Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội. (Ảnh: NVCC) |
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khẩn trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64 về quyên góp, hỗ trợ. Theo ông, chỉ đạo này sẽ có hiệu ứng tích cực ra sao, tác động thế nào trong việc lan tỏa những hành động thiện nguyện?
Rất may, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo để sửa đổi Nghị định 64. Chúng ta chờ đợi các cơ quan có thẩm quyền sẽ tạo ra một cơ chế thông thoáng để bảo đảm cho việc huy động một cách khẩn trương nhất, nhanh chóng nhất, kịp thời nhất.
Đồng thời, làm sao để chuyển tiền, hàng hóa, vật chất cứu trợ và kể cả các cá nhân, tổ chức đứng ra quyên góp, giúp đỡ đồng bào một cách hiệu quả và tránh vi phạm pháp luật. Đây là yêu cầu quan trọng nhất và mục tiêu của Nghị định 64 là để huy động được khoản cứu trợ chứ không phải phòng chống vi phạm pháp luật.
Tôi nghĩ, đây là chỉ đạo rất tích cực và kịp thời. Tôi rất hoan nghênh những chỉ đạo kịp thời của Thủ Tướng Chính phủ đối với vấn đề này, bởi Nghị định 64 là một văn bản đã được ra đời từ năm 2008, đến bây giờ có thể nói nó quá lỗi thời rồi. Xã hội đã phát triển, nếu chúng ta không có sửa đổi kịp thời, phù hợp có thể dẫn đến những ách tắc, sai sót không đáng có.
Vậy quan điểm của ông như thế nào về câu chuyện ca sĩ Thủy Tiên đứng ra quyên góp ủng hộ người dân miền Trung? Chỉ trong 1 tuần, nữ ca sĩ đã kêu gọi được số tiền 105 tỷ đồng, vấn đề có phải nằm ở niềm tin và đạo đức xã hội?
Việc Thủy Tiên với tình cảm, tầm ảnh hưởng, uy tín và với trách nhiệm xã hội của mình đã huy động được số tiền khổng lồ trong thời gian ngắn có thể nhìn ở cả hai khía cạnh.
Thứ nhất, điều này thể hiện được người dân ta quan tâm rất lớn đến tình cảnh của đồng bào miền Trung. Thứ hai, cá nhân ca sĩ Thủy Tiên có một sức hút lớn và sức hút này được nhân lên khi được sử dụng đúng lúc, đúng mục đích.
Cả hai khía cạnh đó đã tạo ra xung lực mạnh, từ đó mới có thể huy động được số tiền lớn đến như vậy. Có thể nói, đây là một trong những điển hình thành công về huy động xã hội hóa đối với cứu trợ cho người dân trong tình cảnh hết sức tang thương, bi đát do thiên tai gây ra.
Ngày 24/10, Thủy Tiên cập nhật số tiền quyên góp đã lên tới 150 tỷ đồng. Vậy Thủy Tiên nên làm gì để sử dụng số tiền này đúng pháp luật cũng như sử dụng đúng ý nghĩa, đúng mục đích và hiệu quả cao trong làm từ thiện?
Theo tôi, một mình Thủy Tiên cũng có thể phân chia được, cũng thực hiện được mục tiêu của mình đặt ra. Tuy nhiên, một mình bao giờ cũng vất vả, nếu không cẩn thận lại dẫn đến sai sót.
Nếu có nhiều người tham gia tham mưu thì định ra được những tiêu chuẩn, biết được nhiều thông tin hơn về các vùng cần thiết, người cần thiết. Đồng thời, giúp Thủy Tiên giám sát được quá trình phân chia không bị lợi dụng, không bị người khác trục lợi.
Tôi nghĩ, Thủy Tiên hoàn toàn có thể lập được một đội cho mình để có thể làm tốt việc này, tránh tình trạng một mình quá vất vả, thậm chí gặp những rủi ro không đáng có.
Cũng có ý kiến cho rằng, số tiền quá lớn nên cần có một tổ chức cứu trợ như một bộ máy thu nhỏ để làm việc này có hiệu quả hơn, hoặc giao cho một bên cơ quan chức năng nào đó để giải ngân tài chính minh bạch, hoặc thuê bên thứ 3 nào để kiểm tra tài chính…Theo ông, đây có phải là giải pháp hay?
Việc nữ ca sĩ tự xoay xở như hiện nay rất dễ gặp rủi ro, không chỉ về mặt tài chính mà còn sức khỏe, rủi ro cả về cả danh tiếng, uy tín cá nhân.
Tôi nghĩ, điều này phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, bởi vấn đề còn phụ thuộc vào lòng tin của Thủy Tiên. Nếu không cẩn thận lại có thể phát sinh vấn đề, tiền người dân gửi gắm, nhờ mình đi cứu trợ, mình lại ủy thác cho người khác có thể dẫn đến tình trạng bị trục lợi, bị tước đoạt, thậm chí bị biển thủ.
Bản thân Thủy Tiên cũng cẩn trọng, mong muốn đưa đến từng nơi, đưa đến người cần chứ không muốn thông qua trung gian. Bởi thực tế, tình trạng lợi dụng để trục lợi tiền cứu trợ đã từng xảy ra.
Cần làm gì để lan tỏa những điều tốt đẹp, tử tế trong xã hội cũng như đánh thức trách nhiệm xã hội của người dân nói chung và văn nghệ sĩ nói riêng từ câu chuyện Thủy Tiên làm từ thiện, theo ông?
Nếu dân kêu gọi lập quỹ, hình thành các quỹ tài chính để phục vụ cho lợi ích của cá nhân thì không thể chấp nhận. Nhưng khi họ dùng uy tín, tấm lòng kêu gọi ủng hộ, đó là điều không phải ai cũng làm được.
Cái quan trọng nhất là chúng ta phải tuyên truyền mạnh mẽ và có thái độ trân trọng. Tôi nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền có thể lấy đây là một tấm gương để nhân rộng điển hình, thậm chí các tỉnh được Thủy Tiên cứu trợ cũng cần có những hình thức biểu dương, khen thưởng. Có thể đề nghị khen thưởng người có tấm lòng đối với người dân, góp sức cùng với Đảng và Nhà nước đang làm tốt việc cứu trợ đồng bào mình.
Chúng ta nên ghi nhận công lao của ca sĩ Thủy Tiên trong đợt lũ lụt này.
Tôi hiểu, khi Thủy Tiên lăn xả cả tuần để đến với người dân miền Trung, không quản ngại mưa gió, không sợ đe dọa đến tính mạng thì bản thân cô ấy cũng đâu cần được khen thưởng hay biểu dương. Nhưng theo tôi nghĩ, biểu dương Thủy Tiên cũng là cách lan tỏa và nhân rộng những điều tốt đẹp, những hành động tử tế trong xã hội.
Trân trọng cảm ơn ông!
| Câu chuyện cứu trợ bà con bị bão lũ của Thủy Tiên và vấn đề lòng tin TGVN. Nữ ca sĩ Thủy Tiên đang như một “hiện tượng” mới trên báo chí và mạng xã hội về hoạt động từ thiện, khi ... |
| Giáo dục thiện nguyện TGVN. Giáo dục giá trị nhân ái là một sứ mệnh của nhà trường. Có những nhà trường đã chọn cho mình "khẩu hiệu": Ngôi ... |
| Lũ lụt miền Trung: Từ thiện, thử dấn thân, đừng là 'anh hùng bàn phím' TGVN. Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên vượt mưa gió, đi trong mùa lụt ở các tỉnh miền Trung, đến từng nhà, gặp từng người ... |