Thế giới đang ngày càng phụ thuộc chặt chẽ vào công nghệ. Cách chúng ta sống, làm việc và giao tiếp đang thay đổi mạnh mẽ bởi quá trình công nghệ hoá.
Hiện nay, các Big Tech có quyền lực có thể sánh được với một quốc gia. Giá trị vốn hóa thị trường của các công ty như Amazon, Alphabet hay Microsoft thậm chí còn cao hơn GDP của nhiều quốc gia trên thế giới.
Đại sứ công nghệ được coi là bước đổi mới quan trọng của ngoại giao thế giới. (Nguồn: Getty) |
Các Big Tech còn thống trị cơ sở hạ tầng Internet, thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, cũng như lưu trữ lượng lớn dữ liệu cá nhân của hầu hết người dùng Internet. Các công ty này cũng có quan hệ mật thiết với các chính phủ, quân đội, thậm chí một số còn đảm nhận các chức năng của nhà nước.
Có nhận định cho rằng, các Big Tech hiện nay đã trở thành một chủ thể quan trọng trong quan hệ quốc tế, có sức ảnh hưởng to lớn gần giống như một siêu cường. Nhận thức rõ được điều này, một số quốc gia đã bổ nhiệm chức vụ đại sứ dành riêng cho lĩnh vực công nghệ, làm việc trực tiếp với các công ty ở Thung lũng Silicon (Mỹ), cũng như các Big Tech khác.
Thế nào là đại sứ công nghệ?
Các công ty công nghệ và Internet ngày càng đóng một vai trò quan trọng trong môi trường quốc tế. Do vậy, các chính phủ và các nhà ngoại giao cần phải tạo dựng mối quan hệ với các công ty công nghệ để có cái nhìn rõ hơn về cách thức hoạt động, các công nghệ mới, cũng như liệu Big Tech có thể gây ra các tác động chính trị và địa chính trị như thế nào tới thế giới.
Điều này đặc biệt cần thiết đối với các quốc gia và khu vực tương đối yếu trong lĩnh vực công nghệ. Và từ đây chức danh đại sứ công nghệ được ra đời. Giống như các nhà ngoại giao khác, đại sứ công nghệ có nhiệm vụ đại diện cho lợi ích của quốc gia mình khi làm việc với các công ty công nghệ.
Năm 2017, Đan Mạch đã trở thành quốc gia tiên phong và bổ nhiệm vị trí đại sứ công nghệ đầu tiên trên thế giới. Hiện nay, bà Anne Marie Engtoft Larsen đang nắm giữ vị trí này tại Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Đại sứ Larsen cho biết, vai trò của đại sứ công nghệ về cơ bản là đại diện cho các giá trị, lợi ích của quốc gia, cụ thể là ý kiến và quan điểm của người dân và chính phủ, đối với ngành công nghệ toàn cầu.
Đồng thời, các Đại sứ công nghệ cũng có vai trò quan trọng trong việc duy trì mối quan hệ tương tác, lôi kéo các công ty công nghệ tham gia các cuộc tranh luận về quản trị Internet hoặc bảo vệ dữ liệu người dùng.
Trong khi đó, các quốc gia khác cũng đã bổ nhiệm vị trí đại sứ công nghệ, nhưng với những cái tên khác nhau. Ví dụ, Pháp có một đại sứ về các vấn đề kỹ thuật số, Estonia có một đại sứ về an ninh mạng, trong khi Hà Lan có một cố vấn đổi mới, công nghệ và khoa học.
Vương quốc Anh gần đây bổ nhiệm cựu doanh nhân và nhà đầu tư Joe White vào vị trí kết hợp là Tổng lãnh sự Anh tại San Francisco và đặc phái viên về công nghệ tại Mỹ. Áo đã bổ nhiệm đại sứ công nghệ đầu tiên vào năm 2020, nhằm tìm cách kết nối đất nước với Thung lũng Silicon.
Theo số liệu do ông Corneliu Bjola, nhà nghiên cứu ngoại giao tại Đại học Oxford, hiện có hơn 20 đại sứ công nghệ trên khắp thế giới.
Đại sứ công nghệ của Đan Mạch, bà Anne Marie Engtoft Larsen. Đan Mạch cũng là quốc gia đầu tiên bổ nhiệm đại sứ cho lĩnh vực công nghệ. (Nguồn: AFP) |
Vai trò quan trọng
Ông Alexis Wichowski, trợ lý giáo sư tại Trường Các vấn đề Công và Quốc tế thuộc Đại học Columbia, cho rằng các chính phủ đang dần nhận ra rằng công nghệ không chỉ lien quan cấu trúc công nghệ thông tin, và không chỉ về những gì người dân sử dụng, mà các Big Tech giờ đây đã là một lực lượng địa chính trị toàn cầu, có ảnh hưởng nhất định trong quan hệ quốc tế.
