Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshca. (Nguồn: TTXVN) |
Giải pháp y tế hữu hiệu
Đánh giá về nỗ lực chống dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, Đại sứ Israel chỉ ra rằng Việt Nam đã rất chuyên nghiệp trong việc ngăn chặn sự xâm nhập của Covid-19 ngay từ thời điểm dịch bệnh bùng phát trên thế giới.
"Về cơ bản, trong năm đầu tiên khi đa số các quốc gia đang phải vật lộn với dịch bệnh trong đó có Israel, cuộc sống của người dân Việt Nam diễn ra gần như bình thường. Nhờ đó, rất nhiều sinh mạng đã được cứu sống và đây là một thành công lớn của Chính phủ Việt Nam", Đại sứ Nadav Eshca đánh giá.
Đồng thời, Đại sứ Nadav nhận định rằng Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để tìm ra các giải pháp y tế hữu hiệu nhất nằm khống chế dịch bệnh, trong đó đặc biệt quan trọng là chương trình tiêm vaccine Covid-19.
Tới thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những nước có số dân được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới. Sự khác biệt này có thể thấy rõ tại miền Nam khi nhìn lại thời điểm đầu cuộc khủng hoảng (khoảng nửa năm trước khi chưa được tiêm vaccine), và hiện tại. Dù vẫn có nhiều ca nhiễm, tỉ lệ tử vong đã giảm đáng kể.
"Với những gì có trong tay, Việt Nam đã làm rất tốt về mặt y tế", Đại sứ Israel khẳng định.
Về kinh tế, trong khi rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, kinh tế Việt Nam vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Đặc biệt, ngay cả trong đại dịch, kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2020 vẫn tăng 36%, và năm 2021 tăng 15-20%. Có thể nói, bất chấp sự hoành hành của đại dịch, quan hệ thương mại giữa hai quốc gia vẫn nắm bắt được nhiều cơ hội to lớn.
Tận dụng tối đa tiềm năng song phương
Theo Đại sứ Nadav Eshcar, việc hoàn tất ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Isreal dự kiến trong năm nay sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hai nền kinh tế, cũng như làm sâu sắc thêm mối quan hệ truyền thống giữa hai quốc gia.
Ông Nadav Eshcar dự báo sau khi có hiệu lực, FTA sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai nước và có thể dễ dàng đưa kim ngạch xuất nhập khẩu song phương từ mức hiện tại gần 2 tỷ USD lên 3 - 4 tỷ USD/năm.
Khởi động đàm phán từ tháng 12/2015, cho đến nay, Việt Nam và Israel đang ở những bước đàm phán cuối cùng để tiến tới ký kết FTA trong năm 2022.
Theo Đại sứ Nadav Eshca , về cơ bản, cơ cấu mặt hàng của Israel và Việt Nam bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Trong khi Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng thế giới, Israel là quốc gia hàng đầu về các sản phẩm công nghệ cao.
Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh như nông nghiệp sang Israel, đồng thời giúp Việt Nam có điều kiện tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Israel có thể bổ sung cho Việt Nam những thế mạnh khác của quốc gia này như an ninh mạng, giáo dục, viễn thông và y tế.
"Sự kiện hai nước mới đây ký thỏa thuận hợp tác sản xuất thuốc điều trị Covid-19 là minh chứng rõ ràng nhất cho tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia", ông Nadav Eshca dẫn chứng.
Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác vaccine Covid-19 đường uống Oravax từ đầu cầu Hà Nội ngày 29/12/2021. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Liên quan đến Hiệp định hợp tác lao động mà hai nước khởi động đàm phán từ đầu năm 2021 nhằm đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại Israel trong lĩnh vực nông nghiệp, Đại sứ Nadav cho biết hai bên đang tiến hành đàm phán một cách cẩn trọng, tiến tới sự đồng thuận cao, đặc biệt phải đảm bảo tốt quyền lợi đầy đủ của người lao động.
Hiện tại mỗi năm có khoảng 700 sinh viên Việt Nam tới Israel theo hình thức vừa học vừa làm trong các nông trại nhằm học hỏi cách thức vận hành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Khi trở về, với kiến thức thu nhận được sau quá trình học tập cùng thu nhập từ lao động, các sinh viên này có thể khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.
Sau 12-13 năm vận hành, chương trình đã chứng kiến nhiều câu chuyện sinh viên Việt Nam trở về từ Israel lập nghiệp thành công tại nhiều tỉnh, thành phố. Bên cạnh “tinh thần khởi nghiệp Israel”, Đại sứ Nadav cho rằng những sinh viên này còn đưa công nghệ và kiến thức về áp dụng tại địa phương, góp phần cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức kể từ năm 1993. Trải qua gần 30 năm, mối quan hệ song phương ngày càng phát triển trên nhiều lĩnh vực, nhất là hợp tác khoa học công nghệ và thương mại. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Israel ở khu vực Đông Nam Á với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt khoảng 1,8 tỷ USD. |
| Bất chấp đại dịch, kinh tế Israel vẫn tăng trưởng ấn tượng nhờ công nghiệp công nghệ cao Theo một nghiên cứu mới đây của công ty đánh giá tín dụng Dunn & Bradstreet, nền kinh tế của Israel đã đạt mốc tăng ... |
| Israel thành lập Cục chống khủng bố quốc gia Ngày 2/2, chính phủ Israel đã quyết định nâng cấp Cục cảnh sát chống khủng bố thành Cục chống khủng bố quốc gia (NCTU) nhằm ... |