Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt. |
Tập trung trí tuệ và nguồn lực con người
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ
Yếu tố quyết định thành công của một quốc gia trong cuộc đua phát triển không phải là công nghệ mà chính là trí tuệ và nguồn lực con người.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng, cơ chế, chính sách đối với kiều bào ta ở nước ngoài tại nhiều văn bản quan trọng.
Các văn bản này đều khẳng định cộng đồng NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam; chủ trương thu hút nguồn lực NVNONN dựa trên tiềm năng, năng lực, tính khả thi của nguồn lực, đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của đất nước; xây dựng cơ chế, chính sách ghi nhận và vinh danh đối với những đóng góp của kiều bào, hỗ trợ kinh phí và tạo thuận lợi.
Với nhiều nhiệm vụ quan trọng phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn đội ngũ trí thức, chuyên gia NVNONNN sẽ tích cực tham gia đóng góp vào các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới.
Với quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách đột phá nhằm tạo dựng môi trường thuận lợi, cùng sự chung tay và đóng góp của đội ngũ trí thức, chuyên gia người Việt Nam trên toàn thế giới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chắc chắn sẽ trở thành động lực thúc đẩy hoàn thành công nghiệp hóa và hiện đại.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Việt Nam đang có cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, kiều bào Philippines, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương
Tôi thực sự đánh giá rất cao những nỗ lực của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về NVNONN thời gian qua với việc tổ chức rất nhiều hoạt động chất lượng và thiết thực, ngày càng gắn kết chặt chẽ kiều bào với đất nước.
Là một kiều bào, tôi tự hào được góp phần trong những thành tựu đó.
Ngay từ những năm tháng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất, tôi đã trở về quê hương với sứ mệnh là mở đường bay TP. Hồ Chí Minh - Manila, góp phần vào việc phá vỡ thế bao vây cấm vận đối với Việt Nam.
Sau đó, tôi đã gom góp tài sản cũng như kêu gọi bạn bè trở về đầu tư tại quê hương và từ đó tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong suốt hành trình phát triển và hội nhập quốc tế.
Trải qua nhiều năm đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay đang là cơ hội tốt nhất cho kiều bào trở về làm ăn tại Việt Nam.
Thời gian qua, với tầm nhìn chiến lược, Chính phủ đã không ngừng hoàn thiện và ban hành các chính sách mới, đặc biệt là trong lĩnh vực đầu tư, kinh tế, giáo dục và khoa học công nghệ.
Nhờ đó môi trường đầu tư được cải thiện rõ rệt, tạo các cơ chế thuận lợi, không chỉ thu hút nguồn vốn mà còn là sự trở về của tri thức, kinh nghiệm và tinh thần sáng tạo từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Về thu hút nhân tài, thế hệ trẻ là nguồn lực tiềm năng lớn cho đất nước. Chính phủ nên có chiến lược thu hút sinh viên, thanh niên Việt kiều về thực tập, khởi nghiệp, tham gia các dự án cộng đồng tại Việt Nam để giúp họ gắn kết với nguồn cội và mang đến những sáng kiến mới, góp phần phát triển đất nước.
Một điều rất đáng mừng là thời gian gần đây tôi nhận thấy có rất nhiều các bạn trẻ từ nước ngoài trở về Việt Nam lập nghiệp, trong đó có cả các bạn sinh ra ở nước ngoài. Điều này chứng tỏ có một sự dịch chuyển không nhỏ của tri thức từ nước ngoài về Việt Nam, đặc biệt là ở các nước có nền công nghệ và kinh tế phát triển.
Bởi vậy, đề nghị Chính phủ tạo điều kiện hơn nữa để các bạn trẻ kiều bào được thuận lợi trong việc xin quốc tịch Việt Nam mà vẫn giữ quốc tịch nước ngoài, làm căn cước… để có thể ổn định cuộc sống lâu dài ở Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu. |
Phát huy thế mạnh nguồn nhân lực
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu
Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản là cộng đồng trẻ, tham gia tích cực vào nhiều lĩnh vực đời sống, kinh tế - xã hội Nhật Bản trong bối cảnh xã hội già hóa, tỷ lệ sinh thấp, thiếu lao động trầm trọng.
Thủ tướng Kishida Fumio đã khẳng định “nguồn nhân lực Việt Nam là sự hiện diện không thể thiếu trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhật Bản".
Đại sứ quán luôn xác định cộng đồng người Việt tại Nhật Bản là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước; quan tâm hỗ trợ, thúc đẩy cộng đồng giao lưu, hợp tác với sở tại và hướng về phát triển quê hương đất nước.
Thời gian tới, Nhật Bản sẽ tiếp tục chính sách mở cửa, tạo thuận lợi cho tiếp nhận nguồn nhân lực nước ngoài với việc thông qua Luật mới về tiếp nhận lao động nước ngoài (6/2024).
Dự kiến, Nhật Bản sẽ thiếu hụt hàng triệu lao động vào năm 2030, trong đó có các ngành công thệ, kỹ thuật cao như Công nghệ thông tin (IT), Trí tuệ nhân tạo (AI), Bán dẫn... Nhân lực Việt Nam được phía Nhật Bản đánh giá cao, mong muốn tiếp tục tiếp nhận.
Đại sứ quán sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hai nước, tiếp tục tích cực triển khai các hoạt động linh hoạt, đa dạng nhằm phát huy sức sáng tạo của cộng đồng Việt Nam ở Nhật Bản, qua thúc đẩy giao lưu hợp tác sở tại và hướng về phát triển quê hương đất nước, xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết, vững mạnh, giúp đỡ lẫn nhau.
