Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc chia tay nhiều cay đắng

“Hôn nhân” giữa EU và Vương quốc Anh ngay từ đầu đã đầy trắc trở và 43 năm “chung sống” là hơn bốn thập kỷ lủng củng, cãi cọ và dằn dỗi. Vậy nên có người nói cuộc chia tay này không có gì đáng ngạc nhiên và là sự khởi đầu tốt cho cả hai phía.
TIN LIÊN QUAN
cuoc chia tay nhieu cay dang Từ Brexit hiện tại hướng tới một châu Á tương lai
cuoc chia tay nhieu cay dang Từ "Brexit" đến "Regrexit": Sau tất cả lại trở về với nhau?

Sau ngày người dân Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý (Brexit) ngày 23/6 vừa qua, đầu tuần này Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và các quan chức cao cấp của EU từ Brussels sang Berlin gặp Thủ tướng Đức Angela Merkel, để bàn biện pháp “cứu Liên minh” hay nói cách khác bàn xem nên tiến hành “thủ tục ly hôn” giữa EU và Anh như thế nào cho nhanh gọn và đỡ mang tiếng nhất.

“Hôn nhân” đầy khó khăn

 Năm 1957 khi Pháp, Đức, Italy và các nước Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxembourg) thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu  (EWG), Anh là nước luôn bài xích và tỏ ra nghi ngờ về thành công của EWG.

Những năm cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, nước Anh mất vị thế quốc tế, quan hệ với Mỹ gặp khó khăn, kinh tế khủng hoảng, Thủ tướng Anh lúc đó Harold Macmilan (Đảng Bảo thủ) đã phát biểu trước Nghị viện rằng Anh cần phải gia nhập EWG, nếu không thì đất nước có khả năng vỡ nợ.

Lưỡng viện Anh đã tán thành đề nghị đó và Chính phủ Anh nộp đơn xin gia nhập ngày 10/8/1961. Trong đơn, Anh hứa tuân thủ nghiêm chỉnh mọi quy định của tổ chức này. Nhưng ngay sau đó, Chính phủ Anh lại yêu cầu phải sửa đổi nhiều điều của Hiệp ước Roma để phù hợp với Anh, có nghĩa là EWG phải chấp nhận sửa đổi cho phù hợp với Anh chứ không phải ngược lại. Bảo lưu này gặp phản ứng của các thành viên EWG và Tổng thống Pháp khi đó là Charles de Gaulle đã hai lần phản đối việc kết nạp Anh (năm 1963 và 1967).

cuoc chia tay nhieu cay dang

Đến khi tình hình chính trị và kinh tế của đất nước đứng trước nguy cơ sụp đổ, Chính phủ Anh mới chấp nhận điều kiện của EWG và chính thức trở thành thành viên của tổ chức này vào năm 1973.

Cùng với quá trình “nhất thể hóa châu Âu“ và với Liên minh tiền tệ, EU trong đó có Anh ngày càng trở thành một tổ chức chính trị- kinh tế năng động và có vị thế quan trọng trên trường quốc tế. Năm 2015, tổng sản phẩm quốc nội (BIP) của Anh chiếm 18% BIP của EU (2.900 tỷ USD trong tổng 16.200 tỷ USD), xuất khẩu chiếm 12% (263 tỷ USD/2262 tỷ) với 13% dân số EU (65/508 triệu).

Tuy vậy, thời gian “cơm lành canh ngọt” giữa EU và Anh không kéo dài được bao lâu. Anh luôn muốn được nhiều ưu đãi từ các thể chế của EU nhưng ít hoặc không tham gia vào nhiều cơ chế của khối như không tham gia khu vực đồng tiền chung Eurozone, Schengen hay các cơ chế khác. Nước này cũng không tham gia các biện pháp xử lý khủng hoảng chung. Chẳng hạn khi khủng hoảng nợ ở Hy Lạp xảy ra, Bộ trưởng Tài chính Anh Alistair Darling khi đó tuyên bố “đấy là công việc của các nước Euro”, tự mình đứng ra ngoài Liên minh EU.

