Các đại biểu tham dự Diễn đàn "Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập", nằm trong phiên thứ 2 Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. (Ảnh: Diệu Linh) |
Chiều 14/12, nằm trong khuôn khổ Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, Diễn đàn thảo luận chủ đề “Thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập” diễn ra rất sôi nổi.
Kết quả đáng ghi nhận
Trong nhiệm kỳ qua, Trung ương Đoàn và các cấp Đoàn đã chú trọng tổ chức các hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức về hội nhập như: tổ chức các diễn đàn, hội thảo tuyên truyền cho thanh niên về cộng đồng ASEAN và các thể chế Việt Nam tham gia làm thành viên; thành lập, củng cố các câu lạc bộ tin học, ngoại ngữ giúp thanh niên có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng, kiến thức, nâng cao trình độ.
Các hoạt động giao lưu quốc tế giữa thanh niên Việt Nam với thanh niên các nước được Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn quan tâm thực hiện, góp phần giới thiệu, quảng bá về văn hoá, đất nước và con người Việt Nam. Các hoạt động giao lưu quốc tế được tổ chức thường xuyên đã tạo điều kiện cho thanh niên Việt Nam tham gia các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với thanh niên các nước.
Trung ương Đoàn trong thời gian qua ngày càng tăng cường các hoạt động hướng đến thanh niên Việt Nam ở nước ngoài. Việc trao đổi thông tin, định hướng hoạt động cho thanh niên Việt Nam ở nước ngoài được duy trì thường xuyên thông qua các hình thức như giao lưu trực tuyến, tổ chức các đoàn đi gặp gỡ thanh niên, sinh viên Việt Nam ở nước ngoài, tăng cường tuyên truyền hoạt động của thanh niên trong nước ra ngoài nước, mời đại diện thanh niên ngoài nước về tham dự những sự kiện chính trị quan trọng của Hội sinh viên Việt Nam.
Cổ vũ, động viên thanh niên ngoài nước tích cực tham gia xây dựng cộng đồng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tổ chức các hoạt động hướng về Tổ quốc; đồng thời quảng bá giới thiệu hình ảnh đất nước Việt Nam cho bạn bè thế giới.
Diễn đàn đươc chia thành hai tổ thảo luận số 09 và số 10. (Ảnh: Diệu Linh) |
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái được các tổ chức Đoàn, hội ngoài nước tích cực, đặc biệt là các hoạt động trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, ngày 28/9/2018, Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chính thức ban hành Đề án nâng cao năng lực tiếng Anh cho thanh thiếu niên Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022 với nhiều nội dung thiết thực. Nhiều chương trình, hoạt động đã được Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn triển khai, ngày càng hiệu quả, thiết thực, ngày càng phong phú, đa dạng, giúp cho đông đảo đối tượng thanh thiếu nhi có thể tiếp cận với các nội dung thuộc Đề án.
Các chương trình, hoạt động này tạo giúp thanh niên Việt Nam chủ động hội nhập quốc tế trong nhiệm kỳ qua đã diễn ra hết sức sôi động, rộng khắp và mang lại những kết quả to lớn, góp phần phát triển thể trạng thanh niên Việt Nam, khẳng định và nâng cao uy tín, vị thế của thanh niên Việt Nam với bạn bè quốc tế, giúp bạn bè trên thế giới hiểu đúng và đầy đủ hơn về đất nước, con người Việt Nam; góp phần mở rộng mặt trận đoàn kết, tập hợp thanh niên ở ngoài nước; vận động, khai thác có hiệu quả nguồn lực quốc tế phục vụ phong trào thanh thiếu nhi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Những khó khăn, thách thức
Tuy nhiên, trong thời gian qua, công tác này vẫn còn những hạn chế, chưa thực sự toàn diện, chưa được đầu tư đúng mức và đồng đều. Nhiều cơ sở Đoàn trên toàn quốc đang lúng túng, tổ chức chưa hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, tạo môi trường cho thanh niên hội nhập.
Các hoạt động tạo môi trường để sinh viên, thanh niên học tập, thực hành tiếng Anh được nhiều đơn vị tổ chức nhưng sức thu hút chưa cao, chỉ dừng lại ở nhóm sinh viên, thanh niên có khả năng tiếng Anh tốt. Năng lực tiếng Anh của thanh niên Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao so với thanh niên nhiều nước trong khu vực và các nước phát triển trên thế giới.
Mặc dù có cơ hội tiếp cận sớm với máy vi tính, internet nhưng kỹ năng sử dụng máy vi tính phục vụ học tập, làm việc và nghiên cứu của phần lớn thanh niên còn hạn chế.
Đại biểu tập trung “hiến kế”
Trong hai tiếng diễn ra diễn đàn, 17 đại biểu đã đóng góp những ý kiến, giải pháp giúp thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập.
Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Lào Trần Đại Thắng phát biểu tại diễn đàn. |
Chia sẻ kinh nghiệm hội nhập quốc tế, Bí thư Ban cán sự Đoàn tại Lào Trần Đại Thắng cho biết, trong thời gian qua, Ban cán sự Đoàn tại Lào có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên Việt Nam ở nước sở tại, cũng như hỗ trợ các bạn Lào, đặc biệt phải kể đến hoạt động dạy tiếng Việt tại các địa phương biên giới giáp với Việt Nam. Cho đến nay, Đoàn viên, thanh niên Việt Nam tại Lào đã dạy tiếng Việt cho các em học sinh tại 17 địa phương Lào.
Bên cạnh việc giảng dạy tiếng Việt, để không mai một tình cảm truyền thống lâu đời của thanh niên hai nước, Ban cán sự Đoàn tại Lào thường xuyên phối hợp với tỉnh đoàn của bạn để tổ chức công tác an sinh xã hội cũng như tôn tạo, gìn giữ các khu di tích tưởng nhớ quân tình nguyện Việt Nam và quân tình nguyện Lào, qua đó thắt chặt hơn tình cảm của thanh niên hai nước.
Theo Quyền Trưởng Ban Quốc tế Trung ương Đoàn Trịnh Thị Mai phương, tính đến hiện nay, Việt Nam có 21 tổ chức, hội thuộc Đoàn ngoài nước, trong đó có 4 ban cán sự Đoàn tại các nước: Lào, Cuba, Nga, Trung Quốc.
Hàng năm, Ban Bí thư Trung ương Đoàn luôn có hướng dẫn công tác thanh niên ngoài nước để phù hợp với từng nội dung công tác năm. Theo đó, các tổ chức Đoàn, hội ngoài nước phát huy rất tốt năng lực và thế mạnh của mình để đẩy mạnh công tác đoàn và phong trào thanh niên ngoài nước.
Trung ương Đoàn cũng đã tổ chức hoạt động kết nghĩa với giữa các tỉnh, thành Đoàn trong nước với 21 tổ chức Đoàn, hội ngoài nước để có sự kết nối sâu hơn, giao lưu nhiều hơn.
Đại biểu đến từ trường Đai học Huế Hồ Tiểu Ngọc, nêu ý kiến đóng góp. (Ảnh: Diệu Linh) |
Theo đại biểu đến từ Huế Hồ Tiểu Ngọc, trên “con đường” hội nhập quốc tế trong thời đại số hoá, ngoại ngữ và tin học là một trong những “hành trang” quan trọng mà chúng ta cần chuẩn bị.
Mặt khác, để hội nhập quốc tế, chúng ta có thể quảng bá những vẻ đẹp, bản sắc của mình khi giao lưu cùng bạn bè quốc tế. Chẳng hạn như ở Huế, các bạn đoàn viên, thanh niên có thể tham gia phục vụ tại các lễ hội, Festival, qua đó vừa trau dồi khả năng giao tiếp, ngoại ngữ cũng như các kỹ năng khác, mỗi cá nhân tham gia còn có thể trở thành “đại sứ” quảng bá về du lịch của Thừa Thiên Huế.
Đại biểu đến từ Thái Nguyên Lê Văn Hiếu cho biết, việc thanh niên hội nhập quốc tế là một vấn đề cần phải đẩy mạnh. Bên cạnh những cuộc thi liên quan đến tiếng Anh và tin học, nên tổ chức nhiều hơn các chương trình, dự án lập nghiệp, khởi nghiệp, chuyển đổi số… trình bày bằng tiếng Anh, tạo nên sân chơi bổ ích, giúp các bạn trẻ phát huy sáng tạo và nâng cao năng lực ngoại ngữ.
Bên cạnh đó, các trường đại học Việt Nam là nơi có đông đảo Đoàn viên, thanh niên, việc kết nghĩa, hợp tác với các tổ chức Đoàn, hội Việt Nam ở nước ngoài sẽ góp phần đẩy mạnh kết nối, hội nhập quốc tế.
Đại biểu Huỳnh Vĩnh Lộc đến từ TP. Hồ Chí Minh cho rằng, bên cạnh việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cũng như giao lưu văn hoá, quảng bá hình ảnh, Trung ương Đoàn nhiệm kỳ 2022-2027 nên có những đề án, giải pháp để thanh niên Việt Nam vững bước hội nhập trong lĩnh vực lao động, việc làm.
Hiện Việt Nam có 8 lĩnh vực nghề nghiệp tự do chuyển dịch trong khu vực Đông Nam Á. Trung ương Đoàn nên thúc đẩy những ký kết liên tịch với các nước để lao động trẻ của Việt Nam trong 8 lĩnh vực trên có thêm nhiều cơ hội làm việc tại các nước ở khu vực Đông Nam Á, qua đó học hỏi thêm kinh nghiệm của nước bạn, sau đó quay về đóng góp cho quê hương.
