📞

Cuộc đời qua văn chương châm biếm và cảm thương

06:00 | 14/01/2017
Năm 2005, toàn thế giới kỷ niệm 200 năm ngày sinh Andersen, nhà văn Đan Mạch - tác giả có lẽ được dịch và đọc nhiều nhất trên phạm vi toàn cầu. 

Riêng Việt Nam, từ 1926 đến nay đã phát hành trên 1 triệu bản dịch. Nhân dịp này, tôi có cơ hội đọc khá kỹ 100 truyện Andersen để viết bài giới thiệu cho một bản dịch mới. Do đó, tôi nảy ra ý so sánh Andersen và nhà văn Pháp đầu thế kỷ XX mà tôi thích, Anatole France - một “Giải thưởng văn học Nobel” hầu như bị quên lãng.

Xin nói ngay là Andersen bị hai nỗi oan. E. Bredsdorff đề từ cho bản dịch Anh văn mới nhất và trung thành (xuất bản ở quê hương Andersen tại Odense) đã nhấn mạnh điều ấy. Nỗi oan thứ nhất là ngay từ sinh thời do quá nổi tiếng là tác giả viết cho thiếu nhi nên đến nay Andersen vẫn bị coi như vậy. Thực ra, ông là nhà văn của cả người lớn, cho tất cả các lứa tuổi, nam và nữ. Cũng vì bị xếp vào loại “tác giả cho trẻ em” nên ở khắp các nước, các bản dịch Andersen thường chỉ chú trọng đến cốt truyện, phong cách Andersen bị đơn giản hóa, mất cái thâm thúy, mơ mộng và hiện thực, hài hước mà bi thương, thấm nhuần tình người.

Xin trở lại Andersen và France. Hai nhà văn này quả thực khác biệt nhau về thời đại, cuộc sống và tính cách. A. France, học giả uyên bác và tài hoa, sinh hoạt ung dung và thoải mái trong giới văn học sân khấu và giới thượng lưu như cá trong nước. Còn Andersen là con một người thợ giày nghèo, lớn lên tự học, bản tính dè dặt, suốt đời giữ tính cách tiện dân, nên khi giao tiếp với giới văn nghệ sĩ và quý tộc không khỏi có phức cảm. A. France thuộc hệ tư tưởng của triết gia "Ánh sáng“ Voltaire, là người vô thần, hoài nghi. Andersen ngoan đạo, có đức tin ngây thơ, cho là “thiên nhiên và con người” đã do Chúa trời tạo ra thì không thể không tốt được (Régis Boyer). Lạc quan của Andersen ngược với bi quan, chán chường của A. France.

Nhưng hai nhà văn gần nhau ở hai điểm. Trước hết, cả hai đều là những người kể chuyện tài tình. Đặc biệt Andersen, suốt cuộc đời chỉ làm có một việc kể chuyện, truyện cổ tích, truyện xưa và nay, truyện thật và truyện tưởng tượng, truyện người và truyện mình. Ngoài ra, tính nhân văn của cả hai ông toát ra từ các tác phẩm đều mang đậm sắc thái châm biếm và thương cảm.

A. France viết: “Tôi càng ngẫm nghĩ về đời người, tôi càng cho là phải cho nó châm biếm và thương cảm làm nhân chứng và thẩm phán. Châm biếm và thương cảm là hai quân sư giỏi, một bên mỉm cười khiến cho cuộc đời đáng yêu hơn, một bên khóc khiến cuộc đời thiêng liêng hơn. Cái châm biếm mà tôi nêu ở đây không độc địa, không chế giễu tình yêu và cái đẹp. Nó dịu dàng và có thiện tâm, tiếng cười của nó làm nguôi giận. Chính nó dạy ta đùa giỡn bọn độc ác và lũ ngu đần, nếu không ta sẽ có thể vì tâm hồn yếu đuối mà căm ghét chúng”.

Tư tưởng này là nơi gặp gỡ của Andersen và A. France.

Trong khối sáng tác của A.France, ta có thể hái những bông hoa châm biếm ở các cuốn Khu vườn của triết gia Epicure (triết lý hưởng lạc), Đảo chim cánh cụt (chỉ trích văn minh phương Tây), Những ý kiến của linh mục Jérome Coignaid (tu sĩ hổ mang nói toàn nghịch lý) và ở rất nhiều đoạn văn. Nhưng ông cũng thể hiện lòng yêu mến, thương cảm đối với các em bé, những kẻ yếu hèn, đối với thân phận con người nói chung, trong Crainquebille (người bán rau quả bị cảnh sát hành hạ), Tội ác của ông Sylvestre Bonnard (tình thương của một học giả với đưa con gái nuôi), Thái (nỗi đau khổ của đam mê), Những thần linh khát uống (những thái quá của cách mạng 1789). Triết lý của A. France dựa trên định lý “Không gì có thực”, “mọi thứ đều là ảo ảnh” khiến ta nghĩ đến Phật học.

Andersen đưa vào truyện kể những hoài bão không thành của mình, tình yêu vô vọng, lòng thương cảm đối với người khốn khổ, cố vươn lên hoàn cảnh bản thân, tìm nguồn an ủi trong mơ mộng và sự ban ơn của Chúa. Điển hình là Nàng tiên cá nhỏ, Cô bé bán diêm, Vịt con xấu xí... Andersen luôn phát hiện những thói hư tật xấu của con người, gần với quan niệm của A. France là bản chất của con người không bao giờ thay đổi. Nguyên Đại sứ Đan Mạch ở Việt Nam, trong bài tựa tập truyện Andersen mới dịch lại ở Hà Nội, đã nhận định Andersen vẫn rất "thời sự" ở nước ông. Dĩ nhiên không phải chỉ ở Đan Mạch mà cả ở Việt Nam và khắp thế giới. Tất cả những tác phẩm cổ điển đều vượt qua không gian và thời gian.