Quy mô, phạm vi và tính phức tạp của nó sẽ đưa đến sự thay đổi không giống như bất cứ những gì nhân loại đã trải qua. Còn nhiều điều mà chúng ta cần tìm hiểu nhưng có một điều rõ ràng: cần phải ứng phó với cuộc cách mạng này một cách đồng bộ và toàn diện, có sự tham gia của tất cả các chủ thể của nền chính trị toàn cầu, từ các khu vực công và tư cho đến giới học thuật và các tổ chức xã hội. Klaus Schwab, người sáng lập và Chủ tịch điều hành của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã có bài viết phân tích về các khía cạnh này trên tạp chí Foreign Affairs.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển với tốc độ hàm số mũ. |
Từ cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng hơi nước để cơ giới hóa các ngành sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ hai sử dụng điện năng để tạo ra sản xuất quy mô lớn. Đến lần thứ ba, các thiết bị điện tử và công nghệ thông tin được sử dụng để tự động hóa sản xuất. Giờ đây, một cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư được tiếp nối, đặc trưng bởi sự hợp nhất, không có ranh giới giữa các lĩnh vực công nghệ vật lý, kỹ thuật số, sinh học.
Có ba lý do tại sao những thay đổi này không phải là sự kéo dài của cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba mà là sự xuất hiện của một cuộc cách mạng mới, khác biệt. Đó là: tốc độ, phạm vi và các tác động. Tốc độ của bước đột phá hiện tại là không có tiền lệ lịch sử. Khi so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, cuộc cách mạng lần thứ tư được phát triển với tốc độ của một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính. Cuộc cách mạng này cũng sẽ tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp, các chính phủ và người dân. Bề rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị của xã hội loài người.
Cơ hội và thách thức
Giống như các cuộc cách mạng trước đó, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư có khả năng nâng cao mức thu nhập và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân trên toàn thế giới. Những lợi ích cơ bản mà nó mang lại bao gồm việc đơn giản hoá việc thực hiện các nhu cầu của cuộc sống. Gọi một chiếc taxi, đặt chỗ một chuyến bay, mua một sản phẩm, thực hiện thanh toán, nghe nhạc, xem một bộ phim hoặc chơi một trò chơi bất kỳ… đều có thể được thực hiện từ xa.
Trong tương lai, đổi mới công nghệ cũng sẽ dẫn đến những lợi ích lâu dài trong hiệu quả và năng suất lao động. Chi phí giao thông vận tải và thông tin liên lạc sẽ giảm xuống. Hậu cần và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ trở nên hiệu quả hơn và các chi phí thương mại sẽ giảm bớt. Tất cả sẽ giúp mở rộng thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, như các nhà kinh tế Erik Brynjolfsson và Andrew McAfee đã chỉ ra, cách mạng có thể mang lại tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Trong tương lai, tài năng, tri thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất, hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ làm phát sinh một thị trường việc làm ngày càng tách biệt, phân đoạn thành "kỹ năng thấp/lương thấp" và "kỹ năng cao/lương cao", do đó sẽ dẫn đến gia tăng căng thẳng về việc làm và thu nhập trong xã hội, nhất là ở các xã hội không chuẩn bị tốt.
Nguy cơ cũng có thể gây ra do công nghệ kỹ thuật số thâm nhập vào việc chia sẻ thông tin của truyền thông xã hội. Hơn 30% dân số thế giới hiện nay sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook, Twitter… để kết nối, học hỏi và chia sẻ thông tin. Trong một thế giới lý tưởng, những tương tác này sẽ là cơ hội cho sự hiểu biết liên văn hóa và liên kết toàn cầu. Tuy nhiên, nó cũng có thể tạo ra và tuyên truyền cho những kỳ vọng không thực tế, cũng như tạo cơ hội cho những ý tưởng cực đoan và tội lỗi lây lan.
Tác động nhiều mặt
Đối với các doanh nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư cũng đang có những tác động lớn đến họ. Về phía cung, nhiều ngành công nghiệp nhìn thấy công nghệ mới ra đời tạo ra những cách hoàn toàn mới giúp phục vụ nhu cầu hiện tại của con người và phá vỡ đáng kể các chuỗi giá trị ngành công nghiệp hiện có. Nhờ tiếp cận với các nền tảng kỹ thuật số cho nghiên cứu, phát triển, tiếp thị, bán hàng và phân phối… nhà sản xuất sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản trong cách thức sản xuất và bán hàng. Cùng với đó, thay đổi lớn về phía cầu cũng đang xảy ra, như yêu cầu minh bạch của khách hàng ngày càng tăng, người tiêu dùng tham gia vào quá trình sản xuất, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ngày càng tích cực và chủ động.