Khủng hoảng tị nạn vừa qua cần sự hợp tác chung của các thành viên, hoặc chí ít của những thành viên cốt cán của EU thì Anh lại hầu như đứng ngoài cuộc. Ngày 28/6 tại Brussels, Thủ tướng David Cameron còn nói, chính khủng hoảng tị nạn vừa qua đã đẩy Anh đến với Brexit. Cho nên, có thể hiểu được phản ứng của các chính trị gia Đức và EU ngay sau khi có kết quả cuộc bỏ phiếu ngày 23/6. Một chính trị gia của Đảng Liên minh dân chủ thiên chúa giáo (CDU) cầm quyền ở Đức nói kết quả này là sai lầm của Thủ tướng Anh David Cameron vì suốt thời gian qua ông liên tục rót vào tai người dân Anh những điều tiếng xấu về EU thì làm sao có thuyết phục trong vòng 6 tuần về sự cần thiết phải ở lại EU. Ông Sigmund Gabriel, Chủ tịch Đảng Dân chủ xã hội Đức, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế cho rằng Đảng Bảo thủ của ông Cameron đã chia rẽ và mang sinh mạng của EU ra đùa giỡn từ nhiều thập kỷ qua. Mới đây, trong chiến dịch vận động cho việc ở lại EU, Thủ tướng Cameron còn nói với cử tri Anh rằng “thực ra thì  trong EU cũng chả tốt đẹp gì, nhưng ở lại vẫn hơn!”. Ông Sigmund Gabriel cho đây là thất bại lịch sử và nhục nhã của Thủ tướng Cameron.

Hậu quả khó lường của Brexit

Ngay sau khi công bố kết quả bỏ phiếu ở Anh, thị trường tài chính thế giới đã chao đảo. Chỉ trong một ngày, số tiền khổng lồ 2.500 tỷ USD, bằng 2/3 BIP của Đức đã “bốc hơi” trên toàn cầu; đồng bảng Anh mất giá gần 10%; chỉ số Nikkei Index của sàn giao dịch chứng khoán Tokyo đã tụt 8% trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu tuần vừa qua, cổ phiếu của hãng Hitachi tụt 10%; thị trường chứng khoán Frankfurt chao đảo. Do Anh là đối tác quan trọng hàng đầu của Đức ở EU nên kinh tế Đức dự đoán sẽ giảm từ 1,8% xuống 1,4% trong năm nay và năm tới tụt từ 1,7% dự tính xuống chỉ còn 0,4%. Đức sẽ mất 45 tỷ euro trong thời gian tới. Đây chỉ là những dự đoán ban đầu, còn hậu quả lâu dài chắc sẽ nặng nề hơn nữa.

cuoc chia tay nhieu cay dang

Nhìn tổng thể, theo bài viết của tác giả Katharina Slodczyk từ London trên tờ Handelsblatt ngày 27/6, Thủ tướng David Cameron đã đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng toàn diện, thể hiện trên bốn lĩnh vực sau: Một là, cuộc trưng cầu dân ý đã bộc lộ những rạn nứt trong lòng nước Anh, có nguy làm cơ tan rã sự thống nhất chính trị của đất nước. Thành phố London, Scotland và Nordirland bỏ phiếu giữ nguyên trạng; các địa phương khác tán thành việc rời EU. Trong lòng xã hội Anh cũng phân hóa sâu sắc khi người thành phố bỏ phiếu ở lại, người ở nông thôn muốn chia tay; người có học ủng hộ ở lại trong khi người ít học hoặc thất nghiệp thì phản đối. Tương tự, hơn 70% người trẻ muốn ở lại EU trong khi người lớn tuổi muốn ngược lại. Điều này chứng tỏ trong nhiệm kỳ 7 năm Thủ tướng vừa qua, ông Cameron không tạo được sự cân bằng xã hội, khiến cho khoảng cách giữa vùng Đông nam phát triển và miền Bắc nước Anh chậm phát triển ngày càng to lớn hơn.

Hai là Brexit càng làm trầm trọng hơn những vết thương vốn chưa lành trong xã hội Anh và đẩy đất nước vào thiểu phát hoặc trì trệ. Vùng phía bắc chậm phát triển sẽ chịu thua thiệt nhất, tiếp đến là tầng lớp trẻ. Ba là khủng hoảng lãnh đạo trong các đảng chính trị thay nhau cầm quyền ở Anh sẽ ngày càng trầm trọng. Hiện nay cả Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Cameron cũng như Đảng Lao động đối lập chưa tìm được người có thể gánh trách nhiệm chèo lái nước Anh trong quá trình ra khỏi EU, phục hồi kinh tế và lấy lại vị thế của Anh trên thế giới. Bốn là niềm tin của người dân vào giới chính trị sẽ giảm sút nghiêm trọng vì những điều hứa hẹn đưa ra trong đợt vận động vừa qua đều khó có khả năng thực hiện. Không chỉ các nước EU bất ngờ về kết quả bỏ phiếu mà chính phe ủng hộ Brexit cũng bất ngờ và do vậy không hề có bất kỳ sự chuẩn bị hay phương án nào cho việc rời khỏi EU. Điều này làm cho quá trình xử lý hiện nay của cả hai phía đều gặp vô vàn khó khăn.

