'Cuộc chiến' tịch thu tài sản đang thêm căng thẳng khi Nga chính thức tung 'đòn' nhắm vào Mỹ,(Nguồn: Getty Images) |
Bộ trưởng Tài chính các quốc gia thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đang thảo luận về những phương án mới để sử dụng số tiền thu được từ khoảng 300 tỷ USD tài sản Nga bị các nước phương Tây đóng băng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine hồi tháng 2/2022.
Trong bài phát biểu mới đây tại Frankfurt (Đức), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết: “Điều quan trọng và cấp bách là chúng ta cùng nhau tìm ra cách để giải phóng khoản tài sản của Moscow đang bị phong toả tại phương Tây vì lợi ích của Kiev”.
Theo bà Yellen, một kế hoạch nhằm mang lại giá trị thu nhập từ tài sản bị đóng băng của Nga có thể là nguồn hỗ trợ đáng kể cho Ukraine sau năm 2025. "Nga phải nhận ra rằng, chúng tôi sẽ không chùn bước trong việc hỗ trợ Ukraine vì thiếu nguồn lực", Bộ trưởng Yellen nhấn mạnh.
Tin liên quan |
Nhiều ngân hàng quay lưng với Nga, các công ty Trung Quốc 'như ngồi trên đống lửa' vì không thể giao dịch với 'khách sộp' |
Kế hoạch khả thi
Đề xuất được cho là nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhất của các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là sử dụng lợi nhuận bất ngờ trong tương lai từ tài sản của Nga làm tài sản thế chấp.
Bà Yellen nói với đài truyền hình Sky News trong một cuộc phỏng vấn rằng, kế hoạch trên, về cơ bản sẽ mang lại dòng tiền lãi từ tài sản, thông qua một khoản vay, được trao cho Ukraine.
Bà nói: “Ukraine có những nhu cầu đáng kể và việc có thể huy động các nguồn lực quan trọng để giúp đất nước là điều quan trọng".
Các Bộ trưởng Tài chính G7 hy vọng sẽ thống nhất được một lộ trình phù hợp để tháng 6 tới, các nhà lãnh đạo các quốc gia trong nhóm có thể ký kết.
Việc tịch thu tài sản của Moscow ngay lập tức dường như không được ưu tiên bởi EU lo ngại rằng, động thái như vậy sẽ ngăn cản các nước khác giữ tài sản của họ trong khối.
Hầu hết số tiền bị đóng băng của Nga được giữ ở châu Âu và đồng Euro là đồng tiền quan trọng thứ hai trên thế giới, sau USD.
Nhưng ông Lee Buccheit, giáo sư danh dự tại Đại học Edinburgh (Anh) khẳng định, đề xuất sử dụng lãi từ tài sản Nga là một nửa chặng đường để tịch thu hoàn toàn số tiền này.
Lựa chọn của EU
Khoảng 2/3 tài sản cố định của Nga - tương đương khoảng 210 tỷ Euro (tương đương 228 tỷ USD) - nằm ở EU và được lưu giữ chủ yếu tại Euroclear. Đây là một tổ chức tài chính có trụ sở tại Bỉ, chuyên đảm bảo an toàn tài sản cho các ngân hàng, sàn giao dịch và nhà đầu tư.
Sau nhiều tháng thảo luận, mới đây, EU đã chính thức thông qua một thỏa thuận nhằm khai thác lợi nhuận bất ngờ mà Euroclear kiếm được bằng cách tái đầu tư tiền mặt được tạo ra bởi những tài sản đó, chẳng hạn như thanh toán lãi trái phiếu. Điều này có nghĩa là khoản thanh toán lãi và tài sản đáo hạn không thể được gửi đến Nga.
Như vậy, theo thỏa thuận của EU, số tiền từ 2,5-3 tỷ Euro (tương đương 2,7-3,3 tỷ USD) lợi nhuận này sẽ được gửi hàng năm đến Kiev. Khoản thanh toán đầu tiên sẽ được thực hiện vào tháng 7 tới, với 90% dành cho vũ khí và thiết bị quân sự.
Việc phân chia quỹ sẽ được xem xét lại hàng năm - bắt đầu từ tháng 1/2025 - và có thể chuyển chi tiêu sang tái thiết nền kinh tế.
Ủy viên thương mại châu Âu Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: “EU đã chọn một con đường hợp lý về mặt pháp lý và linh hoạt để hỗ trợ có thể điều chỉnh theo nhu cầu cấp bách nhất của Kiev”.
Ngày 23/5, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh cho phép nước này tịch thu tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân và thực thể có liên quan Mỹ tại Nga. (Nguồn: Sputnik) |
Yêu cầu Moscow bồi thường?
Tuy nhiên, đề xuất nói trên được xem là nhỏ giọt. Có một lựa chọn khác mà phương Tây có thể cân nhắc thêm, đó là khoản vay bồi thường.
