo ông Matthew Karnitschnig, thị trường tài chính đã chao đảo trong nhiều tuần qua khi các nhà đầu tư tìm cách đánh giá tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu.
Những lo lắng biến thành hoảng loạn vào ngày 9/3. Cú đòn kép: sự sụt giảm của giá dầu do tranh chấp giữa Nga và Saudi Arabia về việc cắt giảm sản lượng và quyết định của Italy về việc phong tỏa các khu vực phía Bắc nước này do dịch Covid-19 đã khiến các quyết định bán tháo diễn ta nhanh hơn trên thị trường chứng khoán, ở mức độ mà thế giới đã chứng kiến từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2008).
Thị trường chứng khoán cũng đã sụt giảm trên khắp châu Á và châu Âu. Chỉ số chứng khoán blue-chip của Đức (DAX) đã có sự sụt giảm tồi tệ nhất trong một ngày (8%) kể từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 ở Mỹ. Các nhà đầu tư đã thiệt hại hàng tỷ USD tại các nền kinh tế Đức, Pháp, Anh.
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã thầm hy vọng, dịch Covid-19 sẽ bị đẩy lui và tác động kinh tế đối với châu lục này sẽ bị hạn chế. Do đó, trong những tuần qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu của EU đã tập trung hơn vào việc làm thế nào để ngăn chặn làn sóng tị nạn mới và ngăn chặn chiến tranh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga ở Syria.
Tuy nhiên, sự hoảng loạn của thị trường vào ngày 9/3 vừa qua cho thấy, cuộc khủng hoảng thực sự với châu Âu có thể chỉ mới bắt đầu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo rằng, tác động của dịch Covid-19 sẽ là rất nghiêm trọng và kêu gọi châu Âu kết hợp một kế hoạch kích thích kinh tế lớn.
Covid-19 đã thay đổi mọi thứ
Phần lớn lo lắng bắt nguồn từ sự không chắc chắn: không ai biết dịch Covid-19 sẽ kéo dài bao lâu hoặc bao nhiêu người sẽ thiệt mạng. Điều duy nhất người ta có thể nói chắc chắn là tác động kinh tế là rất lớn. Theo ông Carsten Brzeski, nhà kinh tế trưởng của khu vực đồng Euro tại ngân hàng Quản lý Đầu tư (ING), Covid-19 đã thay đổi mọi thứ. Hiện tại, giới đầu tư đang phải đối mặt với hai câu hỏi là tác động tiêu cực thực sự sẽ đến mức nào và nó sẽ kéo dài trong bao lâu?
Điều đó đặc biệt đúng với Đức, động lực kinh tế của châu Âu, vốn chỉ thấy sự phục hồi nhẹ trong lĩnh vực công nghiệp khi Covid-19 tấn công. Số ca nhiễm Covid-19 ở Đức đã vượt qua mốc 1.000 vào cuối tuần qua. Để đối phó với dịch bệnh, cuối tuần qua, chính phủ Đức đã đồng ý một gói biện pháp khẩn cấp để bù đắp tác động kinh tế, bao gồm khả năng tiếp cận tài chính dễ dàng hơn cho các công ty, bảo lãnh tín dụng và giảm thuế.
Thủ tướng Angela Merkel đã báo hiệu rằng, chính phủ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế. "Chúng tôi đang theo dõi các nền kinh tế châu Âu và Đức", Thủ tướng Merkel nhấn mạnh.
Chính phủ Đức sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung để hỗ trợ nền kinh tế. (Nguồn: AFP) |
Đức đã nghi ngờ về tác động của Covid-19 vì sự phụ thuộc vào xuất khẩu do có hai đối tác xuất khẩu lớn nhất bên ngoài châu Âu là Mỹ và Trung Quốc giờ đây cũng phải vật lộn để kiểm soát dịch bệnh. Tài chính công vững chắc của Đức (ghi nhận thặng dư ngân sách trong những năm gần đây) giúp nước này có động lực mạnh để đối đầu với bất kỳ "cú sốc" nào. Điều tương tự cũng có thể được xem xét với phần còn lại của châu Âu, đặc biệt là Italy, nơi đã phải vật lộn để duy trì chi tiêu của chính phủ trong giới hạn của Liên minh châu Âu (EU) khi Covid-19 tấn công.
Tiếp tục theo dõi và chờ đợi
Về phía EU, theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, EU đã chuẩn bị sử dụng tất cả các công cụ linh hoạt cần thiết cho các trường hợp đặc biệt, trong đó có việc cho phép các nước cung cấp viện trợ cho các công ty, một điều bị ràng buộc trong các quy tắc của EU. Bà Leyen cho biết, EU cũng sẽ xem xét cung cấp viện trợ tài chính. Tuy nhiên, giới chuyên gia đặt ra một câu hỏi rằng, số tiền đó đến từ đâu khi nguồn lực tài chính của EU đang tương đối hạn chế.
Nếu "cú sốc" Covid-19 ngày càng nghiêm trọng như một số nhà kinh tế lo ngại, thì sự trợ giúp đó có thể sẽ là cần thiết khi các quốc gia nỗ lực duy trì nền kinh tế của họ phát triển. Là quốc gia lớn nhất và giàu có nhất châu Âu, Đức một lần nữa trở thành tiên phong.
Nhưng trái ngược với cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng Euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã giải cứu bằng cách mua nợ chính phủ và cam kết sẽ bảo vệ đồng Euro trước sự tấn công thì ở thời điểm này, có thể ngân hàng sẽ không đủ khả năng để đối phó với các vấn đề hiện tại. Bởi những "cú đánh" mới nhất mà châu Âu phải đối mặt xuất hiện từ phía cung, đó là giới kinh doanh, vốn đang bị hủy hoại bởi sự lây lan của dịch Covid-19.
Cho đến khi có sự rõ ràng hơn về tác động của sự bùng phát dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo châu Âu thừa nhận, họ có thể làm rất ít và phải theo dõi, chờ đợi. Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz nhận định: "Các thị trường chỉ đơn giản phản ánh sự bất an rộng lớn hơn và còn quá sớm để xác định sự sụp đổ kinh tế. Tại thời điểm này, không có dự đoán nào thực sự có thể hoàn toàn chính xác. Đó là lý do tại sao một thông điệp bình tĩnh từ một quốc gia mạnh là cần thiết".