Hướng về “Thủ tướng xử lý khủng hoảng”

Thủ tướng Merkel đã quá mệt mỏi từ khi nhận danh hiệu “Thủ tướng xử lý khủng hoảng”, từ hoạt động “cứu đồng Euro”, “khủng hoảng Hy Lạp”, “khủng hoảng tỵ nạn”. Ngày nay, việc lấy lại lòng tin và vực dậy một EU đang rệu rã và có nguy cơ tan rã lần nữa lại đặt lên vai bà.

Hơn ai hết, bà Merkel hiểu việc Anh ra khỏi EU là một tổn thất lớn đối với EU và Đức, vì Anh không chỉ là nền kinh tế lớn thứ hai của EU và là đối tác, đồng minh quan trọng hàng đầu của Đức ở châu Âu và trên thế giới. Mất Anh, EU cũng sẽ mất vị thế chính trị và vai trò trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu, nhất là trong quan hệ với các nước lớn như Mỹ, Nga hay Trung Quốc.

cuoc chia tay nhieu cay dang
Phản ứng của các lãnh đạo thế giới với kết quả trưng cầu dân ý của Anh về việc rời EU.

Chính vì trọng trách này mà bà Merkel không giống các chính trị gia khác yêu cầu Anh ngay tuần này phải chính thức đưa ra lời chia tay tại cuộc họp thượng đỉnh EU, mà yêu cầu mọi người bình tĩnh, cùng tìm ra giải pháp. Ngay cuối tuần qua, bà đã họp với các đảng phái chính trị lớn của Đức, đầu tuần họp với lãnh đạo các nước nước EU chủ chốt và trong tuần họp thượng đỉnh EU tại Brussels.

Mục tiêu bà đưa ra là có một “lộ trình“ hợp lý để EU đàm phán với Anh về “hợp đồng ly hôn” mà trong đó quyền lợi các bên liên quan đều được bảo đảm tốt nhất; ngăn chặn làn sóng “EXIT” có thể nổi lên ở những nước EU khác, lấy lại lòng tin của thế giới đối với EU và cuối cùng là xây dựng một EU 27 ổn định về chính trị và phồn vinh về kinh tế. Tuy nhiên, EU mà bà Merkel cần hướng tới không phải là EU như từ trước đến nay, do một số “nhóm chính trị Elite”, một nhóm nước hoàn toàn chi phối.

Phó Thủ tướng Đức Gabriel nói  “Out is out”, người Anh đã quyết định rời EU thì họ phải sớm ra đi. Không có chuyện đàm phán để kéo dài hay xem EU có thể dành ưu đãi gì thêm cho Anh hay Anh có thể ở lại EU hay không; không còn có chuyện “lăn tăn” hay thành viên nửa vời của Anh trong EU.

Ba kịch bản

Ngân hàng Helaba (Frankfurt) của Đức dự báo ba kịch bản cho việc “ly hôn” giữa Anh và EU. Kịch bản có thể xảy ra nhất là EU và Anh có thể thỏa hiệp (60%). Hợp đồng “ly hôn” có thể được triển khai trong thời gian hai năm tới. Theo đó, hàng hóa của Anh vẫn được tiếp cận thị trường nội địa chung EU, nhưng lĩnh vực dịch vụ ngân hàng sẽ bị hạn chế. Trung tâm tài chính London vẫn giữ được vị thế của mình.

Sau những cú sốc ban đầu, mọi việc sẽ đi vào quỹ đạo. Anh kiểm soát được thiệt hại của mình; dòng tiền đầu tư tiếp tục đổ vào Anh; đồng bảng và cổ phiếu sẽ ổn định và bất động sản ở Anh sẽ vẫn hấp dẫn giới đầu tư. Do Anh có thể rời bỏ EU mà không gặp thiệt hại to lớn nên căng thẳng trong nội bộ EU sẽ tăng và đồng Euro sẽ mất dần sự hấp dẫn.

Kịch bản thứ hai là bất đồng (30%). Trong thời gian ấn định, nếu Anh không thống nhất được với EU một phương án hợp lý thì có thể dẫn đến sự “ly hôn bẩn thỉu”. Theo đó, Anh mất toàn quyền tiếp cận thị trường nội địa EU; trong hợp tác thương mại với Anh, EU  sẽ phải áp dụng triệt để nguyên tắc WTO. Xuất khẩu hàng hóa của Anh cũng như EU và Đức sẽ bị ảnh hưởng.

Trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, London sẽ mất dần vị thế và chuyển cho Frankfurt hay Paris. Anh sẽ tự quyết định vấn đề di cư và những vấn đề khác để lôi kéo đầu tư, nhưng đầu tư sẽ giảm, kéo theo sức mua của người dân giảm. Hậu quả là kinh tế Anh rơi vào tình trạng thiểu phát và trì trệ; các nhà đầu tư rút khỏi Anh; đồng Bảng tiếp tục mất giá, thị trường chứng khoán suy giảm nghiêm trọng và thị trường bất động sản lao dốc không phanh. EU sẽ không lo ngại những nước khác theo gương Anh rời bỏ EU; hợp tác nội khối sẽ dễ dàng hơn.

Kịch bản thứ ba là “cuộc chiến hoa hồng” (10%). Đây là kịch bản khó thành hiện thực nhất. Anh sẽ tìm mọi cách moi được nhiều lợi nhất từ cuộc “ly hôn“ này. Anh tiếp tục được tiếp cận thị trường nội địa chung mà vẫn muốn giành cho mình những “ưu đãi” ngoại lệ trong vấn đề người tị nạn. Dù không ở trong EU thì Anh và đặc biệt thị trường tài chính London vẫn tiếp tục là thị trường hấp dẫn đối giới tư bản từ bên ngoài.

Tóm lại,  Anh được hưởng lợi trên lưng EU, dẫn đến căng thẳng chính trị trong nội khối; đồng tiền chung sẽ bị đặt câu hỏi nghi ngờ và Euro mất giá, trong khi đồng bảng tăng. Cơ sở hạ tầng và thị trường tài chính, chứng khoán ở Anh tốt hơn ở EU. Và kịch bản cuối cùng là Anh và EU “ly thân” một thời gian ít nhất là hai năm sau đó nếu thấy không hợp thì chính thức “ly hôn”.

Theo điều 50 Hiệp ước Lisbon thành lập EU, hai bên có tối đa hai năm để đàm phán các phương án cho cuộc chia tay này. Sau thời hạn đó, nếu hai bên vẫn không thống nhất được phương án cuối cùng hoặc đồng ý kéo dài đàm phán, Anh tự động mất quyền tiếp cận thị trường nội địa chung của EU.

Đêm muộn ngày 28/6 (giờ Châu Âu) ngay sau khi kết thúc cuộc họp tại Hội đồng châu Âu với sự có mặt của Thủ tướng Cameron, Thủ tướng Merkel đã thông báo với báo chí kết quả cuộc họp thượng đỉnh. Theo bà Merkel, việc bắt đầu đàm phán về việc Anh ra khỏi EU sẽ tiến hành ngay khi Anh chính thức có đơn như quy định tại điều 50 Hiệp ước Lisbon; trước đó sẽ không có bất cứ một cuộc đàm phán chính thức hay không chính thức nào. Trong đàm phán sẽ phải tính đến các phương án hai bên chấp nhận được, không có chuyện Anh vẫn muốn có “đặc quyền” trong các cơ chế EU hay được tiếp cận thị trường nội địa chung EU trong khi không muốn thực hiện các nghĩa vụ của mình. Bà Merkel  loại trừ khả năng Anh không chính thức nộp đơn hay “phớt lờ” kết quả trưng cầu dân ý.

Các nước là thành viên sáng lập của EWG và sau này là EU chắc chắn không nghĩ là “cậu bé bướng bỉnh” ngày nào, sau hơn 40 năm chung sống lại gây ra nhiều điều “bực mình” ngày hôm nay, khi mà EU và thế giới còn biết bao vấn đề toàn cầu cần phải xử lý.

cuoc chia tay nhieu cay dang Những tác động trái chiều từ sự mất giá của Bảng Anh

Doanh nghiệp và nền kinh tế quốc tế vẫn đang vui buồn cùng đồng tiền của nước Anh.

cuoc chia tay nhieu cay dang Anh chỉ dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU

Sau Brexit, Anh vẫn tham dự phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh EU ngày 28/6 để thảo luận về tương lai của liên minh.

cuoc chia tay nhieu cay dang Brexit ảnh hưởng đến cộng đồng người Việt ở CH Czech

Việc nước Anh rời bỏ EU sẽ có những tác động không mấy tích cực đối với mối quan hệ kinh tế - thương mại ...

Nguyễn Hữu Tráng (Berlin)