📞

Đại lễ cầu siêu cho các anh linh liệt sỹ tại Quảng Trị

04:17 | 30/04/2017
Ngày 29/4, tại huyện Hải Lăng, Quảng Trị đã diễn ra Đại Lễ cầu siêu anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ trận vong và đồng bào tử nạn.

Đại lễ do Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam tổ chức, dưới sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Trị, nhân kỷ niệm 42 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2017), 45 năm chiến trận mùa Hè Đỏ lửa thành Quảng Trị (1972).

Lễ cầu siêu được cử hành. (Ảnh: MH)

Tham dự đại lễ có đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Trị, Ban dân vận huyện Hải Lăng (Quảng Trị), đại diện các cơ quan có liên quan, cùng nhiều hòa thượng đến từ Hà Nội, Phú Thọ, Huế, Quảng Trị, TP. Hồ Chí Minh… và các phật tử trên khắp cả nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Nguyên Huệ Pháp (Trụ trì chùa Chúa Nguyễn, Huế) khẳng định: “Việt Nam là một đất nước anh hùng, giàu lòng yêu thương. Khi người dân, người tu hành có tâm, họ yêu thương những người có công, đổ máu xương đem lại độc lập tự do cho đất nước. Họ phát tâm bồ đề thương yêu những người để giúp cho đất nước ngày càng thành công và thịnh vượng. Lễ cầu siêu này được tổ chức trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước này nhằm cầu cho các vong linh liệt sỹ đã hy sinh công hiến cho đất nước, giúp họ được thanh thản và thấy đất nước không quên những người đã ngã xuống".

Các Hòa thượng, tăng, ni  tại lễ cầu siêu. (Ảnh: MH)

Tại đại lễ, chia sẻ với TG&VN, bà Nguyễn Thị Kim Loan, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam - Trưởng Ban Tổ chức Lễ cầu siêu cho biết: "Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó có yêu cầu lan tỏa những điều tốt đẹp của đạo Mẫu đến với mọi người. Vì vậy, Trung tâm Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hoá tín ngưỡng Việt Nam đã kết nối với lãnh đạo và nhân dân Hải Lăng (Quảng Trị) để làm tốt nhiệm vụ này".

Theo bà Kim Loan, đại lễ cầu siêu này có sự ủng hộ của hơn 300 hòa thượng, hơn 2.000 phật tử và con của Mẫu, dưới sự chỉ đạo của Ban Tôn giáo các cấp, các Bộ/ngành. "Nhờ nối vòng tay lớn mà lễ cầu siêu này đã làm tốt việc tri ân, niệm ân và báo ân đối với những người đã ngã xuống. Lễ cầu siêu không chỉ dành cho vong linh tất cả những người đã tử trận trên cả hai chiến tuyến, thể hiện sự nhân văn, sức lan tỏa của Mẫu" - bà Kim Loan cho biết.

Sau khi tiến hành các nghi thức trang trọng của một đại lễ cầu siêu như tri ân, niệm ân, báo ân, các Hòa thượng, tăng ni, Phật tử và khách mời của đại lễ cầu siêu đã tham dự lễ phóng sinh chim sẻ để cầu cho các vong linh của các chiến sỹ, đồng bào được yên nghỉ.

Bà Nguyễn Thị Kim Loan, cùng các thành viên của Trung tâm trao quà từ thiện. (Ảnh: MH)
Cùng ngày, Đoàn đã có tổ chức Trao tặng quà từ thiện cho 153 hộ nghèo, 133 hộ cận nghèo và 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, những người bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin/da cam trong chiến tranh. Đặc biệt, Đoàn đã đến tận nơi trao sổ tiết kiệm cho hai mẹ Việt Nam anh hùng là mẹ Võ Thị Cháu (97 tuổi) và mẹ Lê Thị Xô (93 tuổi), mỗi sổ tiết kiệm trị giá 50 triệu đồng.