Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa (thứ hai từ trái) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khảo sát dự án thành phố cảng ở thủ đô Colombo ngày 9/1. (Nguồn: EPA-EFE) |
Theo truyền thống, các ngoại trưởng Trung Quốc bắt đầu các hoạt động ngoại giao vào dịp đầu năm mới với chuyến công du châu Phi.
Nhưng năm nay, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bổ sung một vài điểm đến cho chuyến công du đầu năm. Sau 4 ngày ở Đông Phi, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đến Maldives và Sri Lanka.
Vấn đề thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng trong ngoại giao. Đó là lý do tại sao trong 32 năm qua, Trung Quốc đã chọn châu Phi cho chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm của ngoại trưởng, thể hiện tầm quan trọng của lục địa giàu tài nguyên đối với các kế hoạch lãnh đạo toàn cầu của Bắc Kinh.
Những năm qua, Trung Quốc đã thành công trong cuộc chạy đua với phương Tây để trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của châu Phi, thu hút các nguồn tài nguyên khoáng sản chiến lược trên khắp châu lục này.
Nhưng trong năm 2022, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ chứng tỏ tầm quan trọng không kém - nếu không muốn nói là hơn - trong cuộc cạnh tranh địa chính trị của Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh.
Bằng cách ghé thăm Maldives và Sri Lanka trên đường trở về từ châu Phi, Ngoại trưởng Vương Nghị đã cho thấy rõ các ưu tiên của Bắc Kinh: Trung Quốc đang tập trung giành quyền kiểm soát ở Nam Á và Ấn Độ Dương, ngay cả khi nước này phải đối mặt với những xung đột và thù địch ở Đài Loan, Hong Kong và khu vực Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Chiến lược hợp lý
Ông Mohamed Zeeshan đánh giá việc Trung Quốc "quyết chiến" ở mặt trận Nam Á và Ấn Độ Dương là một chiến lược hợp lý.
Về mặt chính trị, Bắc Kinh thích các vùng biển “yên bình” ở Nam Á và Ấn Độ Dương hơn là ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương - nơi "chứa chấp" nhiều trở ngại của nước này như sự phản đối của Đài Loan, các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vô số bất đồng với Australia và New Zealand.
Ngược lại, phần lớn Nam Á và Ấn Độ Dương tương đối ôn hòa hơn. Tại Sri Lanka, gia tộc thống trị do Tổng thống Gotabaya Rajapaksa lãnh đạo - người trở lại nắm quyền vào năm 2019 - tỏ ra thân thiện với Bắc Kinh hơn.
Trong khi người tiền nhiệm của ông Rajapaksa nỗ lực duy trì sự cân bằng mong manh giữa Ấn Độ và Trung Quốc, chính phủ mới cho thấy họ sẵn sàng xích lại gần Bắc Kinh hơn, ngay cả khi đối mặt với sự phản đối từ các đối thủ trong nước.
Tại Maldives, cựu Tổng thống thân Trung Quốc Abdulla Yameen đã bị lật đổ vào năm 2018, nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ đó.
Chính phủ liên minh kế nhiệm Yameen đã bị bủa vây bởi những cuộc tranh cãi nội bộ, và bản thân ông Yameen đã được tuyên bố trắng án và được trả tự do hồi tháng trước. Ngay sau đó, người ta thấy ông tham gia chiến dịch “Ấn Độ hãy rời khỏi đây” (India Out) – chiến dịch phản đối sự hiện diện quân sự của Ấn Độ (mặc dù chính phủ tuyên bố không có sự hiện diện nào như vậy).
"Cú bồi" từ Covid-19
Tuy nhiên, giữa thời điểm đại dịch Covid-19, khi kinh tế có thể lấn át chính trị cũng là lúc Trung Quốc cảm thấy "đau đầu" trong việc tìm cơ hội "tán tỉnh" các quốc gia Nam Á và Ấn Độ Dương.
Ở một số quốc gia như Sri Lank, đầu tư của Trung Quốc vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Các nhà lãnh đạo đối lập thường xuyên nói về “bẫy nợ” do Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Bắc Kinh gây ra. Những lo ngại đó càng trở nên tồi tệ hơn khi dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế.
