TIN LIÊN QUAN | |
MC Lê Anh: "Người Việt trẻ, sao chịu để mình thất nghiệp?" | |
Bảo vệ trẻ trước các "cạm bẫy" từ Internet |
Nhằm giúp phụ huynh nhận diện những nền tảng quan trọng nhất để giữ chặt sợi dây liên kết giữa cha mẹ và con cái, diễn giả của tọa đàm “Cùng con trưởng thành thế kỷ 21”, chuyên gia Trần Đăng Triều đã chia sẻ quan điểm của mình.
“Con người là những sinh vật của cảm xúc”
Trong buổi tọa đàm, chuyên gia Triều cho rằng cha mẹ của thế kỷ 20 thường chú trọng vào trí thông minh (IQ) - thông minh logic và thông minh ngôn ngữ. Nhưng cha mẹ của thế kỷ 21 nên chú trọng năng lực cảm xúc. Anh nhấn mạnh rằng những gì chúng ta có ngày hôm nay phần lớn đến từ các mối quan hệ.
Chuyên gia Trần Đăng Triều. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tiếp xúc với hàng ngàn em học sinh từ Bắc chí Nam, chuyên gia Trần Đăng Triều luôn hỏi các em một câu rằng: “Vì sao các em lại đi học?”. Anh khá bất ngờ khi nhận được đa số câu trả lời: “Bố mẹ bắt”. Sau đó, anh tiếp tục hỏi: “Lý do gì khiến các em lại nỗ lực học giỏi đến như vậy?”. Phần lớn các em trả lời rằng: “Em muốn có được cái cảm giác an toàn khi đối diện với bố mẹ của em - nó an toàn lắm anh ơi”. Ngoài ra, còn có một số câu trả lời như: “Em muốn các bạn ngưỡng mộ em”, “em nỗ lực vì muốn thầy cô tin tưởng em”…
Điều đó cho thấy mong muốn của các em không bắt nguồn từ lý trí mà từ cảm xúc. Qua đây, diễn giả muốn khẳng định rằng con người chúng ta là những sinh vật của cảm xúc và cảm xúc mới là sức mạnh thực sự của con người ở thế kỷ 21.
Con cần được cha mẹ chấp nhận
Nhiều người tự cho rằng mình sinh ra con, lo lắng cho con rất nhiều, chứng tỏ mình đã rất yêu thương nó. Nhưng thực tế chúng ta chỉ thể hiện tình yêu thương con mình bằng một cách duy nhất, đó là quan tâm và chăm sóc. Lo cho con "quần là áo lụa", lo cho con được vào những ngôi trường nổi tiếng, lo cho đủ thứ nhưng vấn đề nằm ở chỗ nếu chỉ có quan tâm và chăm sóc con thôi là chưa đủ.
Khi con còn nhỏ thường được nhận rất nhiều lời yêu thương ngọt ngào từ cha mẹ. Nhưng khi con lớn hơn, cha mẹ lại thay thế bằng những lời “kẽm gai”, đanh thép đối với con. Bên cạnh đó, cha mẹ đã thay đổi tính chất của việc tặng quà cho con theo một hình thái khác, đó là thương lượng và treo thưởng: “Nếu như học kỳ này con đạt được kết quả cao thì sẽ được đi du lịch”.
Không chỉ vậy, qua những tình huống cụ thể, diễn giả Triều cũng khuyên các bậc phụ huynh hãy chắp cánh chứ đừng “bẻ gãy đôi cánh” ước mơ của con. Liên kết với cuộc sống hiện tại, anh cho rằng không ít bậc cha mẹ đang vùi dập ước mơ của con mà không hề hay biết. Đồng thời, anh khẳng định con cần được cha mẹ của mình chấp nhận hành vi, không đánh đồng hành vi với bản chất của con người.
Cha mẹ và con cái là hai thế hệ nên có cách nhìn đời khác nhau. Để kéo gần khoảng cách với con, các bậc phụ huynh nên thâm nhập vào thế giới riêng của con cũng như chấp nhận hành vi của con.
