📞

Cuộc cách mạng số trong ngành y

14:00 | 05/08/2017
Máy bay vừa cất cánh thì một hành khách bị bất tỉnh. Ngay lập tức, ông Eric Topol rút điện thoại và thực hiện điện tâm đồ (EKG) tim và đo mức oxy trong máu của hành khách này.

Ông Topol là bác sĩ tim mạch ở La Jolla, bang California (Mỹ). Đây không phải lần đầu tiên ông gặp tình huống như vậy trong một chuyến bay. Trước đó, ông cũng sử dụng điện thoại để chẩn đoán tình trạng của hành khách bị đau tim và máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Thiết bị mà bác sĩ Topol sử dụng chỉ gồm bộ cảm biến giá 200 USD cùng một chiếc điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng có thể phân tích nhịp tim mà bất cứ ai dù là giáo sư y khoa, tiếp viên hàng không, thậm chí là hành khách bình thường cũng có thể thực hiện trong trường hợp khẩn cấp.

Bác sĩ Eric Topol với chiếc điện thoại thông minh có chương trình ứng dụng và thiết bị cảm biến giúp ông thực hiện điện tâm đồ tim ở bất cứ đâu. (Nguồn: Spiegel).
Các số liệu thống kê cho thấy, Đức - nền kinh tế hàng đầu châu Âu - đang chi khoảng 350 tỷ Euro cho hoạt động chăm sóc sức khoẻ. Dự đoán, lĩnh vực chăm sóc y tế kỹ thuật số ở Đức sẽ đạt 100 tỷ Euro vào năm 2025.

Câu chuyện trên là ví dụ cho thấy ngành y đang phải đối mặt với cuộc cách mạng  số sâu rộng và khó dự đoán: các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh có khả năng thay thế nhiều thiết bị y tế tiêu chuẩn và một số ứng dụng sẽ đưa ra các chẩn đoán y học. Người ta dự đoán trong tương lai gần, bệnh nhân có thể thực hiện chẩn đoán trực tuyến, sử dụng thiết bị quét thông minh, thậm chí làm xét nghiệm ngay trong xe hơi của mình.

Y tế thông minh

Trong suốt thời gian dài, người bệnh phụ thuộc vào sự chẩn đoán bệnh của bác sĩ hay những người làm nghề y. Nhưng giờ đây, công nghệ kỹ thuật số đang dần làm thay đổi thói quen đó. Thay vì phải đến các phòng khám hoặc trung tâm y tế, bệnh nhân có thể thực hiện các xét nghiệm vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ đâu. Ví dụ, với sự trợ giúp của các thiết bị nhỏ, giá phải chăng, điện thoại thông minh có thể đo nhãn áp, huyết áp, nhịp tim, điện não đồ, kiểm tra chức năng phổi, chụp hình tai trong, quét động mạch… Chẳng bao lâu, những xét nghiệm, chẩn đoán vốn được tiến hành tại phòng khám sẽ được thực hiện qua các phần mềm chuyên dụng trên các thiết bị thông minh.

Các ứng dụng như M-sense tạo ra cuộc cách mạng trong việc chẩn đoán chứng đau nửa đầu. Tại Đại học Magdeburg (Đức), các nhà lập trình đang phát triển phần mềm Neotiv phục vụ việc chẩn đoán bệnh Alzheimer. Thậm chí, có những thiết bị quét (scanner) mà bạn chỉ cần đặt lên trán và nhận thông tin chẩn đoán trong vài giây. Một công ty của Israel đã phát triển SciO - ứng dụng điện thoại thông minh đầu tiên để đo quang phổ. Ví dụ, bạn đặt điện thoại lên một quả táo, thành phần của nó sẽ hiển thị trên màn hình của "chú dế". Tương tự, SciO phân tích cấu trúc phân tử của thuốc, so sánh với cơ sở dữ liệu sẵn có, sau đó cho biết tên và loại thuốc.

Điều đáng chú ý là sự phát triển công nghệ trong ngành y lại không bắt đầu ở Thung lũng Silicon, mà đến từ phía Đông của nước Mỹ, từ Israel, châu Âu và từ những "gã khổng lồ" truyền thông xã hội như Facebook hay Snapchat...  Chương trình Gyant – robot sức khỏe - của Facebook có thể xác định ai đó bị nhiễm virus Zika hay không thông qua việc trả lời những thắc mắc của người dùng. Dịch vụ thoại của Amazon và Alexa không chỉ đưa ra lời nhắc nhở gọi xe cứu thương mà còn hướng dẫn cách xoa bóp tim. Hiện tại, một nghiên cứu cho thấy thuật toán máy tính có thể dự đoán bệnh tim tốt hơn các hướng dẫn của bác sĩ.

Đến nay, hàng loạt các công ty lớn như Philips, Google, Apple, Samsung, IBM… đã đầu tư vào phát triển công nghệ y tế. Đơn cử, bên cạnh việc tiếp tục bán các thiết bị lớn cho phòng khám và bệnh viện, Philips còn tập trung phát triển nhiều ứng dụng phục vụ khách hàng cá nhân như sản xuất bộ cảm biến phát hiện va chạm cho người khiếm thị. Phần mềm Philips Vital Signs Camera có thể nhanh chóng xác định nhịp tim và tần số thở của người sử dụng, thậm chí thực hiện EKG với độ chính xác đáng kinh ngạc. Hay công ty Johnson & Johnson (Mỹ) phát triển loại máy gây tê bệnh nhân với mức phí chỉ bằng 1/10 của một bác sĩ gây mê. Công ty Medtronic của Đức đã áp dụng phương pháp cấy một cảm biến vào dưới lớp da của bệnh nhân để đo đường huyết và kết quả sẽ hiển thị liên tục trên điện thoại của người bệnh, đồng thời cho biết lượng insulin cần thiết.

