Các nơron thần kinh cảm nhận từ trường giúp chim bồ câu xác định hướng và vị trí. Ảnh: BBC |
Theo nghiên cứu của nhà khoa học David Dickman ở ĐH Y Baylor (Mỹ) và đồng nghiệp, các nơron “GPS” cho thấy thông tin về từ trường được xử lý trong não chim như thế nào.
GS. Dickman và đồng nghiệp Le-Qing Wu tiến hành thử nghiệm, trong đó một số con chim bồ câu được đưa vào những nơi có hướng và cường độ từ trường khác nhau.
GS. Dickman tin rằng 53 nơron thần kinh điều khiển khả năng cảm nhận từ trường, vì thế họ đo các tín hiệu điện của từng nơron khi từ trường biến thiên.
Mỗi nơron trong nhóm này có phản ứng khác nhau với từ trường, giúp chim xác định vị trí ba chiều dọc theo phương bắc nam, chiều lên hoặc xuống. Khả năng này giúp chim xác định không chỉ hướng, mà cả vị trí tương đối.
Mỗi tế bào cũng tạo nên khả năng nhạy cảm với cường độ từ trường, và khả năng cảm nhận tối đa với cường độ trường của những con chim trong thử nghiệm tương đương với khả năng cảm nhận từ trường tự nhiên của trái đất.
Và giống như chiếc compa, các nơron có các phản ứng đối lập về các cực của từ trường khác nhau – giống như cực từ bắc và cực từ nam của một từ trường. Điều này khiến các nhà khoa học ngạc nhiên hơn cả.
Trước đây, một số giả thuyết cho rằng khả năng cảm nhận từ trường của chim bồ câu là do các tế bào của mũi, mỏ, hoặc cơ quan nội tạng nào đó của chúng chứa những mảnh kim loại nhỏ.
Tuy nhiên, gần đây các nhà nghiên cứu tìm ra rằng các tế bào compa trong mỏ chim bồ câu thực ra lại là một loại tế bào máu trắng.
Một giả thuyết khác cho rằng khả năng cảm nhận từ trường có thể nằm trong mắt chim. Theo thuyết này, khi tiếp xúc với ánh sáng, các phân tử cryptochrome có sự thay đổi rất nhanh trong cấu trúc phân tử với chiều dài phụ thuộc vào sự liên kết với từ trường.
Nghiên cứu gần đây đã bác bỏ các giả thuyết này, nhưng vẫn để ngỏ vấn đề chim bồ câu thực sự cảm nhận từ trường bằng cách nào.
Theo Đất Việt