Đối với các nhà nước và chính phủ, công nghệ mới ngày càng tạo điều kiện cho người dân tham gia cùng chính phủ, nói lên ý kiến của mình, phối hợp các nỗ lực của họ và thậm chí phá vỡ sự giám sát của cơ quan công quyền. Ngược lại, chính phủ sẽ có được sức mạnh công nghệ mới để tăng quyền kiểm soát công chúng, cải tiến hệ thống quản lý xã hội. Tuy nhiên, nhìn chung, các chính phủ sẽ ngày càng phải đối mặt với áp lực phải thay đổi cách tiếp cận hiện tại của mình để hoạch định và thực hiện chính sách, trong đó quan trọng nhất là phải nâng cao vai trò của người dân trong quá trình này. Tốc độ ra quyết định, phản ứng với các sự kiện cũng cần phải nhanh chóng hơn.
Với tốc độ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng những thay đổi và tác động rộng khắp, các nhà lập pháp và các nhà quản lý đang bị thách thức ở mức độ chưa từng có về yêu cầu nâng cao trình độ quản lý và tốc độ ra quyết định. Trong nhiều trường hợp, đã xảy ra sự chậm trễ, điều đó cho thấy đối phó với những thách thức của thời đại mới không hề dễ dàng.
Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư cũng sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến bản chất của an ninh quốc gia và quốc tế, ảnh hưởng đến cả bản chất của các cuộc xung đột. Lịch sử của chiến tranh và an ninh quốc tế là lịch sử của đổi mới công nghệ và ngày nay cũng không phải là ngoại lệ. Những tiến bộ trong công nghệ sẽ tạo ra khả năng giảm quy mô hoặc tác động của chiến tranh, thông qua việc giới hạn phạm vi chiến tranh hoặc độ chính xác cao hơn trong tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, khi quá trình này diễn ra và các công nghệ mới như vũ khí điều khiển từ xa, tội phạm mạng hoặc vũ khí sinh học trở nên dễ dàng hơn để sử dụng, cá nhân và các nhóm nhỏ sẽ ngày càng có cơ hội tham gia vào các hoạt động chiến tranh và có khả năng gây tổn thất hàng loạt. Lỗ hổng mới này sẽ dẫn đến những lo ngại mới, thực sự là một nguy cơ đối với nhân loại.
“Chúng ta mới ở giai đoạn đầu. Tôi luôn giữ thái độ lạc quan về tương lai. cuộc cách mạng công nghệ sắp tới đây sẽ làm thay đổi triệt để đời sống, hoạt động của chúng ta”. Klaus schwab (Chủ tịch điều hành WEF). |
Khi thời gian bị đánh cắp
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xét cho cùng, sẽ thay đổi không chỉ những gì chúng ta làm, mà còn đặt ra câu hỏi: Chúng ta là ai? Nó sẽ ảnh hưởng đến bản chất của chúng ta và tất cả các vấn đề liên kết với nó: ý thức của chúng ta về sự riêng tư; ý niệm của chúng ta về quyền sở hữu; thời gian chúng ta dành để làm việc và giải trí; làm thế nào chúng ta phát triển sự nghiệp, trau dồi kỹ năng của mình, gặp gỡ mọi người, và nuôi dưỡng các mối quan hệ,… và nhiều thứ khác nữa theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người.
Đôi khi chúng ta, những người yêu công nghệ cũng cần phải tự hỏi liệu sự tham gia của công nghệ trong cuộc sống có phải đã làm suy giảm một số năng lực của chúng ta hay không, chẳng hạn như lòng từ bi và mong muốn hợp tác của con người. Mối quan hệ của chúng ta với điện thoại thông minh là một trường hợp điển hình. Kết nối liên tục có thể tước đi một trong những tài sản quan trọng nhất của cuộc sống của chúng ta: thời gian để dừng lại, suy nghĩ, và tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa. Cuộc tranh luận về các vấn đề cơ bản như tác động của công nghệ vào đời sống nội tâm của chúng ta, về việc mất kiểm soát dữ liệu của chúng ta chắc chắn sẽ gia tăng trong những năm tới. Tương tự như vậy, những thay đổi trong công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo sẽ buộc chúng ta phải xác định lại ranh giới giữa đạo đức và tiến bộ công nghệ.
Định hình tương lai
Đôi khi, con người không thể kiểm soát công nghệ và những thứ đi kèm với nó. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm định hướng sự phát triển của nó. Chúng ta cần phải nắm bắt cơ hội và sức mạnh của công nghệ, hướng nó tới một tương lai phản ánh các mục tiêu và các giá trị chung của chúng ta. Để làm điều này, chúng ta phải phát triển một cái nhìn toàn diện và chia sẻ trên toàn cầu về cách công nghệ đang ảnh hưởng đến cuộc sống và định hình lại môi trường kinh tế, xã hội, văn hóa và con người.
Cuối cùng, tất cả đều cần quy tụ về con người và các giá trị của nó. Trong kịch bản xấu nhất, trong hình thức phi nhân tính của nó, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có tiềm năng “robot hoá” nhân loại, có khả năng tước đi trái tim và linh hồn của chúng ta. Nhưng như một bổ sung cho các phần tốt nhất của bản chất con người như sức sáng tạo, sự cảm thông, nó cũng có thể đưa nhân loại vào một ý thức tập thể và đạo đức mới tốt đẹp dựa trên cảm giác chung về số phận. Bổn phận của tất cả chúng ta là đảm bảo cho ý thức này sẽ ngày càng chiếm ưu thế.