Một bác sĩ đang kiểm tra cổ họng của một đứa trẻ với chiếc điện thoại thông minh. (Nguồn: AFP).

Thách thức của bác sĩ

Công ty thiết bị hô hấp nhân tạo Drager có trụ sở tại thành phố Lubeck, miền Bắc nước Đức, đánh giá sự phát triển của công nghệ y tế đang diễn ra chậm nhưng chắc chắn. Nhưng ngay cả khi các hệ thống kỹ thuật số rất hữu ích với bệnh nhân, điều đó không có nghĩa là tất cả các bác sĩ đều chấp nhận chúng. Ngoài ra, các bác sĩ không nhận được lợi ích tài chính khi giới thiệu bệnh nhân sử dụng cách thức điều trị qua thiết bị thông minh.

Ông Markus Muschenich, từng là bác sĩ ở Đức, cho rằng các chương trình phần mềm tạo ra những thách thức lớn đối với các bác sĩ, nhất là khi trí thông minh nhân tạo phát triển toàn diện. Nếu một phần mềm có thể so sánh những biểu hiện lạ trên da với hàng triệu hình ảnh chỉ trong vài giây, bệnh nhân có còn cần những lời khuyên từ bác sĩ da liễu? Theo ông Muschenich, sẽ có những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực y tế khi các hệ thống số phát triển tốt hơn và chi phí lại rẻ hơn so với khám bác sĩ.

Trong bối cảnh ấy, rất nhiều câu hỏi được đặt ra khiến chúng ta khó có thể thờ ơ. Liệu bệnh nhân có tiếp tục nghe tư vấn chuyên môn của bác sĩ khi họ có được những thông tin tương tự theo cách dễ hiểu hơn không? Các bác sĩ có thể tiếp tục nhận được phí tư vấn theo thời gian khi họ đang phải cạnh tranh với các chương trình kiên nhẫn trả lời mọi câu hỏi, ngay cả khi được hỏi nhiều lần? Liệu bệnh nhân có sẵn sàng chờ ba tháng đến lượt được khám, một giờ trong phòng đợi và chỉ khoảng bảy phút đàm thoại với bác sĩ khi có những phương pháp kỹ thuật số khả dụng tốt hơn không?

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, dù công nghệ không ngừng được cải thiện và bệnh nhân đang ngày càng chấp nhận hình thức chăm sóc y tế kỹ thuật số, vai trò của bác sĩ vẫn rất quan trọng. Các phần mềm y tế trên các thiết bị thông minh như điện thoại chưa thể thống trị một sớm một chiều. Trong lĩnh vực y tế, phải mất trung bình 17 năm để phát triển rộng rãi một phương pháp hay  loại máy mới. Cũng mất rất nhiều năm để những công cụ đó trở thành tiêu chuẩn trong việc chẩn đoán và điều trị. Chẳng hạn phải mất 20 năm, ống nghe mới vượt qua sự phản đối mạnh mẽ của các bác sĩ và được dùng phổ biến. Và đến nay, nhiều chuyên gia y tế không còn muốn tống khứ nó đi, dù họ có sẵn những dụng cụ thay thế khác.

Các chuyên gia tại Viện Gottlieb Duttweiler (GDI), tổ chức tư vấn ở Thụy Sỹ, cho rằng điện thoại thông minh sẽ trở thành "nền tảng cốt lõi" của hệ thống chăm sóc sức khoẻ.

"Gót chân Achilles"

Kết quả khảo sát mới đây do tổ chức Flying Health tiến hành cho thấy đa số bệnh nhân thích nhận các tư vấn y tế từ một ứng dụng đã được chứng thực hơn là từ bác sĩ. Tuy nhiên, thế giới kỹ thuật số trong tương lai vẫn có "gót chân Achilles": bảo mật dữ liệu. Các câu hỏi đặt ra là: nếu bệnh nhân sử dụng điện thoại phục vụ công việc để lưu dữ liệu hoặc kết nối với hệ thống hỗ trợ y tế thì điều gì sẽ xảy ra? Người sử dụng lao động có thể truy cập thông tin y tế nhạy cảm của nhân viên không? Bệnh nhân sẽ lưu tất cả dữ liệu y tế quan trọng của họ ở đâu?...

Thực tế, nhiều ứng dụng y tế chưa có tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cao cũng như chưa được cơ quan quản lý về dược phẩm chấp thuận. Tháng Năm vừa qua, một lỗ hổng bảo mật của Windows bị tấn công khiến nhiều bệnh viện ở Anh phải đóng cửa. Các cơ sở dữ liệu của ba nhà sản xuất thiết bị y tế hàng đầu thế giới là Medtronic, St. Jude Medical và Boston Scientific cũng đã bị tấn công. Rõ ràng, bảo vệ dữ liệu là vấn đề hết sức quan trọng, nhưng theo ông Muschenich, nếu thực hiện đúng, lợi thế của việc áp dụng công nghệ số vào ngành y sẽ "vượt xa những bất lợi".

(theo Spiegel)