Dịch giả Nguyễn Quốc Vương cho rằng, học đại học để tìm kiếm thành công, thay đổi cuộc đời, chỉ là một trong nhiều con đường. (Ảnh: NVCC) |
Hiện nay, ngày càng nhiều trường đại học chỉ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT như một chỉ số tham khảo hay bước đầu để tuyển sinh. Có thể nói, học đại học để tìm kiếm thành công, thay đổi cuộc đời, là một trong nhiều con đường.
Nền kinh tế đa dạng và phát triển nhanh tạo ra rất nhiều con đường khác nhau cho học sinh lựa chọn. Cho dù học đại học vẫn là con đường cơ bản nhất, đem đến nhiều cơ hội nhất cho học sinh nhưng điều đó không có nghĩa không học đại học thì… chấm hết.
Có rất nhiều con đường khác như học nghề, học cao đẳng, đi vào sản xuất, kinh doanh, quan trọng là phải nhận thức được trường học không giới hạn trong bốn bức tường nào. Nó là mọi cơ hội, mọi không gian, vượt qua mọi giới hạn, có thể học từ bạn bè, đồng nghiệp, người xung quanh, từ chính công việc đang làm, từ Internet, từ các khóa online, học từ xa…
Vấn đề nằm ở việc xác định chân thành mục đích, mục tiêu, triết lý học tập và có nghị lực để theo đuổi. Lựa chọn học gì phù hợp với bản thân, hoàn cảnh gia đình cũng rất quan trọng. Không có nghề sang và nghề hèn, chỉ có nghề lương thiện, phù hợp và ngược lại. Khi chọn được nghề phù hợp và chuyên tâm, cơ hội sống tốt bằng nghề sẽ cao.
Ở các nước phát triển, hệ thống giáo dục nghề bao gồm ở cả phổ thông và các trường chuyên nghiệp được xây dựng sớm, có hệ thống và hoạt động tốt. Đại học chỉ là một lựa chọn trong vô số lựa chọn. Ở Nhật, ngay từ khi học THPT, học sinh đã được học nghề rất chuyên nghiệp. Các trường cao đẳng nghề (kosen) rồi trường nghề (semon) cũng đào tạo rất tốt. Nó cung cấp rất nhiều lựa chọn cho học sinh với nhu cầu đa dạng. Điều đáng nói, kinh tế mạnh, đa dạng loại hình, ngành nghề cũng tạo ra cơ hội đầu ra tốt, phong phú cho học sinh, sinh viên. Việc học cao lên là một lựa chọn nhưng không phải là lựa chọn duy nhất. Ý thức coi nó là con đường duy nhất ngày càng giảm.
Công việc hiện nay đòi hỏi những kỹ năng quan trọng như giải quyết vấn đề, tư duy phản biện. Các nghề sẽ thay đổi cả tên gọi lẫn nội hàm của nó, yêu cầu đặt ra sẽ ngày một cao và phong phú. Việc học sẵn một nghề nào đó để nó đắc dụng khi ra trường dần dần trở thành bất khả. Điều quan trọng là cần phải học những cái cơ bản cho tất cả các nghề, đó là khả năng tập trung, khả năng tự học, khả năng phát hiện vấn đề, khả năng hợp tác.
Ví dụ, học sinh có học trường nào, nghề gì thì cũng sẽ cần sức khỏe, kiến thức nền, phương pháp tư duy. Những yếu tố đó không đến thuần túy từ luyện thi các môn giáo khoa mà đến từ cuộc sống đời thường, thông qua các trải nghiệm phong phú, từ đọc sách, giao tiếp với mọi người xung quanh, ở các tấm gương. Bởi thế, việc học nên đa dạng ở nhiều không gian, với nhiều học liệu, nhiều phương pháp thay vì truyền đạt bằng ngôn ngữ nói thuần túy như hiện tại.
Trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) lên ngôi, việc học không nên mù quáng coi việc nhồi nhét kiến thức, thông tin cho học sinh, bắt học sinh nhớ, hiểu rồi lặp lại việc giải quyết các vấn đề có sẵn. Theo tôi, nên chú trọng kiến thức cơ bản tối thiểu và phương pháp tư duy cũng như khả năng tập trung, giải quyết vấn đề. Khi có phương pháp luận đúng, tốt, các em có thể tự học bất cứ kiến thức nào cần để phát hiện và giải quyết vấn đề trong học tập, cuộc sống của mình. Tính mềm dẻo và sắc bén trong tư duy quan trọng hơn khả năng tìm ra đáp án đúng tuyệt đối kiểu luyện thi rất nhiều.
Cũng phải nói thêm rằng, cha mẹ cần có thái độ bình thường với chuyện học của con ngay từ khi con còn nhỏ cho dù con thành công hay thất bại. Thành bại trong cuộc đời độc lập rất bình thường nói gì đến thành bại trong học tập ở một vài bài kiểm tra, điểm số hay kỳ thi. Thật ra, thất bại ở trường học là thất bại trả giá ít nhất về mọi phương diện. Thất bại đó có thể dạy cho ta nhiều điều và nhận ra sức mạnh thật sự của mình nằm ở đâu, mình nên theo đuổi cái gì là sở trường hay ít nhất là mình có thể làm nó tốt nhất.
Cha mẹ nên coi thành tích hay thất bại của con là bình thường và hướng con vào việc học thường xuyên, bền bỉ, liên tục, có ý thức cải thiện sai sót mỗi ngày. Không đỗ trường này thì học trường khác, không học được bằng cách này thì học cách khác. Nên hướng trẻ vào ý thức học tập, ý chí vượt khó và khả năng bình thản khi nhìn nhận, giải quyết vấn đề hơn là coi trường nọ trường kia là toàn bộ sự nghiệp học hành của con. Thái độ nhìn nhận thất bại của con từ phía cha mẹ sẽ quyết định rất lớn đến việc trẻ chấp nhận thất bại đó như thế nào...
Trước sự biến động không ngừng của thế giới, để đối phó với thay đổi, chúng ta cần ung dung tự tại. Đó là bình thản trước các tín hiệu gây nhiễu, với các phương tiện giải trí để tập trung vào học những điều cơ bản, phương pháp tư duy cơ bản, bồi đắp kiến thức văn hóa cơ bản… Tức là, trở về bản chất của học tập là khám phá cái mới, hoàn thiện bản thân, khao khát muốn hiểu cái chưa rõ. Càng đuổi theo thành tích, càng học theo những cái thời thường, học sinh sẽ càng kiệt sức và hụt hơi.
Việc học có nội dung rất rộng, đó không chỉ là chuyện học làm toán, viết văn ở trường, cũng không chỉ là chuyện trả bài lấy điểm. Học là quá trình không ngừng hoàn thiện toàn diện bản thân. Hơn nữa, học ở trường cũng chỉ là một con đường cơ bản nhất, tạo ra nhiều cơ hội nhất, còn nhiều con đường khác. Nếu mình đã cố gắng trên con đường cơ bản nhất mà thất bại hay không tốt như mong muốn thì có thể có một con đường ngách nào đó hợp với mình hơn, đang đợi mình. Bạn trẻ hãy tìm kiếm, khám phá và can đảm đi trên con đường đó.