Ngày 15/3, Festival Phở 2024 chính thức khai mạc tại tỉnh Nam Định - địa phương được cho là "cái nôi" của món phở, nhằm tôn vinh, bảo tồn một nghề lâu đời, giàu giá trị văn hóa của người Việt, hướng tới xây dựng hồ sơ, đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể thế giới. (Ảnh: Tuấn Việt)
Festival Phở 2024 được tổ chức nhằm tôn vinh văn hóa ẩm thực phở, đồng thời là cơ hội giúp du khách Việt Nam và quốc tế được tìm hiểu, thưởng thức hương vị phở gắn liền với văn hóa các vùng miền trên cả nước; góp phần quảng bá món phở vươn xa hơn nữa trên bản đồ tinh hoa ẩm thực thế giới. Trong ảnh: Món phở sườn cây độc đáo. (Ảnh: Tuấn Việt)
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc và bà Vũ Thị Bích Ngọc, Phu nhân Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch danh dự Nhóm phụ nữ cộng đồng ASEAN tham quan gian hàng tại Festival Phở 2024. (Ảnh: Tuấn Việt)
Khó có món ăn nào có được không gian ẩm thực rộng lớn như phở. Thực khách có thể dùng như một món ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn đêm. (Ảnh: Diệu Linh)
Dù đi qua mỗi vùng miền lại có một chút thay đổi để phù hợp với khẩu vị địa phương nhưng món phở vẫn có nét chung về nguyên liệu và cách chế biến. Gia vị cơ bản trong nồi nước dùng của phở là hành, quế, hồi, thảo quả, gừng. Phở được bán suốt ngày đêm, là một món ăn quen thuộc của người dân địa phương, trở thành đặc sản ẩm thực đối với du khách. (Ảnh: Diệu Linh)
Điểm nhấn tại Lễ khai mạc Festival Phở 2024 chính là hoạt động của 20 nghệ nhân và 30 người phụ giúp cùng tạo nồi phở khổng lồ thơm ngon, đậm vị, phục vụ khoảng 2.000 bát phở. Theo Ban tổ chức, các đầu bếp mất hàng tuần để chuẩn bị nguyên liệu và hầm 12 tiếng để có nồi nước dùng thơm ngon, đậm đà. (Ảnh: Diệu Linh)
Nồi nước dùng 300 lít được ninh từ xương và bột gia vị với nguyên liệu ước chừng gồm 40kg thịt bò tái, chín; 20kg rau, ớt ăn kèm, và các gia vị mang đậm hương vị Việt như: nước mắm, muối, thảo mộc như quế khô, thảo quả, hoa hồi, đinh hương, hạt mùi… (Ảnh: Diệu Linh)
Thôn Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, được xem là “cái nôi” của nghề phở. Nơi đây, có nghề làm bánh phở tươi truyền thống. (Ảnh: Diệu Linh)
Xưa kia, những bát phở theo chân người bán hàng gánh qua các con ngõ nhỏ ở Nam Định, rồi được lan toả sang các địa phương lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam... (Ảnh: Diệu Linh)
Festival cũng quy tụ 50 gian hàng của các doanh nghiệp thương hiệu tham gia quảng diễn, quảng bá hình ảnh và thương hiệu phở Việt đến từ mọi vùng miền trên cả nước như: Phở Thìn, phở ngô Hà Giang, phở chua Lạng Sơn, phở Atiso Đà Lạt, phở Lâm Đồng, phở sắn Quảng Nam, phở bột chuối xanh, phở Gia Lai... Trong ảnh: Món phở Atiso nổi tiếng ở Đà Lạt. (Ảnh: Diệu Linh)
