ĐBQH. Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, nếu cứ để tình trạng thiếu trường thiếu lớp, thì thiệt thòi đều đổ lên đầu người học, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh. (Ảnh: NVCC) |
Vào lớp 10 khó hơn đại học
Nhiều quan điểm cho rằng, thi vào lớp 10 hiện nay khó hơn cả thi vào đại học. Là một ĐBQH, bà nghĩ sao?
Nói chính xác hơn là thi vào lớp 10 công lập khó hơn thi đại học do số lượng học sinh tốt nghiệp THCS nhiều hơn số lượng trường lớp THPT hệ công lập. Bởi vậy, chỉ có một phần học sinh được vào học trường công lập, còn lại các em phải học hệ ngoài công lập và trường nghề.
Đối với các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội thì áp lực vào lớp 10 công lập hiện nay quá lớn. Qua kỳ thi tuyển sinh vừa qua, số lượng học sinh trượt nguyện vọng vào lớp 10 công lập ở Hà Nội khá cao. Đây là điều rất đáng suy nghĩ bởi vì việc thiếu trường THPT công lập cho học sinh trong khi nhu cầu quá cao dẫn đến rất nhiều hệ lụy.
Khi nhu cầu học công lập cao mà không được đáp ứng thì nhiều học sinh phải chuyển sang các trường dân lập. Nhưng không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học những trường này vì học phí cao hơn trường công lập.
Việc học hành là quyền của học sinh, có người học thì phải có hệ thống trường lớp. Khi hệ thống trường lớp công lập quá ít ỏi so với nhu cầu là làm khó các bậc phụ huynh, cũng là thiệt thòi đối với các em học sinh. Chính vì vậy, cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại để bổ sung trường lớp công lập sao cho đáp ứng được nhu cầu của người học.
Gỡ khó cho thực trạng quá tải
Phụ huynh áp lực mỗi mùa tuyển sinh, phải đứng xếp hàng để mong có được suất học lớp 10 cho con em tại Hà Nội. Câu hỏi làm sao để các em tiếp cận giáo dục ở cuối bậc phổ thông, để không em nào bị bỏ lại phía sau?
Tôi nghĩ, để giảm bớt áp lực cho phụ huynh và đỡ thiệt thòi cho học sinh cần phải có những giải pháp đồng bộ làm sao hoàn thiện được hệ thống các trường THPT công lập nói riêng và các trường THPT nói chung. Chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận lại để bổ sung trường lớp công lập sao cho đáp ứng được nhu cầu của người học.
Thứ hai là vấn đề biên chế cho ngành giáo dục. Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nội vụ, trong giai đoạn 2020 – 2022 cả nước số lượng công chức, viên chức bỏ việc rất nhiều. đặc biệt trong số viên chức bỏ việc thì giáo viên chiếm tỉ lệ rất cao. Cho nên cần phải quan tâm thêm biên chế cho ngành giáo dục và các chế độ đãi ngộ để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm. Việc này dù đã nỗ lực nhiều năm nay nhưng chính sách chưa đủ mạnh, thậm chí có những chính sách khó đi vào cuộc sống.
Để phát triển hệ thống trường công lập, cần phải có giải pháp thực sự toàn diện, đồng bộ. Nếu không, chúng ta cũng chỉ loay hoay, cứ gỡ được cái khó này lại nảy sinh cái khó khác. Theo quan điểm của tôi, việc này cần phải làm ngay, không thể để các em học sinh thiếu trường lớp.
Thế còn đối với hệ thống trường ngoài công lập thì sao, theo bà?
Theo tôi, bên cạnh việc phát triển trường lớp công lập cũng cần dành sự quan tâm thích đáng đối với hệ thống trường ngoài công lập. Nói một cách công bằng, hệ thống trường lớp ngoài công lập đã chia sẻ gánh nặng đối với ngân sách nhà nước rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay so sánh mặt bằng thì học phí của các trường ngoài công lập còn quá cao so với học phí các trường công lập. Đó là do các trường ngoài công lập được hỗ trợ quá ít ỏi từ ngân sách nhà nước nên tất cả mọi khoản chi phí đều được tính vào học phí.
Thực tế, một số trường ngoài công lập có chất lượng vượt trội, dù học phí có cao vẫn thu hút được học sinh nhưng đa số phụ huynh đều ngần ngại vì bài toán học phí. Trong lúc chúng ta chưa thể ngay lập tức kiện toàn được đầy đủ hệ thống các trường công lập để đáp ứng nhu cầu của người học thì cần quan tâm, đầu tư thích đáng, có sự khuyến khích đủ mạnh với hệ thống các trường ngoài công lập. Làm sao các trường ngoài công lập có thể giảm bớt được gánh nặng về tài chính, để giảm học phí cho học sinh, để sự chênh lệch học phí giữa trường công lập và ngoài công lập không quá lớn.
Nếu cứ để tình trạng thiếu trường thiếu lớp, hệ thống trường ngoài công lập chưa được đầu tư, chưa được quan tâm thích đáng thì tất cả thiệt thòi đều đổ lên đầu người học, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh.
