📞

Cựu Đại sứ Gokhale: Mỹ-Trung 'lên gân' và Ấn Độ không thể 'lớt phớt' với vấn đề Biển Đông

Hồng Phúc 21:00 | 18/06/2020
TGVN. Bài viết của cựu Bí thư Đối ngoại Ấn Độ Vijay Gokhale, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc trên báo Indian Express là một sự lý giải cho việc Ấn Độ không thể ở ngoài cuộc trong bối cảnh vấn đề Biển Đông đang trở nên nóng bỏng. 
Theo cựu Đại sứ Ấn Độ Vijay Gokhale, những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông không hề tử tế hay có ích đối với sự ổn định và hòa bình trong dài hạn. (Nguồn: Indian Express)

Trong bài bình luận gần đây đăng trên trang Foreign Affairs - một tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế của Mỹ, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nêu rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan mà quốc gia này, hay đúng hơn là toàn bộ các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đang phải đối mặt. Đó là khi 2 cường quốc thế giới là Mỹ - “cường quốc hiện diện thường trực” theo cách gọi của nhà lãnh đạo Singapore, và Trung Quốc – “thực tế ngay trước thềm nhà” – đang ở trong một giai đoạn chuyển đổi quan hệ căn bản.

Không ai còn nghĩ rằng Trung Quốc sẽ chấp nhận thế giới quan của Mỹ, và rằng Trung Quốc sẽ tự do trỗi dậy mà không gặp phải bất kỳ thách thức nào.

Sự hiện diện của hai thái cực

Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã phát triển thịnh vượng dưới sự thâu tóm của Mỹ suốt 40 năm qua không chỉ nhờ vào những khoản đầu tư lớn – khoảng 328,8 tỷ USD cho thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 107 tỷ USD tại Trung Quốc – mà còn bởi những bảo đảm an ninh mà nước này mang lại.

Theo cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vijay Gokhale, Bắc Kinh có thể thay thế Washington trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu trong thập kỷ vừa qua, song tất cả đều đi kèm cái giá của nó – sự lấn lướt của quyền lực từ Bắc Kinh.

Thực tế là sự hiện diện về mặt quân sự của Mỹ đã đem đến cho nhiều quốc gia cơ hội để thúc đẩy thịnh vượng kinh tế mà không cần phải gia tăng chi tiêu quốc phòng hay phải cân nhắc quá nhiều. Có thể nói rằng, ASEAN là nhóm nước được hưởng lợi nhiều nhất từ sự hiện diện của Mỹ.

Trong khi đó, sự hiện diện quân sự của Trung Quốc lại gây ra nhiều lo ngại nhất là sau khi nước này vào năm 2009 đã đơn phương công bố cái gọi là “Đường 9 đoạn” để khẳng định Biển Đông là vùng biển thuộc chủ quyền. Những hành động của Trung Quốc không hề tử tế hay có ích đối với sự ổn định và hòa bình trong dài hạn.

Trong bài viết của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang đứng trước những lựa chọn căn bản, và đó cũng là những gì mà các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đối mặt. Vai trò của Mỹ trong việc bảo đảm hòa bình và an ninh khu vực không phải là thứ được cho đi “miễn phí”.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp Covid-19 gây thiệt hại nặng nề đối với các nền kinh tế, Mỹ có thể sẽ phải cân nhắc các lựa chọn của mình. Trong thời đại hậu Covid-19, sẽ không còn chuyện các nước khu vực có thể tận hưởng cùng lúc những lợi ích từ việc duy trì mối quan hệ như thông thường với cả Mỹ và Trung Quốc.

Lựa chọn của ASEAN

Tuy nhiên, không thể cho rằng ASEAN sẽ ngay lập tức thay đổi lộ trình của mình khi đối mặt với cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng leo thang. Trung Quốc là cường quốc sẽ tiếp tục có được sự tôn trọng nhất định của ASEAN và nhiều nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là trong thế giới thời hậu Covid-19 khi nhu cầu phục hồi kinh tế trở nên mạnh mẽ.

Trong quý đầu năm 2020, ASEAN đã qua mặt Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc, trong khi quốc gia này đã là nhà đầu tư lớn thứ ba tại ASEAN (với tổng số vốn ước tính vào khoảng 150 tỷ USD).

"Những hành động của Trung Quốc không hề tử tế hay có ích đối với sự ổn định và hòa bình trong dài hạn". (Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Trung Quốc Vijay Gokhale)

Trên thực tế, các nước Đông Nam Á đã có nhiều kinh nghiệm tìm cách xoay xở trong cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường để vẫn có thể thúc đẩy các lợi ích riêng.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là ASEAN không lo ngại về những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, và rõ ràng khối này cần những lực lượng bên ngoài giúp kiểm soát tình hình.

Sự hiện diện mạnh mẽ về mặt quân sự của Mỹ là một trong những đảm bảo đó. Sự đồng thuận và ủng hộ của các nước duyên hải Biển Đông có thể tạo tiền đề để chính quyền Mỹ hợp pháp hóa sự hiện diện trong khu vực trước công dân Mỹ, những người đóng thuế để phục vụ các hoạt động này.

Các quốc gia có liên quan và lợi ích trong khu vực cần cùng nhau khích lệ một Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ theo đuổi các lợi ích chiến lược theo con đường hợp pháp, dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế tại Biển Đông.

Lựa chọn thực tế không phải là giữa Trung Quốc và Mỹ, theo ông Vijay Gokhale, mà chính là giữa việc đảm bảo các giá trị và lợi ích chung toàn cầu được dành cho tất cả các bên với một bên là “đầu hàng” và từ bỏ quyền được chọn lựa những đối tác trong tương lai.

Năm lý do của Ấn Độ

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Ấn Độ cho rằng bối cảnh Biển Đông sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với vấn đề an ninh và sự phát triển của khu vực, và nhất là Ấn Độ.

Trước hết, Biển Đông là một vùng biển quốc tế.

Thứ hai, đây là tuyến thông tin liên lạc và vận tải quan trọng suốt nhiều thế kỷ qua.

Thứ ba, Ấn Độ đã đi qua vùng biển này từ 1.500 năm trước, bởi vậy họ có bằng chứng lịch sử và khảo cổ về sự hiện diện của hoạt động giao thương trên tuyến đường từ Kedah (Malaysia) cho tới thành phố Tuyền Châu ở tình Phúc Kiến (Trung Quốc).

Thứ tư, khối lượng hàng hóa thương mại của Ấn Độ qua Biển Đông hàng năm ước tính lên tới 200 tỷ USD, trong khi hàng nghìn công dân Ấn Độ đang học tập, làm việc và đầu tư tại các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Thứ năm, Ấn Độ có lý do để thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực đồng điệu với các nước khu vực, và việc đảm bảo quyền tự do đi lại cũng như các hoạt động thông thường với những quốc gia thân thiện là điều có ý nghĩa đối với sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Nói một cách ngắn gọn, Biển Đông cũng là vấn đề của Ấn Độ, và Ấn Độ cần có những phản hồi trước sự kỳ vọng của ASEAN trong các vấn đề khu vực.

(theo Indian Express)