Khi Đại học Việt Nam gia nhập siêu Đại học toàn cầu, lúc đó chỉ có đại học từ xa hình thức online, người học mới vươn ra 'biển lớn'. |
Ngày 24/6/2019, tại hội thảo: "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: "xử lý các vấn đề mới trong CMCN 4.0 cần những giải pháp vượt ra ngoài tư duy truyền thống".Tiếp đến, ngày 28/12/2019, Thủ tướng tuyên bố: "Tổ quốc có phát triển mạnh mẽ hay không là ở việc áp dụng công nghệ".
Từ đó đến nay, hai từ khóa "tư duy" và "công nghệ" đã tạo nên hiệu ứng lan tỏa khắp Việt Nam, tạo nên một không khí lao động khẩn trương quyết liệt ở mọi ngành nghề nói chung ngành giáo dục Đại học nói riêng nhằm đón đầu cuộc CMCN 4.0.
Nếu như trước đây, trong các sách giáo khoa phổ thông, luôn dạy cho học sinh tự hào về Việt Nam có "rừng vàng biển bạc" thì nay trong CMCN 4.0, Việt Nam có quyền tự hào về vị thế thượng phong so với các quốc gia khác.
Thật vậy, trong CMCN 4.0, thế giới chỉ là ngôi nhà, Việt Nam là "mặt tiền" của ngôi nhà đó. Trên nền tảng hạ tầng của công nghệ thông tin toàn cầu thời CMCN 4.0, mọi đường đi của thông tin trên thế giới đều đi qua một cái HUB (Bộ chia mạng hay là cổng giao dịch) "mặt tiền" Việt Nam.
Đây là một lợi thế tuyệt vời của Việt Nam mà không quốc gia nào trên thế giới có được khi bước vào CMCN 4.0. Việt Nam cần khai thác lợi thế này để phát triển.
Về địa lý không gian toàn cầu, giữa các quốc gia là các đường biên giới, nên khi chưa có Internet, muốn đi từ nước này đến nước khác phải có hộ chiếu. Muốn chuyển thông tin ấn phẩm từ nước này qua nước khác phải thông qua đủ các cơ quan từ Trung ương đến cửa khẩu. Còn khi đi vào 4.0, nhờ kết nối Internet, cả thế giới, mọi quốc gia trở thành ngôi nhà nhỏ, mọi thông tin thế giới trong lòng bàn tay. Chỉ cần bấm nút con chuột trên máy tính tất cả các thông tin cần chuyển sẽ được đến bất cứ đâu trên thế giới.
Với lợi thế trong CMCN 4.0, Việt Nam muốn phát triển phải "vượt ra ngoài tư duy truyền thống" như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chúng ta phải nghĩ đến toàn cầu hóa, phải thay đổi từ tư duy trong "ao làng" sang tư duy trong "biển lớn".
Trong bài viết này, tôi giới hạn trình bày 3 đổi mới tư duy giáo dục Đại học Việt Nam trong "biển lớn" trên nền tảng CMCN 4.0.
Đổi mới tư duy xây dựng khuôn viên đại học
Nhờ công nghệ AI, điện toán đám mây, trường học là một hệ sinh thái học tập "trên mây" (mạng Internet). Nhờ công nghệ IOT, nên mỗi đồ vật, mỗi con người được cung cấp một định danh của riêng mình và tất cả đều có khả năng truyền tải trao đổi thông tin dữ liệu qua mạng. Lúc đó, giờ học không cố định ở tại những tòa nhà đắt tiền, người học không cần đến lớp mà chỉ cần có điện thoại kết nối Internet là có thể theo dõi được bài giảng.
Lớp học truyền thống, chỉ là một thành tố trong hệ sinh thái học tập, nó không phải là không gian học tập duy nhất và lớp học truyền thống chỉ có ý nghĩa truyền thụ kiến thức cho người học khi được kết nối với các thành tố khác.
Trong CMCN 4.0, tư duy truyền thống của ông bà ta "tiền nào của ấy" đã không còn đúng nữa mà chuyển sang "tư duy nào, của cải ấy".
Uber, Grab, Airbnb... là bài học để hình thành "Uber giáo dục" Đại học Việt Nam. Với Uber, Grab, người thuê xe chỉ kết nối với các tài xế gần nơi người thuê xe, còn "Uber giáo dục" hướng đến người học ở Việt Nam được tiếp cận với cơ sở giáo dục đại học tương thích ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Với tư duy giáo dục trong "biển lớn", đại học Việt Nam sẽ gia nhập vào siêu đại học toàn cầu trong hệ thống "Uber giáo dục". Khi đó, thay vì đầu tư xây dựng các tòa nhà cao tầng trong trường học, chuyển sang đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin trường học, tăng tốc độ đường truyền, mở rộng băng thông… nhằm phục vụ chuyển đổi số trường học, nâng cao chất lượng dạy học online, để hội nhập với thế giới văn minh.