Cảnh phụ huynh chen lấn nộp hồ sơ vào lớp 10 tại Hà Nội. (Nguồn: VGP) |
Cuộc đua vào lớp 10 các trường phổ thông công lập tự chủ tài chính hoặc tư thục vừa có tiếng vừa có mức học phí "dễ chịu" thật sự nóng bỏng. Trách nhiệm không chỉ dừng lại ở vai trò của ngành giáo dục?
Để có thể phát triển được hệ thống trường công lập cần có giải pháp tổng thể và toàn diện mà trách nhiệm không chỉ thuộc về riêng ngành giáo dục. Bởi lẽ, Bộ GD&ĐT không thể tự ấn định biên chế giáo viên, cũng không thể thay các địa phương quy hoạch đất dành cho giáo dục, không thể một mình làm được tất cả mọi việc.
Đây là nhiệm vụ cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp các ngành, đặc biệt là các địa phương. Chính vì vậy, tôi mong muốn các địa phương thực sự quan tâm đến chuyện này, ở đâu có học sinh thì ở đó phải có trường lớp, ở đâu có trường lớp thì ở đấy phải có giáo viên. Câu chuyện thiếu trường lớp ở các đô thị lớn, đặc biệt là hệ thống trường công lập diễn ra từ năm này qua năm khác nhưng chưa giải quyết được như kỳ vọng.
Đây là bài toán khó, để giải được bài toán này cần có sự phối hợp một cách khẩn trương, tích cực, nghiêm túc, đồng bộ của rất nhiều cơ quan ban ngành. Việc trước tiên, tôi mong Bộ GD&ĐT cần phải được xem xét tổng biên chế cho ngành giáo dục sao cho phù hợp. Cần phải có sự tổng rà soát, linh hoạt trong việc điều chỉnh biên chế cho ngành giáo dục, tránh tình trạng thừa thiếu cục bộ.
Thứ hai, rà soát về mặt thể chế, có những vướng mắc khó khăn cần phải tháo gỡ ngay. Bên cạnh đó, tôi đề nghị các địa phương cần phải thực sự quan tâm đến giáo dục cả về con người lẫn cơ sở vật chất. Chúng ta đang thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và chương trình sách giáo khoa. Không thể chần chừ thêm được nữa, cần phải có giải pháp tổng thể để cải thiện tình hình ngay từ năm học này.
Việc học hành là quyền của học sinh
Từ nhiều năm nay, phụ huynh tại Hà Nội phải thức trắng đêm trước các cổng trường công lập tự chủ tài chính hoặc trường tư thục. Phía sau câu chuyện khổ tâm của các bậc cha mẹ là gì, theo bà?
Việt Nam luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Chúng ta phát triển được giáo dục thì mới phát triển được đất nước. Đất nước chỉ hưng thịnh trên tền tảng giáo dục vững chắc. Nói đúng hơn, ngành giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước.
Thế nhưng, hiện nay có nhiều em học sinh lỡ mất cơ hội vào trường công lập mà các em yêu thích. Nhiều người cho rằng, chúng ta đang phát triển đa dạng các loại hình đào tạo, có trường công lập và có ngoài công lập, không học trường này thì học trường khác. Tuy nhiên, với các em học sinh mọi việc đơn giản như thế.
Bên cạnh vấn đề tài chính còn là câu chuyện tâm lý của các em hoc sinh. Các chuyên gia tâm lý thường nói tuổi các em là khủng hoảng tuổi dậy thì. Tâm lý của các em có rất nhiều biến đổi. Với nhiều em thi trượt THPT công lập mà mình yêu thích như cú sốc đầu đời và cũng mang lại nhiều hệ lụy khác nhau. Bởi vậy, tôi nghĩ vấn đề không chỉ dừng lại ở việc các em học ở trường nào.
Để giải quyết vấn đề này, ngoài giải pháp tôi vừa nêu trên cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền và phân luồng học sinh sau THCS để giảm áp lực cho các trường THPT công lập. Năng lực dự báo của ngành giáo dục và các địa phương cũng cần phải được đề cao và quan tâm đúng mức. Đó là năng lực dự báo về quy mô trường lớp và nhu cầu của học sinh trong những năm kế tiếp.
Chúng ta phải chuẩn bị từ sớm, từ xa chứ không phải “nước đến chân mới nhảy”, không phải đến khi nhiều học sinh thi trượt vào lớp 10 công lập thì chúng ta mới giật mình là làm thế nào để giải quyết tình trạng này. Lúc này, cần phải thực hiện ngay, quan tâm hơn đến hệ thống các trường ngoài công lập về mặt cơ sở vật chất, cũng như chất lượng giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, đối với những em học sinh không đỗ vào hệ thống trường công lập cần phải có sự động viên, định hướng đúng đắn để các em không bị lỡ cơ hội học tập của mình.
Lứa học sinh vừa thi trượt lớp 10 khi năm học mới bắt đầu thì các em phải đi học, phải có chỗ học, phải được tiếp cận giáo dục THPT. Việc này cần phải tập trung giải quyết ngay chứ nếu chỉ nóng trong mỗi kỳ thi thôi rồi lại rơi vào lãng quên, cứ lặp đi lặp lại năm này qua năm khác, tôi nghĩ sẽ rất khó có được chất lượng giáo dục như mong muốn.