Việt Nam nên đầu tư vào trí tuệ nhân tạo
TS. Lê Viết Quốc, nhà nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Tập đoàn Google
Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của đất nước chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.
Tôi vui mừng chia sẻ rằng trong chuyến về nước lần này, Google đã quyết định đầu tư vào Đại học Fulbright, đặc biệt là trong chương trình giáo dục trí tuệ nhân tạo. Tôi tin rằng sự đầu tư này sẽ đặt nền tảng vững chắc cho sự đổi mới giáo dục trong lĩnh vực này tại Việt Nam.
Sau khi đã đầu tư vào con người, chúng ta cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ.
Tiếp đó, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Trong thế kỷ XXI, đây sẽ là công cụ quan trọng, và ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau.
Tin vui là hiện nay, nhiều phần mềm trí tuệ nhân tạo đang được cung cấp dưới dạng mã nguồn mở, mở ra cơ hội rất lớn cho các ứng dụng trong tương lai gần. Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng AI trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông, và nhiều lĩnh vực khác.
Tôi đề xuất Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh. |
Cần tăng cường hỗ trợ cho khoa học
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Đại học UCL, Vương quốc Anh, chuyên gia hóa học-vật liệu nano.
Ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn, chính phủ các quốc gia cần duy trì đầu tư vào cơ sở khoa học của mình để đảm bảo sự thịnh vượng kinh tế, khai thác các nguồn đổi mới và tăng trưởng mới cũng như duy trì các kết nối quan trọng trong bối cảnh nghiên cứu toàn câu.
Đầu tư bền vững sẽ xây dựng năng lực của một quốc gia trong việc tiếp thu khoa học xuất sắc, dù nó được tiến hành ở bất kỳ đâu, vì lợi ích của quốc gia đó.
Các hoạt động và hợp tác quốc tế cần được lồng ghép vào các chiến lược khoa học và đổi mới quốc gia để nền tảng khoa học trong nước được hưởng lợi tốt nhất từ đòn bẩy trí tuệ và tài chính của quan hệ đối tác quốc tế.
Cam kết đối với các nỗ lực nghiên cứu đa quốc gia và cơ sở hạ tầng không nên được coi là mục tiêu dễ dàng để cắt giảm trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.
Việc cắt giảm đăng ký tham gia các nỗ lực nghiên cứu chung mà không có sự thẩm định và đánh giá xác đáng là một nên kinh tế sai lầm. Bằng cách từ bỏ những nỗ lực này, các quốc gia có nguy cơ bị cô lập nên khoa học quốc gia và mất đi sự phù hợp, chất lượng và tác động.
Hiện tại, tình hình hợp tác quốc tế về khoa học của Việt Nam vẫn ở mức độ thấp so với những nước phát triển như Mỹ, Vương Quốc Anh, Nhật, Đức, Pháp ... nên cần được tăng cường hơn nữa.
Viện Hàn lâm Trẻ Việt Nam có thể hỗ trợ tổ chức các triển lãm khoa học cho công chúng và học sinh với sự tài trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mong muốn có thêm cơ hội đóng góp
GS. Nghiêm Đức Long, Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Australia, Giám đốc Trung tâm Môi trường nước, Đại học Sydney
Sự ra đời của Hội Trí thức Việt Nam tại Australia (VASEA) đánh dấu mốc quan trọng trong quá trình hòa nhập và phát triển của cộng đồng người Việt nói chung và cộng đồng trí thức, chuyên gia người Việt nói riêng ở Australia. VASEA và cộng đồng người Việt tại Australia luôn có mong muốn được đóng góp cho cả Australia và quê hương Việt Nam.
Với hơn 500 thành viên trên tất cả các bang và vùng lãnh thổ tại Australia, chúng tôi mong muốn có thêm cơ hội đóng góp: tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ và hợp tác với các tổ chức tại Việt Nam.
VASEA sẽ dùng nguồn lực trí thức và mạng lưới chuyên gia của mình để đồng hành cùng đồng nghiệp tại Việt Nam nghiên cứu ứng dụng, giải quyết các vấn đề mới phát sinh và cấp bách cho Việt Nam.
VASEA sẵn sàng làm cầu nối để sinh viên nghiên cứu Tiến sĩ từ Việt Nam tìm được Giáo sư hướng dẫn phù hợp nhất. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ đưa các mở các khóa học ngắn hạn và bài giảng về Việt Nam, tập trung vào các vấn đề còn mới mẻ.
Ông Hoàng Đình Thắng. |
Tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu
Cộng đồng NVNONN dù ở đâu vẫn luôn mang trong mình tình cảm sâu nặng với quê hương, đất nước. Chúng tôi tin tưởng, phấn khởi và tự hào trước sự phát triển và vị thế ngày càng tăng của đất nước.
Với tinh thần chia ngọt sẻ bùi, cùng gánh vác với nhân dân trong nước, chúng tôi mong muốn được đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước.
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 20 năm ra đời và triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với với NVNONN. Có thể nói, Nghị quyết này đã tạo ra bước ngoặt lớn trong công tác NVNONN và đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cộng đồng NVNONN trên toàn thế giới, góp phần phát huy mạnh mẽ nguồn lực kiều bào cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước.
Chúng tôi rất mong muốn Đảng và Nhà nước tiếp tục dành sự quan tâm sâu sắc tới cộng đồng NVNONN và tiếp tục chú trọng công tác về NVNONN thông qua việc tăng cường các nguồn lực tương xứng để triển khai công tác này.
Cụ thể như củng cố bộ máy làm công tác về NVNONN là Ủy ban Nhà nước về NVNONN, tăng cường nguồn nhân lực và tài chính cho các cơ quan làm công tác NVNONN tại địa phương, bộ ban ngành và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.