Một siêu thị ở Hàn Quốc tuyên bố tẩy chay hàng hóa Nhật Bản. (Nguồn: AP) |
Quan hệ Nhật - Hàn có thể đang ở điểm thấp nhất kể từ khi quan hệ ngoại giao được thiết lập vào năm 1965. Các tranh chấp về lịch sử, lãnh thổ và hiện giờ là kinh tế đã liên tục làm hỏng quan hệ song phương.
Vì bất hòa trong quá khứ
Tình hình bắt đầu xấu đi nhanh chóng từ tháng 7, khi Bộ Thương mại Nhật Bản đưa ra các điều kiện cấp phép mới, cản trở việc xuất khẩu ba loại hóa chất quan trọng đối với Hàn Quốc, để sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như chất bán dẫn dùng cho màn hình hiển thị và điện thoại di động. Các quan chức Nhật Bản tuyên bố, hành động này là cần thiết để ngăn chặn các vật liệu nhạy cảm được vận chuyển trái phép tới Triều Tiên cho mục đích quân sự. Trong khi đó, ở phía bên kia, Hàn Quốc gọi đó là biện minh vô căn cứ, còn người tiêu dùng nước này đồng loạt tẩy chay hàng hóa Nhật Bản, từ bia đến quần áo.
Không dừng lại ở chất bán dẫn, tháng 8, Tokyo tiếp tục loại Hàn Quốc ra khỏi Danh sách trắng - các quốc gia được hưởng ưu đãi thương mại. Từ nay, các nhà xuất khẩu Nhật Bản bắt buộc phải nhận được sự chấp thuận của Chính phủ mỗi khi xuất khẩu một lô hàng các mặt hàng chiến lược - bao gồm 1.115 loại phụ tùng và nguyên liệu - sang Hàn Quốc.
Hàn Quốc sau đó đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc kiểm soát xuất khẩu của Nhật Bản, đồng thời trả đũa bằng việc loại bỏ Nhật Bản khỏi Danh sách trắng các đối tác thương mại đáng tin cậy.
Hậu quả kinh tế phát sinh từ cuộc tranh cãi đã rất rõ ràng. Căng thẳng gia tăng, cùng với những suy giảm kinh tế lớn đã khiến xuất khẩu của Hàn Quốc sang Nhật Bản trong tháng 8 giảm 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán xe hơi của Nhật Bản tại Hàn Quốc cũng đã giảm tới 57%, chủ yếu do phong trào tẩy chay hàng Nhật của người Hàn; số lượng du khách Hàn Quốc đến Nhật Bản giảm một nửa.
Cuộc tranh chấp vẫn đang khá căng thẳng, chẳng ai dám chắc bao giờ hai bên sẽ quyết định ngừng leo thang. Trong khi đó, nếu lệnh tịch thu tài sản Tập đoàn Công nghiệp nặng Mitsubishi của tòa án Hàn Quốc năm 2018 được thi hành vào năm tới, Nhật Bản rất có thể sẽ thực hiện các biện pháp trả đũa mới cứng rắn hơn. Nếu điều đó xảy ra, mối quan hệ Nhật - Hàn chắc chắn còn tồi tệ hơn nữa. Nó có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn, với ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với cả hai bên - Nhật Bản hay Hàn Quốc, vì một bên là thị trường xuất khẩu lớn thứ năm của Hàn Quốc, còn bên kia là thị trường lớn thứ ba của Nhật Bản, mà chắc chắn còn ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế toàn cầu. Và mối nguy lớn hơn chính là ‘trào lưu” sử dụng chính sách thương mại để giải quyết những tranh chấp ngoại giao.
Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là các nhà xuất khẩu lớn thứ tư và thứ năm thế giới. Đây cũng là những mắt xích quan trọng, đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Vào đúng thời điểm chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng trên toàn thế giới, trong đó tâm “bão” là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung kéo dài - và rủi ro địa chính trị gia tăng, một cuộc xung đột thương mại giữa Nhật Bản và Hàn Quốc là vấn đề tồi tệ tiếp theo tấn công trực diện vào nền kinh tế toàn cầu.
Nhật Bản và Hàn Quốc năm trong số các nước được hưởng lợi lớn nhất từ hệ thống thương mại đa phương sau Thế chiến II. Vì thế, cả hai đều không thể thoát khỏi lời chỉ trích vì đã làm tổn hại đến toàn bộ hệ thống. Như các nhà lãnh đạo G20 đã nhấn mạnh tại Osaka vào tháng 6, thương mại nên được miễn phí, công bằng và không phân biệt đối xử. Nhưng những lời chỉ trích từ bên ngoài khó có thể mang nhiều sức nặng như dư luận trong nước, mà dường như cả hai bên đều khăng khăng từ chối sự nhượng bộ.
Trên thực tế, bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc và lôi cuốn sự ngờ vực sâu sắc của công chúng đối với phía bên kia, cả Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đều đã có sự chuẩn bị kỹ càng cho một lập trường cứng rắn. Theo khảo sát mới nhất của Nikkei-TV Tokyo, 67% người Nhật ủng hộ Chính phủ kiểm soát xuất khẩu. Còn tại Hàn Quốc, các cuộc thăm dò gần đây đều cho thấy phần lớn công dân nước này đều đang tham gia vào cuộc tẩy chay.
Phải tự cứu mình trước
Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều là những đồng minh quan trọng của Mỹ. Tuy nhiên, hai nước này đã hành động giống như kẻ thù hơn là bạn bè của nhau.
Nhiều người cho rằng, cơ hội tốt nhất để thuyết phục Thủ tướng Abe và Tổng thống Moon thỏa hiệp nằm ở sự can thiệp của Mỹ. Nhưng chính quyền của Tổng thống Donald Trump cho đến nay vẫn có cách tiếp cận khá lúng túng trước những căng thẳng leo nhanh bất ngờ giữa hai nước đồng minh. Mỹ chưa muốn làm trung gian hòa giải, mà dường như chỉ đang đánh giá về lợi ích kinh tế của mình.
Hiện những vướng mắc trong quá khứ Nhật - Hàn được ví như thùng thuốc súng chỉ chờ mồi lửa ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khó lòng ra mặt dàn xếp hay phản đối việc các bên dùng đòn thương mại, vì chính ông cũng đang sử dụng chiến tranh thương mại làm vũ khí. Còn Trung Quốc đã không bỏ lỡ cơ hội từ sự rạn nứt giữa Nhật Bản và Hàn Quốc để mở rộng tầm ảnh hưởng, bao gồm cả vai trò một trung gian hòa giải thân thiện nhưng có những toan tính riêng.
Chưa bao giờ trở thành đối tác một cách dễ dàng, nhưng Nhật - Hàn không phải là những địch thủ, như vậy, thay vì bị lái theo chủ ý của một ai đó, Nhật Bản và Hàn Quốc cần phải nhận ra mối nguy hiểm từ sự căng thẳng của chính mình và tự kiềm chế. Dù có hay không có Mỹ, họ cần tìm cách phá vỡ bế tắc, trước khi nó vượt khỏi tầm kiểm soát.