Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan. |
Chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người vốn dành sự quan tâm rất lớn đến mối quan hệ hợp tác thiết thực với Hàn Quốc, kể từ sau khi được bầu làm Thủ tướng Chính phủ vào năm 2016, sẽ là chất xúc tác thúc đẩy mối quan hệ Hàn - Việt nói riêng và quan hệ Hàn Quốc - ASEAN nói chung.
Quê hương và những dự định
Với việc được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam lần này, tôi có nhiệm kỳ công tác thứ tư tại Việt Nam. Việt Nam là quê hương yêu dấu trong lòng tôi, nơi tôi đã dành một nửa cuộc đời sự nghiệp ngoại giao của mình. Tôi rất mừng khi được những người bạn mà tôi quen qua công việc cũng như qua thời gian học tập tại Việt Nam trong những năm tháng trước đây chào đón tôi quay trở lại bằng một tình cảm ấm áp như họ vẫn luôn như vậy và tôi chỉ còn biết cảm ơn họ. Tôi vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm quý giá với những người bạn đó tại Việt Nam mà không thể kể hết được bằng lời.
Đã hơn một tháng trôi qua kể từ khi tôi đến Việt Nam nhận nhiệm vụ và bắt đầu nhiệm kỳ, cảm nhận rõ đây là cương vị với nhiều trọng trách mà tôi sẽ phải thực hiện trong thời gian tới. Bất chấp môi trường quốc tế đầy bất ổn như cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung, sự chững lại của nền kinh tế toàn cầu…, Việt Nam vẫn thu hút được sự chú ý của cả thế giới bằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng và tiềm năng tăng trưởng lớn. Tôi cảm thấy vô cùng vinh dự khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Hàn Quốc tại một quốc gia quan trọng như Việt Nam.
Năm 2022, Việt Nam và Hàn Quốc sẽ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Tôi cho rằng, trong vòng 3 năm tới sẽ là giai đoạn vô cùng quan trọng. Trong nhiệm kỳ này, tôi sẽ làm việc và đặt ra tầm nhìn hướng tới tương lai để thấy mối quan hệ Hàn - Việt đang ở tầm cao nhất hiện nay sẽ được phát triển sâu sắc đến mức nào trong 30 năm tới.
Thứ nhất, quan hệ hợp tác kinh tế Hàn - Việt sẽ được chú trọng để hai nước trở thành động lực tăng trưởng của nhau, cùng phát triển, cùng tăng trưởng. Tôi cũng sẽ nghiên cứu phương án nâng cấp tiêu chuẩn của Hiệp định thương mại tự do Hàn - Việt đã có hiệu lực từ năm 2015. Bên cạnh việc tích cực hỗ trợ Việt Nam tự lực trong các ngành công nghiệp Việt Nam cần, tôi cũng sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực tăng trưởng mới để đón đầu thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như khoa học công nghệ, thông tin viễn thông, đô thị thông minh, năng lượng mới và tái tạo…
Thứ hai, nhân dịp khai trương Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng trong năm nay, Hàn Quốc sẽ tích cực thúc đẩy hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp vào khu vực miền Trung, bằng cách triển khai xây dựng cơ chế hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền Trung Việt Nam với vai trò trung tâm của Đại sứ quán Hàn Quốc, đóng góp cho sự phát triển của khu vực này. Bên cạnh đó, trên cơ sở kết quả thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Mekong được tổ chức lần đầu tiên tại Busan lần này, Hàn Quốc sẽ tích cực tìm kiếm phương án đóng góp cho sự phát triển của khu vực Mekong.
Thứ ba, nhiều hoạt động nhằm đơn giản hoá thủ tục cấp thị thực cho công dân hai nước và nâng cao sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước sẽ được triển khai. Thông qua đó, hai nước tiếp tục mở rộng giao lưu nhân dân trên nền tảng trật tự giao lưu lành mạnh. Đặc biệt, thúc đẩy giao lưu văn hoá hai chiều như giới thiệu rộng rãi tới người dân Hàn Quốc về nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam, từ đó xây dựng mối quan hệ hợp tác văn hoá bền chặt trong tương lai.
