Cảnh công nhân khai thác lưu huỳnh tại Kawah Ijen. |
Thị trấn yên bình
Nằm lọt thỏm trong miệng núi lửa khổng lồ và bao quanh bởi những vách đá gồ ghề của lớp trầm tích, Aogashima là một đảo núi lửa nhiệt đới của Nhật Bản, cách Thủ đô Tokyo khoảng 360 km về phía Nam. Còn nhớ, vụ phun trào trên hòn đảo Aogashima vào năm 1781 đã khiến 170 cư dân thiệt mạng. Nhưng chỉ 50 năm sau, người dân đã quay lại hòn đảo để tái định cư.
Dù nguy hiểm vẫn rình rập, nhưng hiện có hơn 200 người đang sinh sống trên hòn đảo núi lửa này. Họ cùng nhau xây dựng một thị trấn nhỏ bên trong những vách đá dựng đứng với khá đầy đủ mọi tiện nghi sinh hoạt. Đặc biệt, hơi nước được tạo bởi núi lửa cung cấp cho người dân nơi đây một hệ thống sưởi miễn phí, nước nóng và nhiệt lượng để nấu ăn. Những người dân trên đảo tự sản xuất nông nghiệp, đánh bắt cá và mở một số dịch vụ để phục vụ khách du lịch.
Theo Daily Mail, du khách có thể đến thăm phòng tắm hơi tự nhiên ở trung tâm hòn đảo. Nước nóng ở đây hoàn toàn được chạy bằng khí địa nhiệt từ núi lửa. Khoai tây hấp và trứng là một trong những đặc sản của hòn đảo này, khi chúng được nấu chín hoàn toàn bằng hơi nước nóng tự nhiên. Tuy nhiên, đảo Aogashima hầu như không thể tiếp cận bằng thuyền, du khách chỉ có thể sử dụng máy bay trực thăng để lên đảo.
Hấp dẫn và độc hại
Với phong cảnh đẹp như tranh thủy mặc, quần thể núi lửa nổi tiếng tên Kawah Ijen, nằm ở phía Đông đảo Java, Indonesia được hình thành cách đây 3.500 năm, trải dài 25km và cao tới 2.800m so với mực nước biển. Nếu nhìn từ trên cao xuống, người ta sẽ bị đánh lừa bởi vẻ đẹp gần như hoàn hảo với ngọn núi thơ mộng cùng hồ nước xanh ngọc bích lấp lánh giống như chốn bồng lai tiên cảnh.
Tuy nhiên, những ngọn núi lửa vẫn đang hoạt động và chờ phun trào. Hồ ở giữa miệng núi lửa này rộng khoảng 1km2 có nồng độ axit sunphuric cao nhất trên thế giới. Những làn khói trắng xóa bốc lên từ các hốc đá, mang theo vô số hóa chất độc hại.
Đây lại là nơi làm việc của hàng nghìn công nhân khai thác lưu huỳnh - những người cần phải kiếm sống do quá nghèo khổ trong suốt 40 năm qua.
Để khai thác lưu huỳnh, người ta xây dựng những ống dẫn khí lưu huỳnh nóng bốc hơi trong núi lửa, chạy qua nước lạnh để ngưng tụ. Khi đó, lưu huỳnh đóng thành cục có màu vàng và chờ được khai thác. Công nhân để chúng trong những chiếc giỏ họ tự chế và gánh tới nơi tập kết. Đáng nói là những ngọn núi lửa này vẫn đang hoạt động và nếu nham thạch phun trào, công nhân sẽ hoàn toàn biến mất.
Vì thương lái trả tiền lưu huỳnh khai thác được theo kg nên công nhân cố sức lao động dù chỉ kiếm được khoảng 5 - 8 USD cho một ngày làm việc. Mặt khác, họ phải mang lưu huỳnh khai thác được di chuyển trên những đoạn đường, con dốc hiểm trở, có những chỗ nghiêng tới 45 - 60 độ. Sau khi xuống núi, họ tiếp tục di chuyển quãng đường lên tới 4km tới nơi tập kết trong điều kiện thiếu thốn bảo hộ lao động.
Theo hãng tin Bloomberg, các nhà khoa học cũng đã cảnh báo tác hại dài lâu của khí độc hại nơi đây như gây kích ứng mắt, buồn nôn, khó thở cũng như một số bệnh về xương và răng. Tuổi thọ trung bình của công nhân làm việc trong những mỏ như thế này thường không quá 40 tuổi. Thậm chí, nếu nguồn nước từ hồ này ngấm và hòa vào dòng sông ở địa phương sẽ gây ra hậu quả khôn lường với toàn bộ cư dân địa phương. Trước đây nhiều phương án để hiện đại hóa khu mỏ được đưa ra nhưng các thợ khai khoáng đã biểu tình phản đối vì họ sợ sẽ mất nguồn thu nhập. Hãng tin BBC cho biết, trong 40 năm qua, hơn 70 thợ mỏ đã chết vì khí độc và hầu hết phổi của những người làm việc này đều bị ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, ngành du lịch phát triển tương đối mạnh mẽ ở Kawah Ijen. Giờ đây, thợ mỏ có thể kiếm thêm thu nhập bằng việc chế tác lưu huỳnh khô thành món quà độc đáo. Chính phủ đã cảnh báo về mức độ hoạt động của núi lửa, bắt buộc mọi người phải tránh xa tâm của miệng núi hơn 1.5km nhưng nhiều người vẫn làm việc ngay gần hồ nham thạch...
TRẦN HẢI YẾN