Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam ngày 19/3/2024. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Đại sứ chia sẻ kỳ vọng và tầm quan trọng của chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc?
Chuyến thăm lần này sẽ là bước ngoặt lịch sử tiếp tục nâng quan hệ Hàn Quốc-Việt Nam vốn được đánh giá đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất lên một tầm cao hơn. Đặc biệt, chuyến thăm lần này là chuyến thăm Hàn Quốc đầu tiên ở cấp lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Đồng thời, chuyến thăm diễn ra sau chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Yoon Suk Yeol đúng một năm nên càng có ý nghĩa đặc biệt.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam. (Ảnh: Phạm Hằng) |
Cụ thể hơn, dự kiến Thủ tướng hai nước sẽ trao đổi về việc mở rộng hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực, bao gồm lĩnh vực kinh tế như mở rộng hợp tác thương mại, khoáng sản quan trọng, hợp tác lao động, cũng như hợp tác lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số, giao lưu nhân dân, văn hóa, du lịch, giao lưu địa phương…
Ngoài ra, hai nước cũng sẽ cùng tìm kiếm phương án nhằm tăng cường hợp tác khu vực như ASEAN, Mekong và hợp tác để ứng phó với các thách thức chung toàn cầu như biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, Thủ tướng hai nước sẽ cùng trao đổi những ý kiến liên quan vì hòa bình và thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Nhân dịp này các văn kiện hợp tác giữa cơ quan chính phủ hai nước trong các lĩnh vực như kinh tế, môi trường, giáo dục và học thuật, hợp tác phát triển... cũng sẽ được ký kết.
Chúng tôi kỳ vọng chuyến thăm Hàn Quốc lần này sẽ là chuyến thăm nước ngoài thành công nhất trong năm 2024 của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thông qua chuyến thăm lần này, hai nước sẽ tiếp tục nâng cao hợp tác chiến lược và thực chất giữa hai nước lên mức xứng tầm với Đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ hai nước vốn đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất tiếp tục được phát triển “tốt đẹp hơn”.
Tháng Ba năm ngoái, Đại sứ đã có một cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân dịp nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam. Đại sứ cảm nhận như thế nào về tâm huyết của Thủ tướng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa hai nước, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn và AI?
Tôi rất ngưỡng mộ nhiệt huyết của Thủ tướng Phạm Minh Chính về hợp tác kinh tế với Hàn Quốc. Mỗi lần gặp Thủ tướng, tôi đều cảm nhận rằng ông đang lãnh đạo Chính phủ Việt Nam để tạo bước nhảy vọt trong lĩnh vực công nghệ cao với nhiệt huyết, niềm tin vững chắc và tầm nhìn mạnh mẽ nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự quan tâm to lớn về hợp tác với Hàn Quốc - đất nước có những bước phát triển đáng chú ý trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn. Năm ngoái, Thủ tướng cũng đã trực tiếp tới thăm các doanh nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam như Tập đoàn điện tử Samsung, Hana Micron.
Thông qua chuyến thăm lần này, hai nước sẽ tiếp tục nâng cao hợp tác chiến lược và thực chất giữa hai nước lên mức xứng tầm với Đối tác chiến lược toàn diện, mối quan hệ hai nước vốn đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất tiếp tục được phát triển “tốt đẹp hơn”. |
Dựa trên nhiệt huyết và tầm nhìn đó của Thủ tướng, Chính phủ Việt Nam đang tích cực đề nghị Chính phủ Hàn Quốc đầu tư và hợp tác trong ngành công nghệ cao như bán dẫn và AI.
Hàn Quốc cũng ủng hộ đề nghị này và sẽ tích cực tìm kiếm hợp tác trong ngành công nghệ cao vì sự phát triển mang tính bổ trợ và cùng có lợi của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.
Để phát triển ngành công nghệ cao của Việt Nam, không chỉ đầu tư của Hàn Quốc mà vai trò và nỗ lực của Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Trước hết, Việt Nam cần phát triển các yếu tố hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghệ cao như nhân lực kỹ thuật tay nghề cao, ngành công nghiệp hỗ trợ, hệ sinh thái khoa học công nghệ.
Các ưu đãi đầu tư, việc cung cấp điện nước ổn định, mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, cung cấp thuận lợi nguồn nhân lực lành nghề, chuyên môn cũng hết sức quan trọng. Tôi hy vọng lãnh đạo cấp cao của hai nước sẽ có những trao đổi ý nghĩa nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao nhân chuyến thăm Hàn Quốc lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 một lần nữa được nhấn mạnh trong chuyến thăm Hàn Quốc vừa qua của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Đại sứ có thể chia sẻ chiến lược để có thể sớm cán đích mục tiêu này?
Thương mại và đầu tư là một trong những trụ cột trọng tâm của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc. Là những đối tác thương mại lớn thứ 3 của nhau, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng 161 lần, từ 490 triệu USD vào năm 1992 – thời điểm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, lên 79,4 tỷ USD vào năm 2023.
Quy mô kim ngạch thương mại hai chiều là thước đo cho thấy quan hệ kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc được làm sâu sắc và mở rộng tới mức nào trong thời gian qua. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa hai nước cũng giảm khoảng 9% so với năm trước do ảnh hưởng của sự suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.
Hàn Quốc coi việc mở rộng hợp tác thương mại với Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng. Tại hội đàm cấp cao diễn ra vào năm ngoái, hai nước Việt Nam và Hàn Quốc đã nhất trí đặt mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 150 tỷ USD vào năm 2030. Ngoài ra, nhân chuyến thăm Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, hai nước được kỳ vọng sẽ xác định mục tiêu mới là đạt kim ngạch thương mại hai chiều 100 tỷ USD vào năm 2025 – năm kỷ niệm 10 năm ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Để củng cố hơn nữa hợp tác kinh tế và đạt mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước, cần có các biện pháp đa dạng, thiết thực và cụ thể đi kèm. Đặc biệt, tôi cho rằng việc Chính phủ tăng cường chính sách tạo thuận lợi thương mại để có thể đẩy mạnh giao thương trong khu vực tư nhân là vô cùng quan trọng.
