Với việc chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ đang ngày càng gay cấn, Tổng thống Donald Trump chắc chắn sẽ tìm cách lăng xê thành tích của mình về lĩnh vực kinh tế, trong đó có vấn đề thuế quan. Nhưng những con số không phản ánh được chính sách của ông ấy.
Thật không may, đối thủ của Tổng thống Trump, ông Joe Biden, có nguy cơ mắc một số sai lầm tương tự.
Tham vọng chưa thành
Ông Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016 với lời hứa sẽ khôi phục khả năng cạnh tranh của Mỹ, hồi sinh lĩnh vực sản xuất và giảm thâm hụt thương mại. Nhưng ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, cuộc chiến thương mại của Trump vẫn chưa gặt hái thành công.
Bất chấp việc áp thuế cao nhiều mặt hàng bắt đầu vào nửa cuối năm 2018, thâm hụt thương mại song phương Mỹ-Trung hầu như không thay đổi.
Thâm hụt thương mại tổng thể của Mỹ cũng không thay đổi nhiều. Nhập khẩu của Mỹ không đổi trong năm 2018 và 2019. Xuất khẩu cũng vậy.
Lĩnh vực sản xuất của Mỹ cũng không cải thiện. Sản xuất chế tạo đã phát triển cùng với nền kinh tế nói chung trước khi ông Trump thực hiện cuộc chiến thương mại, nhưng đã bị đình trệ sau đó.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tham dự cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka vào ngày 29/6/2019. (Nguồn:CNBC) |
Chính sách thuế quan đã không thực hiện được mục tiêu mà Tổng thống Trump và các cố vấn, như nhà kinh tế học Peter Navarro và đại diện thương mại Robert Lighthizer mong muốn. Chúng có thể đã làm tổn hại nền kinh tế Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng làm tổn thương người tiêu dùng Mỹ.
Cuộc chiến thương mại đã không thực hiện được các mục tiêu lớn đề ra như cắt giảm thâm hụt thương mại, tăng khả năng cạnh tranh của Mỹ so với Trung Quốc hoặc khôi phục ngành sản xuất của Mỹ.
Một chính sách sai lầm
Chính sách thuế quan khiến hàng hóa nhập khẩu đắt hơn, thúc đẩy người tiêu dùng trong nước chuyển hướng sang hàng hóa sản xuất trong nước. Các mặt hàng xuất khẩu không bị đánh thuế theo biểu thuế, vì vậy chúng sẽ không bị ảnh hưởng. Nếu theo lập luận trên thì thuế quan sẽ giúp giảm thâm hụt thương mại và các nhà sản xuất trong nước sẽ được lợi khi người tiêu dùng chuyển hướng sang hàng nội địa.
Về mặt lý thuyết, tỷ giá hối đoái có thể điều chỉnh để loại bỏ hầu hết ảnh hưởng của thuế quan. Nhưng điều này dường như không xảy ra trong trường hợp của Mỹ khi cả sức mạnh tổng thể của USD và Nhân dân tệ của Trung Quốc thay đổi rất ít sau khi cuộc chiến thương mại của Trump bắt đầu.
Vì vậy, về mặt kỹ thuật, có thể chính sách thuế quan của Tổng thống Trump đã hoạt động như dự định nhưng mức độ ảnh hưởng chưa lớn hoặc bị các yếu tố khác lớn hơn nhiều, tác động vào nền kinh tế. Dường như chúng ta chỉ thấy cán cân thương mại và hoạt động sản xuất chỉ bị tác động nhẹ.
Ở một khía cạnh khác, chính sách thuế quan lại làm tổn hại chính các công ty của Mỹ. Lý do là thương mại không phải là trao đổi hai chiều đơn giản như nhiều người nghĩ, rằng các quốc gia sản xuất sản phẩm trong nước và sau đó cố gắng bán chúng. Thực tế, thương mại liên quan đến nhiều quốc gia trong một mạng lưới chuỗi cung ứng rộng lớn toàn cầu.
