📞

Cuộc ra quân sống động của giới báo chí Việt Nam

13:00 | 17/03/2017
Hội Báo toàn quốc 2017 với chủ đề “Báo chí Việt Nam đồng hành cùng Đất nước đổi mới” diễn ra từ ngày 17-19/3 tại Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam. Nhân dịp này, Báo TG&VN có cuộc trò chuyện với nhà báo Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Thư ký Liên đoàn các nhà báo ASEAN, Trưởng Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2017.
Nhà báo Hồ Quang Lợi.

Trong lần thứ hai được tổ chức, đâu sẽ là những nét nổi bật để tạo nên dấu ấn của Hội Báo toàn quốc 2017, thưa ông?

Trước hết, cần phải nói rằng Hội báo Toàn quốc năm 2017 sẽ là ngày hội thực sự của giới báo chí và công chúng cả nước, trong đó nội dung chính thể hiện sự đóng góp của báo chí vào công cuộc đổi mới của đất nước sau 30 năm. Thứ hai, Hội Báo thể hiện sự lớn mạnh và sự phát triển vượt bậc của báo chí Việt Nam trong những năm vừa qua theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Hội báo lần này cũng là cơ hội để chúng ta biểu dương những thành tích nổi bật của giới báo chí, là dịp để tăng cường giao lưu, gặp gỡ giữa người làm báo với công chúng, nhằm khích lệ giới báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng tăng của nhân dân...

Hội Báo năm nay được tổ chức ở quy mô rộng lớn, có chiều sâu  về nội dung với sự có mặt của 900 cơ quan báo chí cả nước đến từ 63 tỉnh, thành và trung ương. Diện tích trưng bày Hội Báo năm nay được tăng lên gấp đôi sẽ giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về gương mặt của Báo chí Việt Nam ở thời điểm hiện tại, thể hiện được sự tích hợp về thông tin, xu hướng tòa soạn hội tụ và đa phương tiện – những xu hướng phát triển hiện nay của báo chí.

Ngoài ra, Hội Báo còn có nơi trưng bày công tác giảng dạy, đào tạo báo chí cùng một số sản phẩm, thiết bị công nghệ hiện đại. Bên cạnh rất nhiều hoạt động có ý nghĩa về chính trị, xã hội, nghề nghiệp, Hội Báo còn có triển lãm phố sách mi-ni tôn vinh văn hóa đọc, khu vực bán hàng Việt Nam chất lượng cao, khu ẩm thực, cũng như nhiều chương trình nghệ thuật do Nhà hát Tuổi trẻ và sinh viên các trường đào tạo báo chí biểu diễn…

“Sẽ có những hoạt động mang sắc thái mới” là điều mà Ban Tổ chức đã hứa hẹn tại Hội Báo năm nay?

Hội Báo năm nay thực sự là cuộc ra quân sống động của toàn bộ giới báo chí Việt Nam. Bên cạnh tính chất nghề nghiệp thì tính chất “hội” với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc sẽ được thể hiện rõ nhất. Có thể nhận thấy Triển lãm “Báo chí Việt Nam - Một thế kỷ đề tài nữ, tác giả nữ” – sự kiện mở đầu của Hội Báo được khai mạc từ ngày 6/3 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Diễn đàn với chủ đề “Đạo đức người làm báo trong kỷ nguyên số” tổ chức vào ngày 17/3 cũng được đông đảo báo giới, các trường đào tạo báo chí và công chúng đăng ký tham gia. Chúng tôi dự kiến tổ chức diễn đàn này theo dạng mở, để tất cả mọi người đến dự đều có thể tham gia đóng góp ý kiến.

Chúng tôi cũng đã chọn ba chủ đề là y tế, giáo dục và môi trường dành cho cuộc giao lưu “Báo chí truyền thông với các vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội”. Các hoạt động đáng chú ý khác là cuộc hội thảo về nhà báo Lưu Quý Kỳ - cây bút chính luận, nguyên Tổng Thư ký của Hội Nhà báo Việt Nam, hay cuộc tọa đàm về truyền hình trực tuyến trong kỷ nguyên mới... Với những nội dung hữu ích này, chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng là Hội Báo toàn quốc năm 2017 sẽ có sắc màu mới và thu được những kết quả tốt đẹp.

