Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác Ngoại giao kinh tế giai đoạn 2016-2020. (Nguồn: UBND tỉnh Đà Nẵng) |
Đà Nẵng triển khai các đề án trên đã đem lại những kết quả tích cực về kinh tế đối ngoại cũng như cụ thể hóa các hoạt động hội nhập quốc tế về kinh tế, làm sâu sắc nội hàm kinh tế trong phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài, mở rộng và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các tổ chức, tập đoàn kinh tế, định chế tài chính lớn trong khu vực và trên thế giới, tham gia hiệu quả các diễn đàn quốc tế.
Với những nội dung cụ thể và giải pháp phù hợp, nhiều chương trình hợp tác đem lại lợi ích thiết thực cho thành phố như hợp tác với các địa phương Nhật Bản và Hàn Quốc, hợp tác với nhiều tổ chức, định chế tài chính lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), các quỹ đầu tư và các tập đoàn lớn trên thế giới.
Vị thế của thành phố được nâng cao với việc tham gia có hiệu quả nhiều diễn đàn quốc tế như Mạng lưới các chính quyền địa phương quản lý định cư con người (CityNet), Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN)...; Các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch được đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, mở rộng ở nhiều thị trường.
Đà Nẵng đã trở thành địa điểm giao lưu thương mại, quảng bá sản phẩm, là điểm đến đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, là điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Công tác vận động nguồn viện trợ phát triển chính thức (ODA), viện trợ phi chính phủ nước ngoài (NGO) và xúc tiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), việc kêu gọi và vận động kiều bào, nhà đầu tư nước ngoài hợp tác đầu tư, kinh doanh được đẩy mạnh và đem lại kết quả tích cực.
Đà Nẵng dần xây dựng được hình ảnh một thành phố phát triển năng động và thương hiệu là điểm đầu tư đáng tin cậy của các nhà đầu tư nước ngoài, điểm đến du lịch được yêu thích, thành phố của các sự kiện quốc tế mang sức lan tỏa lớn.
Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh tại “Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Tochigi: Cơ hội giao lưu địa phương, kết nối doanh nghiệp” (11/2021). (Nguồn: UBND tỉnh Đà Nẵng) |
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp với những thay đổi khó lường, Việt Nam và nhiều quốc gia đã lựa chọn sống chung với dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt để nỗ lực đạt được mục tiêu kép là kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội.
Để đạt được những mục tiêu đó, đồng thời thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đặc biệt Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Đề án tổng thể công tác Ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, là một trong những đề án quan trọng nhằm nâng cao vai trò và chất lượng của hoạt động đối ngoại nói chung, ngoại giao kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng tại Đà Nẵng trong thời gian tới.
Đề án ngoại giao kinh tế giai đoạn mới đã đưa ra các mục tiêu đổi mới phương hướng và cách thức tiếp cận các đối tác quốc tế có tầm ảnh hưởng lớn; khảo sát thị trường mới; tăng mức độ hiệu quả và giá trị thực tiễn của các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư tại thị trường nước ngoài; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thành phố nhằm tạo sự bứt phá mạnh mẽ trong thương mại quốc tế, chủ động, tích cực đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, du lịch, nhất là tham gia các hội chợ triển lãm ở nước ngoài; nâng cao nguồn nhân lực cho hoạt động kinh tế đối ngoại... Bên cạnh đó, Đề án đưa ra những cách thức hoạt động ngoại giao kinh tế mới phù hợp với tình hình đại dịch Covid-19.
Đề án bao gồm bảy nhóm nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tranh thủ nguồn lực và lợi thế của ngoại giao để góp phần thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng và phát triển bền vững của thành phố, cụ thể: Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, tổng hợp thông tin, định hướng chiến lược cho hội nhập quốc tế và ngoại giao kinh tế của thành phố; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương và đa phương; Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động quảng bá xúc tiến đầu tư, thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp công nghệ cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục, y tế, môi trường.
Tích cực vận động nguồn vốn ODA, viện trợ NGO và xúc tiến đầu tư theo hình thức (PPP); Vận động người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Đà Nẵng đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao, mạng lưới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các bộ ngành trung ương, mạng lưới cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong công tác ngoại giao kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao kinh tế.
Chiến lược phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 xác định “Xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái, đô thị sáng tạo, đô thị đáng sống hướng tới mục tiêu phát triển bền vững”; trong đó vận dụng hội nhập quốc tế, liên kết và hội tụ nguồn lực của vùng, trong nước và quốc tế, góp phần trở thành “một trung tâm kinh tế - xã hội lớn của Việt Nam và Đông Nam Á với vai trò trung tâm về du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo”.
Để đạt được mục tiêu đó, Đà Nẵng tập trung: Xúc tiến đầu tư nước ngoài cho dự án trọng điểm; Phát triển các ngành mũi nhọn gồm: du lịch chất lượng cao, logistics, kinh tế biển, tài chính - ngân hàng, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, xây dựng thành phố thông minh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Phát triển nguồn nhân lực, phát triển văn hóa và xã hội; Bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tình hình quốc tế và khu vực đang tiếp tục chuyển biến nhanh, phức tạp và khó lường với những biến động mạnh mẽ. Đất nước chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới và thời kỳ mới của hội nhập quốc tế.
Thành phố Đà Nẵng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng, Đề án tổng thể công tác ngoại giao kinh tế thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 sẽ là cơ sở triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tại địa phương, phát huy vai trò mở đường, kết hợp ngoại giao kinh tế với ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa nhằm khai thông, mở rộng và đưa quan hệ hợp tác của thành phố với các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu, đi tiên phong trong việc khai thác các thị trường mới, trọng điểm trong khu vực và trên thế giới, thu hút được nhiều nguồn lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.