Đại biện lâm thời là người tạm thời đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao khi chức vị người đứng đầu Cơ quan đại diện ngoại giao bị khuyết hoặc người đứng đầu Cơ quan đại diện không thể thực hiện chức năng của mình. Đại biện lâm thời thay mặt quốc gia chứ không phải chỉ thay mặt Đại sứ quán.
Đại biện lâm thời được cử là một cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, thông thường là người có chức vị ngoại giao kế tiếp ngay sau người đứng đầu Cơ quan đại diện được người đứng đầu Cơ quan đại diện giới thiệu và thông báo chính thức cho Bộ Ngoại giao và Đoàn Ngoại giao ở nước sở tại biết. Ngày thông báo đó được lấy làm cơ sở để xếp thứ tự lễ tân giữa các Đại biện lâm thời.
Trường hợp Đại sứ - người đứng đầu Cơ quan đại diện chưa trở lại nhiệm sở được mà Đại biện lâm thời vì lý do nào đấy không thực hiện chức năng nhiệm vụ, cần phải cử một Đại biện lâm thời khác thì Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Bộ Ngoại giao nước cử phải gửi công hàm hoặc điện cho Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Bộ Ngoại giao nước tiếp nhận giới thiệu Đại biện lâm thời khác.
Trong thực tiễn ngoại giao, một số nước không công nhận Đại biện lâm thời cũ giới thiệu Đại biện lâm thời mới hoặc Đại sứ quán gửi công hàm giới thiệu Đại biện lâm thời khác.
Trường hợp không có một cán bộ ngoại giao nào của Cơ quan đại diện có mặt tại nước tiếp nhận, một nhân viên hành chính kỹ thuật có thể được chỉ định điều hành công việc hành chính hàng ngày của Cơ quan đại diện và người này không được coi là Đại biện lâm thời. Về nguyên tắc, việc cử nhân viên này cũng cần có sự đồng ý của nước tiếp nhận.
Với mục đích tiết kiệm, ở một số nước cử Đại sứ lưu động. Vị Đại sứ này thường trú ở nước mình, theo định kỳ sẽ đến các nước kiêm nhiệm với cuộc viếng thăm ngắn ngày.
Đại sứ lưu động thực tế đã tạo điều kiện cho các quốc gia mở rộng các quan hệ đối ngoại của mình trong hoàn cảnh có khó khăn về tài chính và cán bộ nên không thể đặt Cơ quan đại diện thường trú tại nhiều nước.