Việt Nam trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7/3/2015. (Ảnh minh họa) |
Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào ngày 10/12/1984 theo Nghị quyết số 39/64 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 26/6/1987 sau khi được 20 quốc gia phê chuẩn. Ngày 28/11/2014, tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết số 83/2014/QH13 về việc phê chuẩn Công ước. Việt Nam hoàn tất các thủ tục và nộp văn kiện phê chuẩn cho Tổng thư ký Liên hợp quốc vào ngày 5/2/2015 và trở thành quốc gia thành viên thứ 158 của Công ước vào ngày 7/3/2015.
Khi trở thành thành viên của Công ước CAT, Việt Nam đã chủ động đưa ra các quy định xây dựng, hoàn thiện các quy định nhằm thực thi hiệu quả Công ước CAT. Đại tá PGS.TS. Trần Nguyên Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, cho biết: "Nhận thức vai trò, vị trí quan trọng của Công ước CAT, Việt Nam đã không ngừng cố gắng, nỗ lực triển khai tổng thể các biện pháp để thực hiện có hiệu quả Công ước tại Việt Nam và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao".
Theo ông Quân, một trong những kết quả được các quốc gia, các tổ chức quốc tế đánh giá cao là việc Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước chống tra tấn.
Chú trọng công tác tập huấn
Kể từ khi trở thành thành viên chính thức của Công ước CAT, Việt Nam đã tích cực tổ chức hàng chục hoạt động hợp tác với đối tác nước ngoài trong phổ biến, hướng dẫn kỹ năng giảng dạy và nội dung Công ước, góp phần tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, công chức, viên chức của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực thi Công ước chống tra tấn.
Đáng chú ý, Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan, Học viện Clingendael và các cơ quan liên quan tổ chức 10 Khóa tập huấn, mỗi khóa 2 lớp cho hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm công tác điều tra, thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự, các báo cáo viên pháp luật, các giảng viên trong trường Công an nhân dân với mục tiêu sau khi kết thúc các khóa tập huấn này, các cán bộ, chiến sĩ đó sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an nhân dân;
Bộ công an cũng phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Đại sứ quán Vương quốc Bỉ tổ chức các hội nghị, hội thảo tuyên truyền Công ước CAT trên các tỉnh thành khác nhau của Việt Nam như Phú Thọ, Lào Cai, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế.
Tuyên truyền nâng cao nhận thức
Việt Nam đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn. Ngày 12/01/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 65/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn.
Trên cơ sở Đề án tuyên truyền của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và 63 địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các đề án tuyên truyền; biên soạn, phát hành, đăng tải hàng chục cuốn sách, tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, phát thanh, truyền hình.
Trong đó, đáng chú ý, năm 2019, Bộ Công an phát hành cuốn sách với tựa đề “Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn” và cấp phát 10.000 cuốn cho các Bộ, ngành, địa phương; phối hợp phát sóng Phim tài liệu về thực hiện Công ước chống tra tấn ở Việt Nam trên kênh truyền hình quốc gia VTV1.
Lễ Tổng kết Chương trình hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Ngoại giao Hà Lan về Công ước chống tra tấn vào tháng 7/2022. (Nguồn: Bộ Công an) |
Năm 2020, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Cuộc thi video tuyên truyền Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn với 2530 tác phẩm dự thi và các hoạt động tuyên truyền thông qua sân khấu hóa.
Về phía địa phương, tỉnh Tây Ninh chủ động biên soạn tài liệu “Hỏi - đáp Công ước chống tra tấn và các văn bản pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn” và đăng tải lên Trang tin điện tử Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Tây Ninh, đồng thời tổ chức 2 cuộc thi viết tìm hiểu về Đề án tuyên truyền Công ước chống tra tấn của Thủ tướng Chính phủ với khoảng 3.000 lượt bài tham gia.
Với cam kết trở thành quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc nói chung và Công ước chống tra tấn nói riêng, vì mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, việc tham gia và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước chống tra tấn sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trong nước liên quan đến bảo vệ quyền con người, đồng thời nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ.
Việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn; chú trọng nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về quyền con người và chống tra tấn cũng khẳng định nỗ lực, quyết tâm và chính sách nhất quán, nhân văn của Nhà nước Việt Nam trong công tác bảo đảm quyền con người, quyền công dân, qua đó, góp phần nâng cao uy tín, hình ảnh của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế.
| Tòa án Hình sự quốc tế mở văn phòng tại quốc gia bị điều tra về tội ác chống lại loài người Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Venezuela trong việc mở cửa văn phòng đại diện tại ... |
| Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến các ưu tiên tuyên truyền về UNESCO Ngày 15/6 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến các ưu tiên tuyên truyền ... |
| Vấn đề Biển Đông: Mỹ-Ấn Độ thúc đẩy thượng tôn pháp luật và UNCLOS, Philippines nói 'đã nhìn thấy đường đi' cho COC Mỹ đang thúc đẩy vai trò của Ấn Độ trong vấn đề Biển Đông, kêu gọi tuân thủ luật pháp quốc tế để giải quyết ... |
| Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra công điện đề nghị khẩn trương thực hiện các biện pháp mạnh chống khai thác IUU Các địa phương cần bố trí đủ nguồn lực cho các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện nhiệm vụ chống khai thác ... |
| Sự phát triển của pháp luật Việt Nam trong phòng, chống mua bán người Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống mua bán người, đặc biệt là mua ... |