Đại sứ Hà Huy Thông (ngoài cùng bên trái) tại buổi họp báo của Thượng nghị sĩ John Kerry và Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Lê Mai (thứ hai từ phải sang) tháng 11/1992. (Nguồn: AFP) |
Năm 2022, dịp năm chẵn của nhiều sự kiện lịch sử đặc biệt, đang dần khép lại. Vậy sự kiện nào đọng lại nhiều cảm xúc với Đại sứ?
Đúng là năm 2022 kỷ niệm năm chẵn của nhiều sự kiện.
Sau khi rời bến cảng Nhà Rồng ngày 5/6/1911, Nguyễn Ái Quốc đi bôn ba nhiều nơi để tìm đường cứu nước. Theo một số tài liệu quốc tế, thì năm 1912 - cách đây 110 năm, Nguyễn Ái Quốc đến Mỹ, sống và làm việc ở Boston (bang Massachusetts) và thành phố New York.
Tháng 12/2022 này, nhân dân và quân đội ta kỷ niệm 50 năm chiến thắng Hà Nội “Điện Biên Phủ - trên không” (tháng 12/1972 – tháng 12/2022) mà dư luận quốc tế thường gọi là “Trận ném bom dịp lễ Noel” (Christmas bombing).
Ông Gareth Porter, giáo sư sử học Mỹ và chuyên gia hàng đầu về Việt Nam mà tôi đã gặp khi thăm Việt Nam 40 năm trước, coi đây là “thất bại lớn nhất của Mỹ trong cuộc chiến ở Việt Nam, dẫn đến ký kết Hiệp định Paris khôi phục hoà bình ở Việt Nam” (xem cuốn Một nền hoà bình bị từ chối - A Peace Denied).
Lúc đó, ông ở đâu và điều gì còn đọng lại đến nay?
Sau khi Mỹ đánh phá ra miền Bắc, năm 1966, tôi chưa đến 10 tuổi đã phải cùng em đi sơ tán ở vùng thôn quê, xa nhà
Đêm 18/12/1972, khi Mỹ đánh bom Hà Nội, tôi đang ngủ trong căn hộ khu tập thể chung cư đối diện chếch Ga Hà Nội (lúc đó hay gọi là Ga Hàng Cỏ). Bừng tỉnh sau khi trận bom làm rung chuyển toà nhà, làm vỡ kính cửa, tôi nhanh chóng theo mọi người xuống hầm trú ẩn. Sáng hôm sau, chúng tôi được biết Mỹ đã đánh bom nhiều nơi khác ở Hà Nội. Thế là chúng tôi lại phải rời Hà Nội đi sơ tán tiếp.
Sau này lớn lên, tôi mới biết trước đó 5 năm, ngày 18/9/1967, Bác Hồ đã dự báo chiến lược: “Sớm muộn, Mỹ sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi thua mới chịu thua”. Điều này đã được ghi khắc tại “Bảo tàng Chiến thắng B-52”, nơi anh em cựu chiến binh chúng tôi có dịp tới thăm đầu năm 2022, đúng nửa thế kỷ sau sự kiện lịch sử này..
Nhưng tôi cũng không ngờ sau đúng 20 năm của sự kiện B-52 này, mình lại tham gia đón Thượng nghị sĩ John Kerry (là cựu binh nhưng rồi chống chiến tranh ở Việt Nam, ứng cử viên Tổng thống Mỹ năm 2004) trở lại Việt Nam năm 1992 với tư cách Chủ tịch Ủy ban đặc biệt của Thượng viện Mỹ về tù binh và người Mỹ mất tích.
Đại sứ Hà Huy Thông (sơmi xám) cùng các anh em cựu chiến binh thăm Bảo tàng Chiến thắng B-52 đầu năm 2022. (Ảnh: NVCC) |
Tại sao ông John Kerry trở lại Việt Nam năm 1992 và điều gì gây ấn tượng nhất với Đại sứ?
Khi Chiến tranh lạnh bắt đầu kết thúc từ năm 1989, Mỹ cũng bắt đầu thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, bắt đầu bằng việc giải quyết các vấn đề nhân đạo của nhau.
Ngày 9/4/1991, Mỹ đưa ra “Bản lộ trình bình thường hoá quan hệ với Việt Nam” và mời Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai sang đàm phán chính thức đầu tiên về bình thường hoá quan hệ với ông Richard Solomon, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình dương ngày 21/11/1991. Kể từ đó, Mỹ đã nới dần chính sách cấm vận với Việt Nam.
Đúng 30 năm trước, trong năm 1992, Thượng nghị sĩ John Kerry vào Việt Nam 2 lần, ngày 16-21/11/1992 và 17-18/12/1992, để thúc đẩy quan hệ hai nước, trước mắt lúc đó là giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích và bỏ cấm vận với Việt Nam.
Ấn tượng thì có nhiều. Nhưng điều ấn tượng nhất với tôi lại chính là đôi điều ông nêu ý kiến cá nhân, không chính thức, khi ăn, bên lề các cuộc gặp chính thức.
Trước hết, ông nêu tình cảm cá nhân về Thủ đô Hà Nội thơ mộng có kiến trúc Pháp cổ rất đẹp. Khi thấy Hà Nội bắt đầu dỡ bỏ các ngôi nhà cũ hỏng, xây nhà và khách sạn cao tầng, ông nói doanh nghiệp có mục đích là tối ưu hoá lợi nhuận, nên nhiều khi muốn xây khách sạn, nhà chung cư cao tầng… trong khi Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo phát triển bền vững và lâu dài cho cả nước.
