📞

Cuộc đua vaccine Covid-19: Lượng vaccine khổng lồ có thể 'ra lò', vận chuyển và bảo quản gặp khó

Thế Việt 15:09 | 04/09/2020
TGVN. Ngày 3/9, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) nhận định, một lượng vaccine ngừa Covid-19 nhiều chưa từng thấy có thể được 28 hãng dược phẩm tại 10 quốc gia sản xuất trong vòng 2 năm tới.
Các nhà sản xuất có thể sản xuất lượng vaccine khổng lồ trong 1-2 năm tới. (Nguồn: Iran Press)

Lượng vaccine Covid-19 được sản xuất nhiều chưa từng thấy

UNICEF cam kết sẽ hỗ trợ các nỗ lực mua và phân phối vaccine ngừa Covid-19. Theo đó, tổ chức này cho biết, 28 hãng đã chia sẻ các kế hoạch sản xuất vaccine ngừa Covid-19 hằng năm đến hết năm 2023.

Một báo cáo đánh giá thị trường của UNICEF cho thấy, các nhà sản xuất vaccine sẵn sàng chung nhau sản xuất một lượng vaccine ngừa Covid-19 lớn chưa từng thấy trong 1 đến 2 năm tới. Tuy nhiên, theo các hãng dược phẩm, kế hoạch sản xuất này phụ thuộc nhiều vào một số yếu tố như sự thành công của các thử nghiệm lâm sàng, thỏa thuận đặt mua vaccine, cam kết tài chính, quy định và thuận lợi trong quy trình đăng ký cấp phép.

Hiện UNICEF và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang cùng dẫn đầu kế hoạch phân bổ vaccine và thuốc điều trị bệnh Covid-19 mang tên COVAX. Kế hoạch này nhằm đảm bảo các nước được mua và tiếp cận công bằng vaccine phòng Covid-19.

Vai trò của UNICEF trong kế hoạch COVAX xuất phát từ thực tế tổ chức này là khách hàng mua vaccine lớn nhất thế giới. UNICEF cho biết, hằng năm tổ chức này thay mặt gần 100 quốc gia trên thế giới mua hơn 2 tỷ liều vaccine phục vụ chủng ngừa định kỳ và ứng phó với dịch bệnh.

COVAX được coi là một nỗ lực toàn cầu nhằm tìm lời giải cho bài toán làm sao để có thể phân bổ rộng rãi vaccine ngừa Covid-19 với mức chi phí vừa phải, để mọi người dân trên thế giới đều có cơ hội tiếp cận "vũ khí" phòng bệnh này. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch có thể gặp khó khăn nếu không có sự cam kết từ các nước lớn và giàu có.

Theo WHO, đã có 76 quốc gia giàu có trên thế giới cam kết tham gia kế hoạch COVAX. Tuy nhiên, ngày 1/9 vừa qua, Mỹ gây lo ngại với thông báo sẽ không tham gia kế hoạch COVAX do chính quyền của Tổng thống Donald Trump phản đối WHO.

DHL cảnh báo thách thức trong hoạt động vận chuyển và bảo quản vaccine Covid-19

Sau khi vaccine ngừa Covid-19 được bào chế và sản xuất thành công, chính phủ các nước sẽ phải đối mặt với một rào cản lớn khác, đó là việc phân phối khoảng 10 tỷ liều đến tất cả các nơi trên hành tinh.

Hãng vận chuyển DHL của Đức ước tính, để có thể phân phối vaccine Covid-19 toàn cầu, sẽ cần khoảng 15.000 chuyến bay và khoảng 15 triệu lượt giao hàng với nhiệt độ bảo quản khắt khe có thể xuống đến -80°C.

Điều này đồng nghĩa với việc một khi vaccine được bào chế thành công và các lọ thuốc ra khỏi dây chuyền sản xuất, không phải người nào cũng có thể được tiêm chủng ngay lập tức, đặc biệt là khi các hạn chế đi lại trên toàn cầu đã làm ngưng trệ hầu hết các chuyến bay thương mại, một phần quan trọng của mạng lưới vận tải hàng hóa trên thế giới.

Giám đốc thương mại của DHL Katja Busch cho biết, hiện nay hầu như không có chuyến bay thương mại thông thường nào và sẽ mất một thời gian để các chuyến bay này hoạt động trở lại. Một khi vaccine Covid-19 được sản xuất thành công, tất cả các hãng hàng không sẽ phải quan tâm đến việc tổ chức các chuyến bay để đảm bảo chuyên chở vaccine này đi khắp thế giới.

Tuy nhiên, ngay cả khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ, sẽ vẫn cần một khoảng thời gian cho việc tái khởi động các chuyến bay, bao gồm các hoạt động chuẩn bị như đào tạo lại phi công và kiểm tra kỹ thuật máy bay.

Mới đây, DHL đã thực hiện một nghiên cứu với công ty McKinsey để giúp các chính phủ và tổ chức thực hiện chuỗi cung ứng ổn định cho vaccine và hàng hóa y tế trong thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát và đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế trong tương lai.

Hiện có hơn 250 loại vaccine ngừa Covid-19, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất, đang được phát triển và thử nghiệm.

Theo bà Busch, không giống như các loại vaccine thông thường, có thể được vận chuyển trong khoảng nhiệt độ từ 2°C-8°C, vaccine ngừa Covid-19 đang được phát triển cần điều kiện vận chuyển với nhiệt độ thấp hơn nhiều, đặt thêm một thách thức cho việc cung cấp vaccine hiệu quả cho những người dân sống ở vùng sâu vùng xa.

Với thế hệ vaccine mới này, chưa có dữ liệu về tính ổn định, song các nhà sản xuất vaccine đã thông báo với DHL rằng cần bảo quản vaccine trong nhiệt độ khoảng -80°C đến -20°C. Bà Busch nhận định, thử thách là ở chặng cuối cùng khi DHL vận chuyển vaccine đến những nơi không có cơ sở hạ tầng kho bãi có thể bảo đảm nhiệt độ lạnh như vậy.

Nghiên cứu của DHL và McKinsey cho biết, với các cơ sở hạ tầng vận chuyển hàng hóa hiện có, tỷ lệ dân số thế giới có khả năng tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19 đảm bảo chất lượng ở mức khoảng 70%, với khoảng 5 tỷ người tại 60 quốc gia. Việc cung cấp vaccine tới nhiều vùng ở châu Phi sẽ gặp nhiều khó khăn do nhiệt độ ngoài trời cao và cơ sở hạ tầng bảo quản hạn chế.

(theo UNICEF, AeroTime)