📞

Cục Cơ yếu và Công nghệ thông tin, Bộ Ngoại giao tổ chức hành trình về nguồn

Chu Văn 22:13 | 29/08/2023
Đây là đợt sinh hoạt chuyên đề rất có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 78 năm thành lập ngành Ngoại giao, 78 năm thành lập ngành Cơ yếu và 54 năm thành lập ngành Cơ yếu Ngoại giao.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Lán Nà Nưa.

Hòa chung không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), ngày 26/8, Đảng ủy Cục Cơ yếu và Công nghệ thông tin phối hợp với Công đoàn Cục tổ chức chuyến hành trình về nguồn tham quan khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào - Thủ đô kháng chiến và Khu di tích lịch sử Bộ Ngoại giao ở thôn Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.

Đây là đợt sinh hoạt chuyên đề rất có ý nghĩa nhằm kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam (28/8/1945-28/8/2023), 78 năm thành lập ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945-12/9/2023) và 54 năm thành lập ngành Cơ yếu Ngoại giao (22/8/1969-22/8/2023).

Tham dự sự kiện có đồng chí Nguyễn Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Cơ yếu và Công nghệ thông tin làm trưởng đoàn cùng toàn thể Ban lãnh đạo Cục và đảng viên, đoàn viên công đoàn Cục.

Đoàn đã đến thăm và dâng hương tại Lán Nà Nưa (thuộc Cụm di tích Nà Nưa) - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22/8/1945, nằm ở sườn Tây núi Nà Nưa.

Đoàn chụp ảnh lưu nhiệm tại gốc đa Tân Trào.

Tiếp đó, đoàn đã đến thăm Di tích cây đa Tân Trào, nơi mà chiều ngày 16/8/1945, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc đọc Bản quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân tiến về Hà Nội.

Di tích đình Tân Trào: Đình Tân Trào là nơi tổ chức họp Quốc dân Đại hội (ngày 16 và 17/8/1945) - đại hội được ví như Hội nghị Diên Hồng thứ hai trong lịch sử nước ta.

Di tích đình Hồng Thái: Đình Hồng Thái là địa điểm dừng chân đầu tiên của Bác Hồ khi từ Pắc Bó về Tân Trào (ngày 21/5/1945). Địa điểm này cũng là trụ sở của Ban Bảo vệ An toàn khu, của bộ phận tiếp tế và là nơi đón tiếp đại biểu về dự các hội nghị của Đảng.

Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Đình Tân Trào.

Di tích Bộ Ngoại giao: Một thời gian ngắn đầu năm 1947, Bộ Ngoại giao chuyển đến ở và làm việc tại làng Hản, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Sau đó, Bộ chuyển về xóm Dõn, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương.

Trong những tháng năm chiến đấu bảo vệ Nhà nước cách mạng còn non trẻ từ năm 1947-1954, thôn Dõn, xã Minh Thanh là trụ sở và nơi ở của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao. Nơi đây đã chứng kiến những ngày tháng gian khổ, những chiến công thầm lặng của thế hệ cán bộ ngoại giao đầu tiên của đất nước.

Chỉ với 7 cán bộ trong những ngày đầu, ngành Ngoại giao Việt Nam đã từng bước trưởng thành cả về đội ngũ và trình độ, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập dân tộc, thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, mở đường cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bước ra thế giới.

Ngày nay, Việt Nam đã thực sự trở thành bạn và đối tác tin cậy của tất cả các nước, trong đó có các nước lớn, có nhiều đóng góp quan trọng cho các công việc chung của thế giới.

Đoàn xuất phát, trong tiết trời Thu mát mẻ, ai cũng đi với một tâm trạng phấn khởi. Có đồng chí đã đi rất nhiều lần nhưng tâm trạng vẫn xúc động khi nghe hướng dẫn viên kể về Bác Hồ kính yêu, tấm gương mẫu mực về sự giản dị và khiêm tốn.

Kết thúc các điểm tham quan, đoàn dừng chân tại huyện Sơn Dương để các gia đình có dịp giao lưu. Công đoàn Cục còn tổ chức trò chơi cho các con em về kiến thức ngành Ngoại giao nhằm giúp các con hiểu thêm về Ngành cũng như công việc của bố mẹ.

Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Nguyễn Thanh Tùng trao quà lưu niệm cho các con.

Đây là chuyến đi đầu tiên do Công đoàn Cục tổ chức sau khi sáp nhập hai đơn vị là Cục Cơ yếu và Trung tâm thông tin, các đảng viên có buổi sinh hoạt chuyên đề thật có ý nghĩa, tăng thêm tình đoàn kết gắn bó giữa các đảng viên, đoàn viên công đoàn, từ đó hỗ trợ nhau hoàn thành tốt công việc được giao.