Theo ông John Kerry, người nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích, không phải chỉ ở khách sạn nhiều sao vì nếu chỉ vậy thì có thể đến Bangkok, Hong Kong, Singapore… Du khách đến Việt Nam không chỉ để hưởng thụ ở khách sạn nhiều sao, mà vì yêu cầu chính trị, kinh tế, tìm hiểu về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc…
Người nước ngoài đến Việt Nam vì nhiều mục đích, không phải chỉ ở khách sạn nhiều sao vì nếu chỉ vậy thì có thể đến Bangkok, Hong Kong, Singapore… Du khách đến Việt Nam không chỉ để hưởng thụ ở khách sạn nhiều sao, mà vì yêu cầu chính trị, kinh tế, tìm hiểu về đất nước, con người, lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc… |
Thứ hai, ông tới Việt Nam không chỉ để thúc đẩy bỏ cấm vận, mà đã nghĩ tới những vấn đề “hậu cấm vận”, xem kế hoạch sau khi Mỹ bỏ cấm vận thì Việt Nam thế nào… Ngay từ lúc đó, ông đã đặc biệt ấn tượng về Hà Nội, ca ngợi nhiều kiến trúc Pháp cổ, công viên cây xanh, hồ nước... rất đẹp. Ông gợi ý rằng sớm quy hoạch, bảo vệ các sông hồ, công viên, cây xanh, bảo tồn, tu bổ các khu phố, kiến trúc cổ đẹp. Ông tin số tiền Việt Nam thu được từ du khách thăm phố cổ, chùa chiền, nhà thờ, miếu, nhà tù… sẽ lớn hơn từ các khách sạn và nên quy hoạch riêng các khu cơ quan trung ương, địa phương, khu cư dân ở, khu thương mại, khu Ngoại giao đoàn, các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc…. như ở nhiều nước khác.
Thứ ba, ông gợi ý Hà Nội và các đô thị nên khống chế chiều cao và xây dựng các nhà cao tầng trải dài ra các tỉnh xung quanh. Ông cũng cho rằng nêu cần quy hoạch làm đường vỉa hè làm khoảng không công cộng để phục vụ mọi người dân; Hà Nội chỉ cần chỉnh trang, làm vỉa hè rộng sẽ thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế. Những thay đổi này sẽ góp phần vừa giảm mật độ và giãn cư dân nội đô Hà Nội vừa đô thị hoá, trải dài, mở rộng ra các tỉnh và vùng xung quanh Hà Nội, tăng tỷ lệ đô thị hoá như ở nhiều nước phát triển.
Cuối cùng, ông gắn vấn đề quy hoạch Hà Nội và các thành phố với đối phó biến đổi khí hậu. Sau này, tôi mới biết ngay trong năm 1992, ông chính là một trong những chính khách đi đầu trên thế giới thúc đẩy Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trên thế giới về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở Rio de Janeiro, Brazil.
Trong năm 2022, ông đã trở lại Việt Nam với tư cách đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về biến đổi khí hậu, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương và thực hiện thoả thuận tại Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP-26 và COP mà Việt Nam - được coi là một trong 5 nước bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu - đã cam kết mạnh mẽ và cũng là vấn đề ông nêu đúng 30 năm trước.
Đại sứ Hà Huy Thông cho rằng những góp ý của ông John Kerry vẫn còn mang tính thời sự với quy hoạch Hà Nội và các đô thị khác ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. (Nguồn: VGP) |
Vậy còn bây giờ thì sao, thưa Đại sứ?
30 năm qua, tình hình thế giới, Việt Nam, quan hệ hai nước đã có nhiều phát triển quan trọng.
Đại hội Đảng XIII (năm 2021) đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030 và 2045 trong khi Việt Nam tiếp tục thực hiện Chương trình các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030 (SDGs 2030) với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm. Trong đó, vấn đề biến đổi khi hậu và đô thị hoá liên quan đến nhau và được các thành viên Liên hợp quốc dành nhiều thời gian hàng đầu trước khi được thông qua tháng 9/2015.
Hiện Đảng và Nhà nước đang bàn Quy hoạch tổng thể quốc gia, làm nhiều Luật liên quan quan trọng như Luật đất đai… và đang thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông, đường cao tốc, cảng biển, sân bay... như một trong 3 đột phá mà Đảng đề ra.
Việc hình thành và triển khai một chiến lược đô thị hoá bền vững gắn với đối phó với biến đổi khí hậu sẽ vừa góp phần cụ thể hoá và thực hiện Chiến lược phát triển đến 2030 và 2045, đồng thời góp phần thực hiện Mục tiêu 11 về “Đô thị hoá bao trùm, có khả năng chống chịu và bền vững” trong 17 Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến 2030 cũng như Chiến lược đô thị hoá bền vững của ASEAN (ASUS - ASEAN Sustainable Urbanization Strategy) với tư cách là thành viên tích cực và có trách nhiệm.
Xin cảm ơn Đại sứ!
Ông Hà Huy Thông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, từng đảm nhiệm các vị trí trong lĩnh vực đối ngoại như Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan (2006-2010), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (2011-2016). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước phong hàm Đại sứ. Ông hiện tham gia một số Hội về hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. |