Ví dụ, hai nước đang trao đổi để ký kết Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO) trong năm 2024. Các doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng các loại ưu đãi như được thông quan nhanh chóng, từ đó, thương mại giữa hai nước có thể được mở rộng.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng hai nước hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch thương mại đạt 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030 nếu thực hiện các biện pháp thực chất như vậy và tìm kiếm phương án hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại thông qua việc cùng nghiên cứu học thuật.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young-sam (thứ hai, từ trái sang) ghé thăm gian hàng Hàn Quốc tại Vietnam Expo 2024 tháng 4/2024. (Nguồn: Bộ Công Thương) |
Đại sứ đánh giá ra sao về quyết tâm của Việt Nam trong việc bắt kịp các xu hướng phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững?
Quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng nóng như mùa Hè Việt Nam. Việt Nam đã xác định mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và nêu rõ định hướng chiến lược coi phát triển bền vững trên nền tảng khoa học công nghệ và chuyển đổi số là một trong những định hướng phát triển quốc gia trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030.
Quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững cũng nóng như mùa hè Việt Nam. |
Chuyển đổi số và tăng trưởng xanh là những lĩnh vực mà mọi quốc gia đang tập trung phát triển để đảm bảo động lực tăng trưởng tương lai, do đó tất cả các cơ quan từ Đảng, Chính phủ, Quốc hội cho đến chính quyền địa phương Việt Nam đều đề nghị Hàn Quốc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác công nghệ… liên quan đến phát triển bền vững.
Hàn Quốc cũng tích cực đáp ứng những đề nghị này của Việt Nam và đang tìm kiếm nhiều phương án hợp tác đa dạng. Trong lĩnh vực hợp tác về chuyển đổi số, Hàn Quốc đang tập trung triển khai hợp tác nghiên cứu phát triển công nghệ số thông qua Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST), giao lưu sôi nổi giữa các doanh nghiệp ICT Hàn Quốc-Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực kỹ thuật số.
Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cũng đang ngày càng được củng cố. Theo Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu Hàn Quốc-Việt Nam được ký kết giữa hai nước, cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm công tác chung hợp tác về Biến đổi khí hậu đã được tổ chức vào ngày 20/6 vừa qua.
Qua Nhóm công tác này, hai nước dự kiến sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và hợp tác trong các lĩnh vực bao gồm các dự án giảm khí thải nhà kính quốc tế, chuyển đổi năng lượng không carbon như hydro xanh và các ngành công nghiệp xanh như tái chế chất thải và chuyển đổi thành năng lượng, quản lý nước thông minh...
Với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Việt Nam có thể đóng góp như thế nào vào việc thực hiện Sáng kiến Đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc, thưa Đại sứ?
Việt Nam là người bạn tốt nhất của Hàn Quốc trong khu vực ASEAN. Với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện và là đối tác trọng tâm trong chính sách ASEAN của Hàn Quốc, Việt Nam đang dành tình cảm đặc biệt và ủng hộ tích cực quan hệ Hàn Quốc-ASEAN.
Với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại Hàn Quốc – ASEAN, Việt Nam đã tích cực ủng hộ các sáng kiến của phía Hàn Quốc trong nhiều dịp khác nhau. Nhân dịp này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Việt Nam vì đã thực hiện đầy đủ vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc với tư cách là người bạn tốt nhất của Hàn Quốc trong 3 năm vừa qua.
Năm nay là năm kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối thoại Hàn Quốc-ASEAN. Hàn Quốc đang nỗ lực nhằm nâng cấp quan hệ ASEAN-Hàn Quốc lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện dựa trên những thành quả mà Hàn Quốc và ASEAN đạt được trên mọi lĩnh vực bao gồm chính trị, kinh tế và xã hội.
Trong quá trình này, Hàn Quốc cần sự giúp đỡ của người bạn tốt nhất. Hàn Quốc mong Việt Nam dành nhiều quan tâm để Hàn Quốc có thể trở thành Đối tác chiến lược toàn diện không chỉ của Việt Nam mà còn của toàn bộ khu vực ASEAN.
Ngoài ra, năm nay là năm đầu tiên thực hiện Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN (KASI), chính thức triển khai các dự án trọng tâm trong khuôn khổ Sáng kiến. Tôi tin rằng các Dự án tiêu biểu của KASI - Khuôn khổ Đổi mới số Hàn Quốc – ASEAN (KADIF) và Dự án Đối tác hành động về khí methan Hàn Quốc-ASEAN (PARMA) được Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trực tiếp công bố tại Hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc-ASEAN vào năm ngoái sẽ được triển khai thuận lợi với sự hỗ trợ của phía Việt Nam.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hội kiến Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo Thủ tướng Han Duck Soo khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là đối ... |
| Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc phát triển thực chất, toàn diện và lâu dài Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa ... |
| Thêm những dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng triển khai các hoạt động hợp tác địa phương Yên Bái-Hàn Quốc Từ ngày 14-16/6, đại diện Hiệp hội Doanh nhân và đầu tư Việt Nam-Hàn Quốc (VKBIA) đã cùng đoàn công tác cấp cao của tỉnh ... |
| Phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác Quốc hội Việt Nam và Hàn Quốc Các hoạt động của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc đã được triển khai tích cực, hiệu quả với nhiều hoạt động tiếp ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp thăm chính thức Hàn Quốc Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 27/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ thăm chính thức Hàn Quốc ... |