Từ những câu chuyện cụ thể, chuyên gia Trần Đăng Triều cho rằng theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen thì các con chính là “sản phẩm” của cha mẹ. Thực tế trong nhiều gia đình, khi con phạm lỗi, cha mẹ thường đưa ra những hình phạt đến nơi đến chốn hay kỷ luật thép. Nhưng khi chính bản thân mình phạm luật thì họ lại bỏ qua dễ dàng.
Trong tọa đàm, có nhiều bà mẹ đặt câu hỏi “tại sao con không nói với cha mẹ nhưng lại chia sẻ với bạn bè?”. Để giải đáp thắc mắc này, chuyên gia Triều đã hỏi ngược lại: “Con không nói hay anh chị không cho con nói?”. Từ đó, anh lý giải rằng “khu vực” bên bố mẹ là khu vực không an toàn để đứa con có thể chia sẻ chuyện riêng tư của mình.
Hãy cho con được trải nghiệm và vấp ngã!
Một em học sinh cấp 2 chia sẻ câu chuyện của mình, đó là một lần đem bài kiểm tra 8 điểm về khoe với bố mẹ. Trước đó, em đã vui lắm vì trong lớp chỉ có 2 đứa được 8 điểm thôi. Nhưng người bố vừa cầm bài kiểm tra lên đã hỏi: “Còn hai điểm kia đâu?”. Nghe bố “phủ đầu” như vậy, đứa trẻ ấy cảm thấy bất mãn, ấm ức và bị tổn thương khi nỗ lực của mình không được công nhận.
Ngoài ra, việc cha mẹ lựa chọn thay cho con của mình thường được rèn luyện theo thói quen. Từ đó nảy sinh xung đột vì con có suy nghĩ riêng của mình. Thông thường khi không thuyết phục được con, chúng ta rất hay dùng quyền lực tuyệt đối của bậc làm cha làm mẹ để đàn áp, chèn ép con.
Nhiều bậc phụ huynh kêu ca rằng muốn con vào trường đại học này nhưng con không chịu vào mà lại nhất định vào trường đại học kia. Diễn giả Trần Đăng Triều đã thuyết phục bằng câu hỏi: “Vậy ra trường nó đi làm hay anh chị đi làm?”. Cuối cùng, anh đưa ra quan điểm rằng cha mẹ thường quen sắp xếp mọi thứ cho con. Chính vì sống theo sự sắp đặt của mẹ cha nên đứa con rất dễ trở thành robot.
Bên cạnh đó, diễn giả cũng khuyên các bậc phụ huynh nên cho con được trải nghiệm, cho con cơ hội được vấp ngã, có thể ngã đau nhưng mới có được trái ngọt. Thay vì làm thay, chúng ta hãy cho con được “lăn” ra ở trong cuộc sống này để cứng cáp hơn, mạnh mẽ hơn và phải đứng vững trên đôi chân của mình. “Hãy điềm tĩnh để tình cảm giữa cha mẹ và con cái được thăng hoa và để cha mẹ là quê hương tuyệt vời trong lòng con” – diễn giả Trần Đăng Triều đúc kết.
Chuyên gia đào tạo Trần Đăng Triều, Giám đốc chuyên môn của TGM CORP, được đào tạo trong các lĩnh vực tâm lý và nâng cao cảm xúc trong học tập tại Singapore. Anh đã huấn luyện và đào tạo hơn 25.000 học viên và diễn thuyết trước hơn 300.000 học sinh – sinh viên về các kĩ năng học tập tiên tiến, cũng như những chia sẻ về kinh nghiệm sống. |
TS Trần Thành Nam: “Tính mạng của con quan trọng hơn tất cả!” Thông tin về vụ việc em học sinh 11 tuổi ở Gia Lai tự tử chỉ vì không có bộ quần áo mới còn chưa ... |
MC Thảo Vân: “Hãy dành cho con ít nhất 5 phút mỗi ngày” Đồng hành cùng con, được đối thoại với con mỗi ngày là con đường ngắn nhất để giúp cha mẹ hiểu chính con cái mình ... |
TS Giáo dục: Trẻ cần được “sống” và “học” song song! Những đứa trẻ luôn được "ưu tiên” học mà không tham gia bất kỳ công việc nào của gia đình sẽ dễ trở nên hoang ... |