Thuế quan không chỉ làm cho hàng tiêu dùng nhập khẩu đắt hơn; chúng cũng làm cho nguyên liệu đầu vào đắt đỏ thêm. Có một thực tế là các công ty Mỹ sử dụng rất nhiều hàng hóa nhập khẩu để sản xuất, từ nguyên liệu thô cho đến các phụ kiện.
Đánh thuế nguyên liệu đầu vào đồng nghĩa với việc làm cho chí phí sản xuất ở Mỹ cao hơn. Đây là điều tối kỵ trong kinh tế học về thuế - đánh thuế sản phẩm cuối cùng luôn tốt hơn là đánh thuế các nguyên liệu đầu vào được sử dụng để tạo ra hàng hóa đó. Nhưng chính sách thuế quan của Trump đã bỏ qua nguyên tắc này và đánh thuế mọi thứ.
Các nhà kinh tế Kyle Handley, Fariha Kamal và Ryan Monarch gần đây đã cố gắng ước tính mức độ ảnh hưởng của thương chiến Mỹ-Trung đã gây tổn hại đến các nhà xuất khẩu của Mỹ như thế nào. Sử dụng dữ liệu chi tiết từ chính các công ty, các nhà kinh tế đã phân tích xuất khẩu của Mỹ có xu hướng giảm nhiều hơn (hoặc tăng trưởng chậm hơn) sau khi thuế quan có hiệu lực.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, các sản phẩm mà chuỗi cung ứng của họ bị đánh thuế nặng hơn sẽ bị ảnh hưởng xấu hơn đáng kể.
Có lẽ Tổng thống Trump khó có thể nhận ra hoặc thừa nhận rằng, vũ khí kinh tế yêu thích của ông đang sử dụng đã làm tổn thương chính các công ty mà ông mong muốn hỗ trợ. Vì vậy, giả sử ứng cử viên Biden giành chiến thắng, cần chú ý đến các bài học kinh tế học và xem xét chính sách thương mại cẩn trọng hơn.
Thật không may, chương trình “Xây dựng lại tốt hơn” của ông Biden lại bao gồm các điều khoản buộc các nhà thầu chính phủ mua các sản phẩm do Mỹ sản xuất. Điều này có tác động tương tự như thuế quan - bảo vệ các sản phẩm của Mỹ khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài, nhưng đồng thời làm cho đầu vào của họ đắt hơn. Điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và giảm khả năng cạnh tranh.
Tập trung vào thúc đẩy xuất khẩu hơn là việc bảo vệ thị trường nội địa là cách tiếp cận tốt hơn nhiều. Việc trợ giúp các công ty Mỹ cạnh tranh trên thị trường nước ngoài sẽ giải quyết thâm hụt thương mại mà không làm tổn hại đến chuỗi cung ứng của họ.
Bằng các chính sách tăng năng suất, hỗ trợ tăng sức cạnh tranh trên trường quốc tế thay vì che chở họ trong một thị trường nội địa không cạnh tranh và đầy khó khăn có lẽ là cách tiếp cận khôn ngoan hơn.
Có thể nói, thuế quan và các chính sách bảo hộ khác không còn phù hợp với nền kinh tế phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng phức tạp. Cần quên đi ý tưởng rằng, các công ty Mỹ được hỗ trợ tốt nhất bằng cách ngăn cản họ tiếp cận với thế giới bên ngoài.
| Bầu cử Tổng thống Mỹ: Cuộc đấu của ông Trump với chính bản thân mình? TGVN. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới đây là cuộc đấu của ông Trump với chính bản thân mình hơn là ... |
| Bầu cử Mỹ: Cựu Phó Tổng thống Biden tạo 'bứt phá' bằng đề xuất kinh tế nhưng chỉ là sao chép của Tổng thống Trump? TGVN. Bầu cử Mỹ đang đến gần, cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang tăng tốc với những sáng kiến thu hút cử tri và ... |
| Tổng thống Donald Trump lạc quan về đà phục hồi của kinh tế Mỹ hậu Covid-19 TGVN. Ngày 5/6, Tổng thống Trump tuyên bố, nền kinh tế Mỹ đang trong trạng thái "hồi phục mạnh mẽ", sau khi những số liệu mới ... |