Cựu Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo. (Nguồn: AFP) |
Giữa tháng 5 vừa qua, Tổng Giám đốc WTO Roberto Azevedo bất ngờ thông báo từ chức vì lý do cá nhân. Lý do từ nhiệm trước thời hạn được ông Azevedo đưa ra là nhằm tạo điều kiện cho các thành viên lựa chọn người kế nhiệm trong những tháng tới, mà không phải tìm cách kéo dài thời gian, để tổ chức này tập trung hơn cho công tác chuẩn bị Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 12, dự kiến diễn ra vào năm 2021.
Sự ra đi đột ngột
Ông Roberto Azevedo, 62 tuổi, vốn là một nhà ngoại giao Brazil, trở thành Tổng Giám đốc WTO vào tháng 9/2013. Nhiệm kỳ thứ hai của ông bắt đầu từ năm 2017 và sẽ kết thúc vào tháng 9/2021. Với cương vị người đứng đầu WTO, ông Roberto Azevedo giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế giữa các quốc gia.
Bởi vậy, việc ông đột ngột từ chức khiến nhiều người bất ngờ vì WTO sẽ mất đi một người ủng hộ thương mại tự do và hợp tác quốc tế. Giới quan sát nhận định, trong thời gian ngồi trên “ghế nóng” tại WTO, cựu quan chức ngoại giao người Brazil đã phải đối mặt với không ít khó khăn do sự thay đổi chính sách, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, cạnh tranh thương mại gay gắt hơn.
Ông Azevedo chính thức rời khỏi chiếc ghế Tổng Giám đốc từ ngày 31/8, trong bối cảnh cơ quan quản lý thương mại quốc tế này đang đứng trước rất nhiều khó khăn, không chỉ từ đại dịch Covid-19, mà còn từ cạnh tranh Mỹ-Trung, đang gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng.
Vị trí quan trọng
Tổng Giám đốc WTO là người đứng đầu tổ chức, chịu trách nhiệm giám sát, điều hành Ban thư ký WTO và quản lý bộ máy bao gồm khoảng 700 viên chức và nhân viên. Tổng Giám đốc WTO do Hội nghị Bộ trưởng bổ nhiệm với nhiệm kỳ bốn năm.
Ngoài vị trí điều hành, Tổng Giám đốc WTO còn đóng vai trò chính trị rất quan trọng trong hệ thống thương mại đa phương. Chính vì vậy, việc lựa chọn các ứng cử viên vào chức vụ này luôn là một cuộc chạy đua ác liệt giữa các nhân vật chính trị quan trọng, cấp Bộ trưởng, Phó Thủ tướng hoặc Tổng thống.
Tổng Giám đốc có vai trò chèo lái, là đại diện, tiếng nói của WTO tại các cuộc họp của các nhà lãnh đạo thế giới và ở một mức độ nào đó, định hướng cho sự phát triển tổ chức. Thực tế, WTO là tổ chức khá độc đáo, bởi vì 164 quốc gia thành viên đều có quyền phủ quyết. Vì vậy, vị trí Tổng Giám đốc nắm giữ rất ít quyền lực đối với các vấn đề liên quan đến chính sách.
Tuy nhiên, câu chuyện năm nay có thể khác. Trước những rắc rối sâu sắc tại WTO và nhu cầu của thế giới về một hệ thống thương mại hoạt động trơn tru hơn, trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu những cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra, WTO có thể cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn.
Các ứng cử viên “ghế nóng” WTO (hàng trên, từ trái sang): Amina Mohamed, Hamid Mamdouh, Yoo Myung-hee, Mohammed al-Tuwaijri; (hàng dưới, từ trái sang) Jesus Seade, Tudor Ulianovschi, Ngozi Okonjo-Iweala và Liam Fox. (Nguồn: AFP) |
Tám gương mặt sáng giá
Chính vì sự đặc thù của WTO, các ứng cử viên đang tranh cử vị trí Tổng Giám đốc cần phải là một người thực sự lọt được vào mắt xanh của tất cả 164 quốc gia.
Reuters dẫn lời phát ngôn viên WTO Keith Rockwell cho biết, vai trò Tổng Giám đốc WTO là một trong những công việc khó khăn và thách thức nhất.
“Nhà lãnh đạo WTO phải đương đầu với hàng loạt vấn đề thương mại nan giải. Tôi chắc chắn WTO sẽ có được một số ứng viên tiềm năng”, phát ngôn viên Keith Rockwell cho biết.
Còn ông Simon Evenett, Giáo sư về phát triển kinh tế và thương mại quốc tế tại Đại học St.Gallen (Thụy Sỹ) cho rằng tân Tổng Giám đốc của WTO phải là người có khả năng đoàn kết tất cả quốc gia thành viên.
Hiện tại, đang có tám ứng cứ viên tranh cử vào vị trí Tổng Giám đốc WTO đến từ Hàn Quốc, Anh, Mexico, Nigeria, Ai Cập, Moldova, Kenya và Saudi Arabia. Đó là:
Ứng cử viên Jesus Seade Kuri (người Mexico) là một nhà kinh tế học, làm việc cho Bộ Ngoại giao Mexico từ năm 2018. Ông Kuri được biết đến là nhà đàm phán chính đại diện Mexico trong đàm phán về Hiệp định Thương mại Mỹ, Mexico và Canada (USMCA).