Đầu bếp tráng bánh phở gấc, sự kết hợp giữa ẩm thực truyền thống và những tinh chất quý của trái gấc để tạo ra một sản phẩm tốt cho sức khỏe ở mọi lứa tuổi. (Ảnh: Diệu Linh)
Đặc sản phở sắn Quế Sơn, Quảng Nam. Sợi phở được làm từ bột khoai mì (sắn), kết hợp nguyên liệu gần giống mì Quảng và nước hầm xương, tạo nên hương vị đặc trưng. (Ảnh: Diệu Linh)
Phở ngô là món ăn độc đáo, đậm tính sáng tạo của người dân vùng cao nguyên đá Hà Giang với sợi phở có màu vàng óng đặc trưng. (Ảnh: Diệu Linh)
Những thành phần tạo nên bát phở thơm ngon. (Ảnh: Diệu Linh)
Gian hàng phở 5.000 đồng nổi tiếng tại Nam ĐỊnh của đầu bếp Nguyễn Thị Chung. Cửa hàng của chị có tuổi đời hơn 19 năm, nổi tiếng với những tô phở 5.000 đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên và những người có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Diệu Linh)
Tô phở 5.000 đồng gồm thịt gà xé sợi và mọc. (Ảnh: Diệu Linh)
Ngoài ra, chị còn sáng tạo khi cho chả xương sông vào món phở. (Ảnh: Diệu Linh)
Gian hàng phở Huế với nồi nước dùng thơm ngon. Các thành phần cho vào phở gần giống với bún bò Huế như chả cua, thịt bò... (Ảnh: Diệu Linh)
Món phở Huế với nồi nước dùng đậm đà, ngọt dịu từ xương hầm. (Ảnh: Diệu Linh)
Nghệ nhân Trần Thị Hồng Loan bên gian hàng phở bột chuối xanh. Bà chia sẻ, tại nơi bà sinh sống, người dân trồng chuối rất nhiều mà không có nơi tiêu thụ. Năm 2021, với mong muốn giúp người nông dân tiêu thụ chuối, vừa muốn tạo ra món ăn dinh dưỡng, bà đã nghĩ đến làm sợi phở từ bột chuối xanh và gạo. (Ảnh: Diệu Linh)
Các nguyên liệu nấu nước dùng cho món phở sâm ngọc linh nổi tiếng ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Diệu Linh)
Các đầu bếp tất bật phục vụ thực khách. Xuyên suốt trong 3 ngày diễn ra Festival Phở 2024, Ban tổ chức sẽ phát hành 15.000-20.000 coupon ưu đãi (mỗi coupon có giá trị 15.000 đồng) để thực khách thưởng thức phở tại các gian hàng tùy chọn. (Ảnh: Diệu Linh)
Những bát phở tươi ngon, nóng hổi mang các hương vị đặc trưng của các vùng miền trên tổ quốc được chế biến trực tiếp và phục vụ khách hàng tại Festival Phở 2024. (Ảnh: Diệu Linh)
Thực khách thưởng thức các bát phở thơm ngon trực tiếp tại sự kiện. (Ảnh: Diệu Linh)
"TikToker" nổi tiếng Will Courageux, người đam mê món phở Việt cũng đến Festival Phở 2024 để thưởng thức món ăn yêu thích. (Ảnh: Tuấn Việt)
Festival Phở 2024 cũng là nơi giới thiệu các mặt hàng gia vị truyền thống. Trong 3 ngày diễn ra sự kiện, Festival Phở năm 2024 tổ chức rất nhiều hoạt động thúc đẩy quảng bá văn hóa phở như: Chương trình “Đi tìm hương vị phở Việt” quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp, thương hiệu tham gia trình diễn, thúc đẩy quảng bá hình ảnh và thương hiệu; Tọa đàm “Con đường Phở Việt và sợi Phở”; 2 hoạt động quảng diễn hấp dẫn du khách với chủ đề “Tinh hoa Phở Việt”: quảng diễn “Hương vị phở Việt”, quảng diễn “Sợi phở Việt”; đêm nhạc trẻ “Phở trong tôi”… (Ảnh: Diệu Linh)