Theo cách tiếp cận này, Ukraine sẽ vay tiền từ một nhóm đồng minh, bao gồm cả các thành viên G7 và cam kết làm tài sản thế chấp cho yêu cầu bồi thường từ Nga. Điều này sẽ giúp Kiev tiếp cận được số tiền lớn hơn nhiều so với việc sử dụng lợi nhuận bất ngờ của khoản tài sản đang bị phong tỏa.
Ông Buchheit phân tích: “Ukraine có yêu cầu bồi thường Nga - về mặt pháp lý, điều đó là không thể nghi ngờ. Trên thực tế, Kiev có thể kiếm tiền từ một phần yêu cầu đó bằng cách cam kết đảm bảo khoản vay này từ G7.
Nếu Moscow không trả tiền bồi thường thì G7 sẽ có khả năng sử dụng tài sản đang bị đóng băng để thu hồi giá trị khoản vay cho Kiev".
Cơ chế này cũng đảm bảo rằng, Nga sẽ gánh một phần chi phí khổng lồ để tái thiết Ukraine.
Ông Buccheit khẳng định: “Nếu không có sự thay đổi chế độ ở Nga, Tổng thống Putin sẽ không bao giờ trả tiền bồi thường. Khoản tiền 300 tỷ USD đang bị đóng băng có lẽ sẽ là khoản duy nhất có thể thu được từ đất nước này".
Nga chính thức tung "đòn"
Trước những động thái của phương Tây, ngày 23/5, Tổng thống Vladimir Putin đã chính thức ký sắc lệnh cho phép nước này tịch thu tài sản thuộc sở hữu của các cá nhân và thực thể có liên quan Mỹ tại nước này - nếu Washington cố gắng tịch thu tài sản Nga ở nước ngoài.
Sắc lệnh phác thảo một cơ chế cho phép Nga bù đắp mọi thiệt hại do Mỹ gây ra với tài sản Nga bằng chính tài sản của Mỹ hoặc các tổ chức liên quan. Sắc lệnhcho chính phủ 4 tháng để chuẩn bị khung pháp lý cho cơ chế này và trình các đề xuất liên quan lên quốc hội để xem xét.
Giới chức Nga thừa nhận, Moscow chỉ nắm giữ một lượng tài sản nhà nước không đáng kể của Mỹ và bất kỳ phản ứng nào của đất nước đưa ra sẽ là không cân xứng. Vì vậy, Tổng thống Putin sẽ tập trung vào tài sản của các cá nhân, tổ chức Mỹ.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo khối 27 thành viên cũng sẽ cảm nhận sự trả đũa của nước này.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi coi bất kỳ cuộc tấn công nào của EU hay bất kỳ nước nào nhằm vào tài sản của Nga đều là bất hợp pháp và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Cả thế giới đang theo dõi cách phương Tây phá hủy hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Chúng tôi có rất nhiều biện pháp trả đũa chính trị và kinh tế. Phía Nga cực lực phản đối quyết định như vậy và sẽ thực hiện tất cả các bước cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình".
Dường như, "cuộc chiến" tịch thu tài sản đang thêm căng thẳng khi Nga chính thức tung "đòn" nhắm vào Mỹ, sau nhiều lần tuyên bố "sẽ đáp trả". Kết quả của "cuộc chiến" này thế nào? Có lẽ, vẫn phải chờ đến tháng 6 - khi Tổng thống các nước G7 gặp nhau tại Italy!
| Tài sản Nga bị phong tỏa: EU đã nhất trí hướng đi, G7 có thể 'bơm' sang Ukraine tới 50 tỷ USD, Moscow phản ứng Ngày 21/5, Ngoại trưởng Czech Jan Lipavsky thông báo, Liên minh châu Âu (EU) đã cho phép sử dụng các khoản lợi nhuận thu được ... |
| Nga giải thể ngân hàng Mỹ, đáp trả một động thái liên quan của EU Tổng thống Vladimir Putin ngày 22/5 đã ký sắc lệnh cho phép tự nguyện giải thể Ngân hàng American Express ở Nga. Động thái đáp ... |
| Đức ‘nổ phát súng đầu tiên’ sẵn sàng chuyển tài sản Nga cho Ukraine, phương Tây đồng lòng... vẫn còn chừa ‘vùng cấm’? "Đức đã sẵn sàng chuyển doanh thu từ tài sản Nga bị phong tỏa sang cho Ukraine sử dụng". |
| Tổng thống Putin ký sắc lệnh mở đường trả đũa phương Tây, vạch quy trình tịch thu tài sản Mỹ Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/5 đã ký sắc lệnh về việc xác định các tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, ... |
| Tài sản Nga bị phong tỏa: Tổng thống Putin ký sắc lệnh 'phản đòn' Mỹ; Washington nêu quan điểm với G7 Ngày 23/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh về việc xác định các tài sản của Mỹ, bao gồm cả chứng khoán, có ... |