Ngoài ra, hiện các sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp dễ dàng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, việc khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp lại gặp nhiều khó khăn khi kết nối với thị trường.
Vì thế, trong các chương trình, hoạt động giao lưu văn hoá quốc tế, bên cạnh việc giới thiệu hình ảnh, văn hoá, nét đẹp truyền thống của Việt Nam, chúng ta nên giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp do các bạn trẻ khởi nghiệp để giới thiệu với bạn bè quốc tế, kết nối thị trường.
Không chỉ thế, thanh niên vững bước hội nhập không chỉ ở nước ngoài mà ngay trên mảnh đất quê hương mình. Các bạn thanh niên Việt Nam nên sẵn sàng mời gọi bạn bè quốc tế đến tham quan và du lịch tại địa phương mình, đặc biệt là du lịch nông nghiệp.
Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ba của Ủy Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp ý kiến tại diễn đàn. (Ảnh: Diệu Linh) |
Với tư cách đại biểu khách mời, Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Ba của Ủy Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho hay, về vấn đề hội nhập quốc tế, ngoài lợi ích quốc gia, các bạn thanh niên nên nghĩ rằng đây cũng là lợi ích của cá nhân, là cơ hội phát triển của bản thân. Từ đó xác định được nhu cầu tự thân, đặt ra mục tiêu cho mình.
Hiện nay, thế giới có hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư và kinh doanh với Việt Nam, nước ta có quan hệ ngoại giao với hơn 190 nước và vùng lãnh thổ nên việc học ngoại ngữ là rất quan trọng, chúng ta am hiểu ngôn ngữ và lịch sử văn hoá của bạn sẽ có ích cho việc hội nhập quốc tế, đồng thời có thể giúp các bạn thanh niên khác sớm hoà nhập với cộng đồng sở tại.
Về công tác thanh niên, sinh viên ở nước ngoài, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời. Hiện nay, nếu tính theo tỷ lệ trên tổng số gần 6 triệu người Việt ở nước ngoài, thì số lượng thanh niên chiếm khoảng 20%.
Ông Hùng ví hoạt động thanh niên Việt Nam ở nước ngoài như “ba vòng tròn đồng tâm”: Vòng tròn thứ nhất là 21 tổ chức Đoàn, hội hoạt động rất tích cực; thứ hai là các bạn trong nước mới sang chưa tham gia nhiều vào các hoạt động chung; thứ ba là thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có sự gắn kết với trong nước vẫn chưa chặt chẽ, phần lớn những bạn trẻ nói tiếng Việt chưa tốt.
Ông Phạm Việt Hùng đề xuất, trong thời gian tới, Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài và Trung ương Đoàn cần phối hợp lan toả, lấy các bạn trẻ thuộc “vòng tròn thứ nhất” làm trung tâm kết nối, “thu hút” các bạn ở vòng thứ hai và thứ ba gần lại nhau hơn.
Để thực hiện được “ý tưởng” trên, các tổ chức Đoàn, hội cần động viên, thu hút các bạn tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, hội sinh viên Việt Nam ở nước sở tại. Song song với đó là tổ chức các hoạt động đưa những bạn thanh, thiếu niên Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài về nước tìm hiểu quê hương thông qua các chương trình như trại Hè, hợp tác nghiên cứu...
Hội nhập quốc tế đã, đang là một xu thế lớn của thế giới hiện đại, tác động sâu sắc đến quan hệ quốc tế và đời sống của từng quốc gia. Quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội cho thanh niên trong việc tiếp cận thông tin, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên, khó khăn thách thức mà thanh niên Việt Nam phải đối mặt cũng không ít, đòi hỏi thanh niên phải được trang bị đầy đủ thể chất, bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng hội nhập. Đó cũng chính là nhiệm vụ mà tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần triển khai một cách mạnh mẽ trong thời gian tới.
| Gần 1.000 đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII báo công dâng Bác Đoàn đại biểu Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII báo cáo với Bác những kết quả đã đạt được trong công tác đoàn ... |
| Chính thức khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ Việt Nam, đánh dấu sự nỗ lực, ... |
| Những hình ảnh đầu tiên trong Phiên khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII Sáng 14/12, tại Hà Nội, Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII diễn ra Phiên khai mạc trọng thể với sự tham gia của ... |
| Triển lãm ‘Khát vọng cống hiến – Lẽ sống thanh niên’: Lời tri ân ý nghĩa của thế hệ trẻ tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII Triển lãm được tổ chức trang trọng trước giờ khai mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, như một món quà gửi tặng ... |
| Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng: Thanh niên Bộ Ngoại giao phải ‘vừa hồng vừa chuyên’ Trong nhiều năm qua, thanh niên Bộ Ngoại giao đã phát huy được vai trò tiên phong của cán bộ trẻ, chiến sĩ trẻ, đóng ... |