Cuối cùng, cùng với việc tăng cường hợp tác trên nhiều phương diện như vậy, Việt Nam - Hàn Quốc cần nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, nhằm nâng mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược lên mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.
Các đại biểu hai nước tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam - Hàn Quốc. |
Sức hấp dẫn của thị trường Việt
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang được duy trì một cách vững chắc. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, đồng thời Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc chỉ sau Trung Quốc và Mỹ. Đặc biệt, sau khi Hiệp định thương mại tự do Hàn Quốc - Việt Nam có hiệu lực vào năm 2015, giao thương giữa hai nước đã phát triển vượt bậc.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam hiện đã có hơn 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc bao gồm Tập đoàn Điện tử Samsung hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Chỉ cần nhìn số lượng nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam là có thể thấy, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Hàn Quốc và Việt Nam ngày càng trở nên bền chặt.
Đặc biệt, trong bối cảnh cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung kéo dài, nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu sẽ dịch chuyển cứ điểm sản xuất đến Việt Nam. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã có hiệu lực từ đầu năm nay, nếu Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực trong năm tới, sức hấp dẫn đầu tư của Việt Nam trong số các nước ASEAN sẽ được nâng cao đáng kể.
Tôi mong rằng, các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ tích cực tận dụng môi trường đầu tư và thương mại của Việt Nam, lấy Việt Nam làm bước đệm để khai thác những thị trường mới như ASEAN, EU,…
Cây cầu kết nối
Đối với Việt Nam, giai đoạn năm 2020-2021 là giai đoạn vô cùng quan trọng trên trường quốc tế. Đúng vào năm Việt Nam kỷ niệm 25 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, đồng thời đảm nhiệm vị trí thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Hàn Quốc mong rằng, trong thời gian Việt Nam - đối tác có mối quan hệ song phương tốt đẹp nhất với Hàn Quốc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, xung lực để thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới mà Chính phủ Hàn Quốc đang triển khai như một chiến lược quốc gia trọng tâm và quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN sẽ được tăng cường lên một tầm cao hơn.
Mối quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam kể từ sau khi được thiết lập vào năm 1992, chỉ trong vòng một thế hệ đã có những bước phát triển rực rỡ đến kinh ngạc. Kết quả, trong tổng quan hợp tác chung giữa Hàn Quốc và ASEAN về thương mại, đầu tư, ODA, giao lưu nhân dân, Việt Nam đã chiếm tỷ trọng gần như một nửa. Việt Nam đã trở thành một trong bốn đối tác hợp tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc bên cạnh Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Bên cạnh đó, nhờ có sự ảnh hưởng từ “hội chứng huấn luyện viên Park Hang-seo” và làn sóng văn hoá Hàn Quốc Hallyu, sự mở rộng giao lưu nhân dân song phương, tình cảm yêu mến và mức độ thân thiết giữa nhân dân hai nước rất lớn. Tôi cho rằng, Hàn Quốc có thể phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác Hàn Quốc - ASEAN với điểm sáng là mối quan hệ Hàn - Việt.
Bên cạnh đó, Hàn Quốc kỳ vọng vào vai trò mang tính xây dựng hơn nữa của Việt Nam và ASEAN đối với tiến trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn và thiết lập nền hoà bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên. Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) là cơ chế hợp tác an ninh duy nhất của khu vực mà Triều Tiên tham gia. Các nước thành viên ASEAN đang mở rộng hợp tác thiết thực với Hàn Quốc và duy trì mối quan hệ truyền thống với Triều Tiên. Đặc biệt, Việt Nam đã có nhiều đóng góp như tổ chức Hội đàm thượng đỉnh Mỹ - Triều vào tháng 2 vừa qua, đón Chủ tịch Kim Jong-un thăm chính thức. Tôi mong rằng Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm tới.