Nhà báo Hồ Quang Lợi (thứ hai từ phải) tại Hội Báo Xuân 2017.

Chủ đề chính của Hội Báo là “Báo chí Việt Nam đồng hành cùng Đất nước đổi mới”. Ông có nhận xét gì về sự đổi mới của báo chí những năm gần đây?

Có thể nói, Báo chí Việt Nam đã có sự phát triển hết sức mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, cho dù đang đứng trước những thử thách gay gắt trong kỷ nguyên số. Nếu chỉ theo lối mòn cũ thì chắc chắn báo chí sẽ lạc hậu và sẽ bị các phương tiện truyền thông như mạng xã hội lấn át. Vậy nên, báo chí đòi hỏi phải liên tục đổi mới, cũng như có những cách thức để kịp thích nghi với thời đại. Thực tế, nhiều cơ quan báo chí đã vượt khó và tìm thấy lối đi, vừa đảm bảo tính chuẩn mực nhưng vẫn đổi mới mạnh mẽ. Điều này, chứng tỏ Báo chí Việt Nam đang nỗ lực từng ngày.

Những mặt tiêu cực của báo chí gần đây có ảnh hưởng đến sự phát triển chung không, thưa ông?

Bên cạnh những thành tích rất nổi bật, thực tế Báo chí Việt Nam vẫn có nhiều hạn chế, thiếu sót. Đặc biệt, xu hướng thương mại hóa báo chí hiện nay chưa được khắc phục với những hiện tượng làm báo không đặt lợi ích Nhà nước, cộng đồng, xã hội lên trên, vẫn bị thao túng bởi những lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, thậm chí có trường hợp nhà báo vi phạm luật pháp và đạo đức nghề nghiệp. Một câu chuyện thường ngày khác mà chúng ta phải chứng kiến là những thông tin chụp giật, câu khách, bị dẫn dắt bởi mạng xã hội, thiếu kiểm chứng, không thực sự cần thiết cho xã hội...

Có lẽ, khi chúng ta có Luật Báo chí năm 2016 cùng với 10 điều quy định về đạo đức nghề nghiệp, thì mỗi cấp Hội phải quán triệt hơn nữa để những người làm báo nâng cao đạo đức nghề nghiệp về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình. Bởi, đạo đức báo chí chính là cái gốc của hoạt động và đời sống báo chí. Những cây bút không có đạo đức không thể góp phần xây đắp nên nền tảng đạo đức và tinh thần của xã hội. Chúng ta cần xây dựng một nền báo chí vừa mang tính chiến đấu mạnh mẽ, nhưng phải có tính nhân văn sâu sắc.

Một trong những chủ đề đi liền với công cuộc đổi mới đất nước hiện nay là hội nhập quốc tế sâu rộng. Ông có nhận xét gì về vai trò của báo chí đối ngoại trong tiến trình này?

Tôi cho rằng, hình ảnh Việt Nam đưa ra quốc tế cần phải đẹp, thể hiện được sức sống, sự năng động của một đất nước giàu truyền thống và sẵn sàng hội nhập, một đất nước đang đổi mới và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và là điểm đến thân thiện của bạn bè quốc tế. Vậy nên,  hình ảnh Việt Nam thể hiện qua báo chí cũng phải được xây dựng đầy tâm huyết và sáng tạo. Đây là lý do mà tại Hội Báo năm nay, Ban Tổ chức đã dành khu trưng bày tương xứng cho báo chí đối ngoại. Chúng tôi nhận thấy thông tin phục vụ cho công tác đối ngoại rất quan trọng, cần được nâng lên một trình độ mới và nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cơ quan báo chí và công chúng.

Theo ông, cần phải làm gì để thông tin đối ngoại trở nên hấp dẫn và thu hút công chúng nhiều hơn?

Những câu chuyện về các vấn đề nổi bật của đất nước, tình hình thế giới, hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa... chính là “mảnh đất màu mỡ” của báo chí đối ngoại. Tuy nhiên, làm báo đối ngoại đòi hỏi trình độ nghiệp vụ cao để có thể nói những vấn đề lớn và xa xôi nhưng lại gần gũi với người dân. Đó phải là những thông tin mà người dân quan tâm và giúp họ tiếp nhận một cách dễ hiểu nhất.

Xin cảm ơn ông!

(thực hiện)