Cựu Tổng thống Donald Trump bác bỏ mọi cáo buộc tại phiên tòa tại Miami. (Nguồn: CNN Politics) |
Theo bản cáo trạng được công bố hôm 9/6, ông Trump bị cáo buộc 37 tội danh, trong đó có việc cố tình giữ lại các tài liệu có chứa bí mật nhạy cảm như chương trình hạt nhân, sau khi rời văn phòng. Ông còn bị cáo buộc cản trở cuộc điều tra vụ sai phạm này.
Đây có thể coi là “giây phút lịch sử” với nước Mỹ, khi lần đầu tiên một cựu tổng thống phải đối mặt với cáo buộc hình sự liên bang. Xét về tính chất, mức độ vụ việc lần này nghiêm trọng hơn nhiều so với trước. Tháng 3/2023, đại bồi thẩm đoàn Manhattan, New York, cũng từng cáo buộc ông Trump chi tiền “bịt miệng” ngôi sao khiêu dâm Daniels không tiết lộ chuyện có quan hệ với ông.
Tuy nhiên, dù nghiêm trọng nhưng vụ truy tố lần này có thể vẫn chưa đủ sức khép lại tương lai chính trị của ông Trump. Theo các chuyên gia pháp lý, việc ông Trump bị truy tố và thậm chí có thể bị kết tội vẫn chưa thể truất quyền tranh cử tổng thống cũng không thể buộc ông rời ghế tổng thống nếu đắc cử.
Kể cả khi vụ việc được đưa lên Thượng nghị viện, khả năng ông Trump bị kết tội cũng khó xảy ra. Cơ quan lập pháp tối cao này từng hai lần tổ chức luận tội ông Trump vào năm 2020 và 2021 với các tội danh lạm dụng quyền lực, cản trở quốc hội và kích động tấn công bạo loạn. Tuy nhiên, cả hai lần ông Trump đều được tuyên bố trắng án.
Không những thế, ông Trump còn rất khéo léo tạo dư luận rằng, ông đang bị phe Dân chủ truy bức chính trị để ngăn ông ra tranh cử. Xem ra, chiến thuật phản đòn này đã đem lại hiệu quả, khi số cử tri ủng hộ ông trong đảng Cộng hòa cũng như các khoản quyên góp đều tăng vọt.
Trên thương trường và trong chính trường, ông Trump từng nhiều lần đảo ngược tình thế. Lần này, lịch sử liệu có lặp lại?