Theo hãng tin AP, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka hiện giảm xuống còn khoảng 1,6 tỷ USD - chỉ đủ cho một vài tuần nhập khẩu. Riêng năm 2022, Sri Lanka phải đối mặt với khoản nợ nước ngoài lên tới hơn 7 tỷ USD. Lạm phát đã tăng lên hơn 12% vào cuối tháng 12/2021 và lạm phát lương thực đã tăng lên hơn 22%.
Những vấn đề tương tự đã tàn phá Maldives, quốc gia đang nợ Trung Quốc tương đương 40% GDP. Đại dịch đã khiến phần lớn ngành du lịch dịch vụ, vốn chiếm 30% GDP và hơn 60% doanh thu từ nước ngoài của của Maldives, phải đóng cửa.
Cả Maldives và Sri Lanka đã bị các cơ quan xếp hạng tín nhiệm khác nhau hạ mức đánh giá tăng trưởng do thảm họa đại dịch ở hai quốc gia này. Khi ông Vương Nghị đến Colombo hồi cuối tuần trước, Tổng thống Rajapaksa đã yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu nợ cho Sri Lanka.
Không có đối thủ
Nhưng vấn đề đối với Sri Lanka và Maldives là các đối thủ của Trung Quốc cũng không thể "vượt mặt" Bắc Kinh.
Kể từ khi Tổng thống Yameen bị lật đổ hồi năm 2018, Ấn Độ đã thực hiện một số bước đi quan trọng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của Maldives vào Trung Quốc.
New Delhi hiện đang điều hành dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất ở Maldives - dự án xây cầu, hầm qua biển kết nối Ấn Độ với Sri Lanka - và khoảng 45 dự án phát triển lớn trị giá hơn 2 tỷ USD. Ấn Độ cũng đóng góp tỷ trọng lớn nhất về lượng khách du lịch đến Maldives trong vài năm qua - gần 300.000 người chỉ tính riêng trong năm 2021.
Tuy nhiên, sự lao đao của kinh tế Ấn Độ do đại dịch đã đến nghi ngờ về khả năng của New Delhi trong việc cạnh tranh nhất quán với ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh.
Trước khi ông Rajapaksa đưa ra lời kêu gọi với Vương Nghị hồi cuối tuần trước về tái cơ cấu nợ, tháng 2/2020, Sri Lanka đã yêu cầu Ấn Độ gia hạn thời gian trả nợ nhưng New Delhi lại không đáp ứng yêu cầu đó.
Colombo gần đây cũng đưa ra nhiều yêu cầu về hạn mức tín dụng khẩn cấp để nhập khẩu thực phẩm, nhiên liệu và thuốc, cũng như một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ. New Delhi cũng không phản hồi những đề xuất đó.
Mặc dù có những lợi thế về lịch sử, Ấn Độ gần đây đánh mất dần ưu thế về thương mại với Trung Quốc. Theo số liệu từ cơ quan Observatory of Economic Complexity (OEC), từ tháng 9/2020 đến tháng 9/2021, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Sri Lanka tăng hơn 85%, thương mại giữa Trung Quốc và Maldives cũng tăng 80% trong cùng thời kỳ. Trong khi đó, quan hệ thương mại của Ấn Độ vẫn tương đối bằng phẳng.
Khi virus SARS-CoV-2 tiếp tục hoành hành, các quốc gia sẽ tìm cách liên kết mạnh mẽ hơn với các cường quốc trong khu vực có khả năng đáp ứng nhu cầu kinh tế của họ.
Năm 2020, khi được hỏi tại sao Colombo tiếp tục quay trở lại với Trung Quốc để gánh thêm nợ, một bộ trưởng Sri Lanka chỉ nói rằng Trung Quốc có “nhiều tiền mặt nhất hiện nay”.
Thực tế đó khiến lợi thế chắc chắn nghiêng về Bắc Kinh.
* Tổng Biên tập Freedom Gazette (Ấn Độ)