📞

Cựu nghị sĩ Australia trên hành trình xuyên Việt

09:13 | 20/12/2012
Được mệnh danh là "siêu marathon", nhưng vào tuổi 50, cùng với sự thay đổi thời tiết và vết thương cũ ở đầu gối tái phát, hành trình xuyên Việt với Pat Farmer không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông đang quyết tâm thực hiện ước vọng "Nối liền một dải Việt Nam".
Cựu nghị sỹ Australia Pat Farmer cùng các thành viên đoàn chạy trên hành trình xuyên Việt.

Pat Farmer từng là một thành viên của Quốc hội Liên bang Australia và Thư ký Quốc hội cho Bộ trưởng Giáo dục, Khoa học và Đào tạo Australia. Tuy nhiên, sau khi chứng kiến những cái chết của nhiều trẻ em do thiếu nước sạch ở Ấn Độ, Nepal, Ai Cập, Peru,… ông đã quyết định từ bỏ sự nghiệp chính trị để làm công việc mà lòng thấy nhiều trắc ẩn: Chạy bộ để kêu gọi quyên góp vì nước sạch. Để thực hiện ước mơ của mình, Pat Farmer đã phải bán ngôi nhà và chiếc xe hơi của mình để khởi động nguồn tài chính ban đầu.

Sở dĩ Pat Farmer được gọi là "siêu marathon" bởi từ đây, ông đã tham dự vô số giải siêu marathon quốc gia và quốc tế với mục đích từ thiện và đoạt nhiều kỷ lục như: Kỷ lục thế giới về chạy vùng nhiệt đới dài nhất: 6.307km trong 83 ngày vào năm 1999; Kỷ lục thế giới về chạy 10.000km trong 129 ngày năm 1999, Kỷ lục thế giới về chạy băng qua sa mạc Simpson trong 129 ngày năm 1996 và 1998... Ngoài ra, Pat Farmer còn là cá nhân đầu tiên chạy 24 giờ theo chiều thẳng đứng, trèo lên và xuống tháp AMP ở Sydney (Australia, tương đương chạy lên đỉnh Everest) vào năm 1998 và lặp lại vào năm 2006.

Trong hành trình mới mẻ này tại Việt Nam, ông có thêm một người bạn đồng hành Mai Nguyễn Đình Huy, một du học sinh Việt Nam tại Australia. Cũng vì quá ngưỡng mộ ông mà chàng trai này đã tìm được cách thuyết phục ông đến Việt Nam và thực hiện một cuộc chạy bộ xuyên Việt nhằm kêu gọi quyên góp cho các dự án nước sạch. Xuất phát từ ngày 9/12, tại Quảng Ninh, những ngày đầu tiên trên hành trình xuyên Việt, Pat Farmer đã khiến nhiều người ngạc nhiên với ý chí vượt lên bệnh tật và khả năng phục hồi nhanh chóng. Giữa lúc nghỉ ngơi giữa hành trình, ông vẫn ký tặng sách cho người hâm mộ và cố gắng chịu đau để chuyên gia trị liệu xoa bóp phần cơ bị mỏi nhức.

Ở thời điểm hiện tại, Pat Farmer đang tiến đến dải đất miền Trung đầy nắng gió. Bắt đầu ngày thứ 8 tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa và khi chạy đến phường Lam Sơn của thành phố Thanh Hóa, ông và Mai Nguyễn Đình Huy đã được 300 người chào đón tại khuôn viên tượng đài Lê Lợi. Tại đây, cựu nghị sĩ Australia có dịp nói lời cảm ơn đến những người dân Việt Nam đã giúp đỡ, động viên và đồng hành cùng ông suốt 8 ngày qua và nhắc lại lịch sử hào hùng của anh hùng dân tộc Lê Lợi. Tuy nhiên, với Pat Farmer, ngày thứ 9 có lẽ là ngày lãng mạn nhất, bởi đang lúc trưa nắng nóng, một người lính trung niên Nghệ An đã ra đường chào đón và tặng ông một bông hồng vàng rực rỡ.

Trong ngày thứ 10 này, những bước chân của Pat Farmer bắt đầu từ thành phố Vinh và tiến về địa phận tỉnh Hà Tĩnh với rất nhiều bất ngờ, thú vị đang chờ đón ông ở phía trước. Thật xúc động khi nghe Farmer nói rằng: "Mỗi người chúng ta có một món quà, một tài năng làm cho chúng ta khác biệt. Món quà của tôi là truyền cảm hứng cho một thế giới tốt đẹp hơn thông qua các bước chân của tôi".

AN BÌNH

"Nối liền một dải Việt Nam - Pole To Pole: Vietnam" (từ ngày 9/12/2012 - 20/1/2013) là chương trình đóng góp cho Hội Chữ thập Đỏ của Australia để tiếp tục dự án cải thiện điều kiện nước sạch cho người nghèo. Xuất phát từ cực Bắc ở Móng Cái (Quảng Ninh), Pat Farmer sẽ chạy xuyên qua 30 tỉnh thành Việt Nam, "cán đích" hơn 3.200 km để đến cực Nam tỉnh Cà Mau. Dự kiến mỗi ngày, ông chạy 80 - 85km chia làm 2 chặng trong 40 ngày liên tục. Bất kỳ ai muốn chạy đồng hành cùng Pat Farmer, dù chỉ 10 m, 100 m hay 1 km, đều có thể gửi thông tin đăng ký về email: poletopolevietnam@gmail.com. Mỗi bước chân của người tham gia sẽ làm cho ước mơ nước sạch của dân nghèo đến gần hiện thực hơn.