Theo Đại sứ Larsen, sự phát triển của ngành công nghệ đã trở thành một phần quan trọng trong việc xác định thị trường lao động, tài chính, kinh tế, tiềm năng trong tương lai, khả năng phát triển và thịnh vượng của quốc gia.
Ngoài ra, đối với một quốc gia nhỏ bé như Đan Mạch, không chỉ các quốc gia hay tổ chức quốc tế mới có thể có ảnh hưởng lớn đến các thể chế và giá trị cốt lõi của đất nước. Các chủ thể phi quốc gia, ở đây là các công ty công nghệ, đang trở thành một phần quan trọng trong môi trường đối ngoại và an ninh, chính trị của đất nước, cũng như của xã hội Đan Mạch và cách sống của người Đan Mạch.
Thực tế này đặt ra cho đất nước các câu hỏi như: “Đâu nên là khuôn khổ cơ bản cho việc phát triển công nghệ? Chúng ta nên thúc đẩy phát triển loại hình công nghệ nào có thể hỗ trợ các giá trị của đất nước?”
Và để làm được điều đó, chính phủ Đan Mạch tin rằng việc tham gia đối thoại và thiết lập mối quan hệ với các công ty công nghệ là rất cần thiết. Đó là lý do tại sao Đan Mạch có một chính sách ngoại giao công nghệ.
Những thách thức trước mắt
Xu thế chuyển đổi số đang được đẩy mạnh tại nhiều quốc gia. Mô hình chính phủ điện tử là một trong những giải pháp giúp nâng cao hệ thống quản trị, tạo cơ hội cho việc bảo mật thông tin và tập trung dữ liệu phục vụ việc theo dõi, phân tích.
Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng đã vô tình khiến quá trình chuyển đổi số, công nghệ hoá được đẩy nhanh hơn nữa ở nhiều lĩnh vực, trong đó ngoại giao không phải ngoại lệ. Các cuộc tiếp xúc song phương, hội nghị, diễn đàn quốc tế đa phương không thể triển khai theo hình thức trực tiếp do ảnh hưởng của đại dịch. Do đó các nền tảng công nghệ trở thành nơi trao đổi, bàn bạc những thông tin quan trọng ở quy mô trong nước và trên thế giới.
Ở Mỹ, Nigeria, Australia và một số quốc gia khác, các công ty công nghệ còn có quyền xóa các bài đăng trên nhiều trang mạng xã hội của các tổ chức nhà nước, thậm chí có thể đình chỉ hoặc cấm tài khoản mạng xã hội của Tổng thống hoạt động.
Việc quản lý cũng như giữ quan hệ tốt đẹp với các Big Tech là vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm. (Nguồn: Getty) |
Mặt khác, chính phủ các quốc gia đang đưa ra nhiều quy định cứng rắn nhằm điều chỉnh các công ty truyền thông xã hội và công ty công nghệ theo nhiều cách.
Chẳng hạn, đối với việc kiểm duyệt nội dung, theo luật, các công ty công nghệ bị ràng buộc bởi các chính sách về nội dung phản cảm, bạo lực, chống phá nhà nước, hay quy định những tổ chức nào được coi là tổ chức khủng bố và việc đưa tin, sử dụng ngôn từ khi nói về họ.
Sự mâu thuẫn giữa lợi ích chính sách trong nước của một quốc gia và các loại hình hợp tác quốc tế thường hay diễn ra và chính sách công nghệ cũng không phải là ngoại lệ.
Cụ thể, các công ty công nghệ mong muốn các quy định tại các quốc gia được đơn giản hóa để giúp họ dễ dàng vận hành các nền tảng của mình trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa có sự thống nhất.
Ngoài ra, ngay cả trong những lĩnh vực mà có sự thống nhất lớn giữa các quốc gia với nhau, thì các công ty công nghệ vẫn cố gắng tìm cách để lách luật nhằm phục vụ cho lợi ích của riêng mình.
Do vậy, việc thúc đẩy ngoại giao công nghệ, giúp tăng cường trao đổi thông tin, tăng sự hiểu biết và tin cậy giữa các quốc gia và những Big Tech, cho phép các quốc gia đẩy mạnh phối hợp với nhau, cũng như với các công ty công nghệ để phản ứng nhanh hơn với các sự kiện trên thế giới, giải quyết thách thức toàn cầu.
Nhìn tổng thể, ngành ngoại giao, cũng như các chính phủ cần nâng cao đối thoại trực tiếp với giới công nghệ. Đó cũng là lý do vì sao Đại sứ Larsen tin tưởng rằng, với những gì đang diễn ra, thế giới sẽ có thêm nhiều đại sứ công nghệ hơn nữa.