Lúc này, thế giới xếp hạng đẳng cấp đại học Việt Nam không chỉ căn cứ vào cơ sở vật chất hữu hình mà còn căn cứ vào cơ sở hạ tầng hệ thống công nghệ thông tin của đại học Việt Nam.
Đổi mới tư duy về dạy học từ xa, dạy học online
Theo tư duy truyền thống trong "ao làng", dạy học online để phục vụ đào tạo từ xa cho đáng "đồng tiền bát gạo".
Tư duy trong "biển lớn" là chuyển đổi số giáo dục đại học Việt Nam. Khi đó, dạy học "từ gần" hay dạy học giáp mặt cũng phải online để số hóa bài giảng. Bởi lẽ, nếu dạy học giáp mặt mà không sử dụng máy tính online sẽ không thể số hóa được bài giảng. Nếu không số hóa bài giảng, sẽ không thể đưa trí tuệ nhân tạo (AI) làm trợ giảng, điểm danh, chấm điểm…
Khi đại học Việt Nam gia nhập siêu đại học toàn cầu, thế giới sẽ chỉ còn là ngôi nhà nhỏ, xóa nhòa biên giới, xóa nhòa khoảng cách. Lúc đó, chỉ có đại học từ xa hình thức online, người học mới vươn ra "biển lớn".
Luật Giáo dục đại học mới có hiệu từ ngày 1/7/2019, Việt Nam đã không còn phân biệt bằng cấp giữa các hình thức đào tạo. Đây là một chính sách đúng đắn phù hợp với 4.0, phù hợp với tư duy trong "biển lớn" của Đảng và Nhà nước ta.
Đổi mới tư duy về phương pháp dạy học để "ai cũng được học thầy giỏi nhất"
Theo tư duy truyền thống "ao làng", dạy học dựa trên phương tiện phấn trắng, bảng đen đến máy chiếu slide bài giảng lên màn hình để sinh viên chép hoặc thảo luận nhóm đã hình thành học phần "Lý luận và phương pháp dạy học đại học", được xem như là một "bảo bối" nghiệp vụ sư phạm, một chứng chỉ hành nghề không thể thiếu được của giảng viên đại học bấy lâu nay. Tất cả ai muốn lên giảng viên chính, lên giảng viên cao cấp đều phải tham gia nghe giảng học phần này.
Nhờ sự trợ giúp của công nghệ AI, một giảng viên thật có thể "phân thân" thành nhiều giảng viên ảo để tương tác đồng thời với nhiều người học tại cùng một thời điểm. Khi đó, phương pháp giảng dạy bậc đại học sẽ thay đổi hoàn toàn về chất, hướng tới mỗi sinh viên một chương trình, giáo dục cho một người.
Nhờ AI, nhờ khả năng "phân thân" của giảng viên giỏi thành giảng viên ảo, "ai cũng được học hành" sẽ được hiểu là "ai cũng được học với thầy giỏi nhất".
Nếu lý luận day học truyền thống hàn lâm là chiếc đèn dầu (dùng bằng nhiên liệu dầu hỏa thắp sáng) thì lý luận và phương pháp dạy học dựa trên AI là chiếc đèn điện (sử dụng điện năng thắp sáng).
Cùng là phương tiện chiếu sáng nhưng bản chất bên trong của đèn điện và đèn dầu là khác nhau, dẫn đến mục tiêu, đối tượng nghiên cứu sẽ khác nhau. Mọi lý thuyết về phương pháp dạy học hàn lâm cũ không còn phù hợp. Muốn nghiên cứu cái mới có hiệu quả, đôi khi phải tìm cách quên cái cũ. Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học phải theo tư duy mới trong "biển lớn", đó là "công nghệ nào, phương pháp ấy".
Ngày nay, với quan điểm "giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu", trong những giai đoạn đầu của CMCN 4.0, Việt Nam cần mạnh dạn đổi mới tư duy giáo dục để đưa Việt Nam sánh vai các cường quốc năm châu như ước nguyện của Hồ Chủ tịch cách đây 75 năm.
| VUSTA kỳ vọng trở thành 'sân' tri thức trong nhiệm kỳ mới TGVN. Trong nhiệm kỳ 2020-2025, ông Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật ... |
| Chàng trai vàng Tin học quốc tế kể về cú sốc lớn nhất của bản thân TGVN. Nguyễn Vương Linh - chàng trai vàng Tin học quốc tế cho hay cú sốc lớn nhất của bản thân là lần thi trượt ... |
| Phương pháp giáo dục con của Công nương Kate có gì đặc biệt? TGVN. Xoa dịu cơn giận của con bằng cách xoa đầu nhẹ, cúi xuống nói chuyện ngang tầm mắt, tôn trọng hành động của con, ... |