Ứng cử viên Ngozi Okonjo-Iweala (người Nigeria) là một chuyên gia tài chính toàn cầu, từng làm Bộ trưởng Tài chính của Nigeria trong hai nhiệm kỳ. Bà Okonjo-Iweala đã được vinh danh là một trong số các nữ “chiến binh” chống tham nhũng, người truyền cảm hứng do Tổ chức Minh bạch Quốc tế bình chọn. Năm 2014, bà được Tạp chí Time vinh danh là một trong số 100 người có ảnh hưởng nhất trên thế giới.
Ứng cử viên Abdel-Hamid Mamdouh (người Ai Cập) là một nhà tư vấn từ năm 2017. Trước đó, ông cũng đã làm việc tại WTO với vai trò là Giám đốc bộ phận thương mại dịch vụ và đầu tư của WTO từ năm 2001-2017.
Ứng cử viên Tudor Ulianovschi (người Moldova) là Bộ trưởng Ngoại giao Moldova từ giữa năm 2018 đến 2019. Ông có hơn 15 năm kinh nghiệm là một nhà ngoại giao.
Ứng cử viên Yoo Myung-hee (người Hàn Quốc) là một nhà đàm phán kỳ cựu trong các cuộc đàm phán thương mại của Hàn Quốc. Bà Yoo được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc từ năm 2019. Bà từng đảm nhiệm vị trí Người phát ngôn của Văn phòng Tổng thống liên quan đến vấn đề nước ngoài, dưới thời chính quyền của Tổng thống Park Geun-hye.
Ứng cử viên Amina Mohamed (người Kenya) là Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Thương mại của Kenya từ năm 2013 đến 2018. Trong vai trò này, bà đã chủ trì hội nghị WTO năm 2015 ở Nairobi, trở thành người châu Phi đầu tiên chủ trì một diễn đàn cấp cao của WTO.
Ứng cử viên Mohammad Maziad Al-Tuwaijri (người Saudi Arabia) hiện là Bộ trưởng cố vấn cho Tòa án Hoàng gia về các vấn đề chiến lược kinh tế quốc tế và địa phương ở Saudi Arabia. Trước khi trở thành Bộ trưởng, ông đã làm việc trong ngành ngân hàng.
Ứng cử viên Liam Fox (Anh) từng là Ngoại trưởng Anh về thương mại quốc tế và hiện là nghị sỹ tại Quốc hội Anh. Ông đang đóng vai trò hỗ trợ, cập nhật và cải cách WTO.
Các chuyên gia đánh giá, cả tám ứng cử viên nói trên đều là những người dày dặn kinh nghiệm, không chỉ trong chính giới mà còn hiểu biết nhiều về thương mại toàn cầu.
The Korea Herald nhận định, hai ứng cử viên nữ sáng giá nhất đang nổi lên là bà Amina Mohamed và bà Ngozi Okonjo-Iweala. Nếu một trong hai ứng cử viên này chiến thắng thì WTO sẽ có nữ Tổng Giám đốc đầu tiên và cũng là nhà lãnh đạo đầu tiên từ “lục địa đen”.
Theo thông lệ của WTO, việc tìm kiếm nhà lãnh đạo mới được thực hiện qua các vòng bầu chọn nhằm loại bỏ dần các ứng cử viên. Trong vòng bầu chọn đầu tiên sẽ có ba người bị loại khỏi cuộc đua.
Tương tự như vậy, ở vòng bầu chọn thứ hai, trong số năm ứng cử viên còn lại cũng sẽ có ba người bị loại. Cuối cùng, đại diện các nước thành viên WTO sẽ lựa chọn nhà lãnh đạo mới của cơ quan này trong số hai ứng cử viên trụ vững sau hai vòng bầu chọn. Kết quả dự kiến sẽ được công bố chính thức vào đầu tháng 11 tới.
Cho dù chưa thể tiên đoán chắc chắn được ai sẽ tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc WTO nhưng bất kể ai ngồi vào “ghế nóng” của WTO tới đây cũng sẽ phải gánh vác trách nhiệm rất lớn để giúp tổ chức vượt qua khỏi những cơn khủng hoảng trước mắt và sau này.
Bắt đầu hoạt động vào ngày 1/1/1995, với mục tiêu thiết lập, duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch. WTO hiện có 164 quốc gia thành viên, có chức năng giám sát các hiệp định thương mại giữa các nước thành viên với nhau theo các quy tắc thương mại. Hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại. WTO được coi là trung gian hòa giải tranh chấp thương mại, đưa các nước ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết mâu thuẫn, thu hẹp bất đồng, qua đó thúc đẩy các chuẩn mực dựa trên quy tắc vì lợi ích chung. Sau 25 năm hoạt động, không thể phủ nhận là WTO đã đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên một sân chơi thương mại công bằng cho các nước thành viên. |
| Điều ít biết về ứng cử viên sáng giá của Hàn Quốc cho vị trí Tổng Giám đốc WTO TGVN. Bà Yoo Myung-hee (53 tuổi), nữ Bộ trưởng Thương mại đầu tiên của Hàn Quốc, đang là một trong những ứng cửa viên sáng ... |
| Cuộc đua ‘bát mã’ vào chiếc ‘ghế nóng’ của WTO TGVN. Ngày 31/8 tới, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Roberto Azevedo sẽ chính thức từ chức, sớm hơn một năm ... |
| Bình luận về việc cải tổ WTO, Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra 5 đề xuất TGVN. Trong bài bình luận trên Wall Street Journal về cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Đại diện Thương mại Mỹ Robert ... |