Back to E-magazine
e magazine
17:07 | 03/12/2020
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới và bài toán hai bên cùng thắng (Phần 1)

17:07 | 03/12/2020

TGVN. Vẫn chất giọng Nghệ dễ dàng nhận biết, vẫn thường đóng bộ sơ mi sáng màu một cách chỉn chu, ông từng có 8 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, đúng vào những thời điểm quan trọng của quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới và bài toán hai bên cùng thắng (Phần 1)

Vẫn chất giọng Nghệ dễ dàng nhận biết, vẫn thường đóng bộ sơ mi sáng màu một cách chỉn chu, ông từng có 8 năm làm Chủ nhiệm Ủy ban biên giới quốc gia, đúng vào những thời điểm quan trọng của quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc trên bộ với Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Phỏng vấn ông lần đầu năm 2016 khi ông là Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, tôi thực sự bất ngờ khi ông kể cụ thể từng mốc thời gian liên quan đến các hoạt động đàm phán, phân giới, cắm mốc biên giới; nhớ rành mạch đường biên ấy dài bao nhiêu cây số, có bao nhiêu vị trí mốc chính, mốc phụ, cột mốc, rồi các Nghị định thư có bao nhiêu trang nội dung, bao nhiêu trang phụ lục.

Gặp lại trong một buổi nói chuyện gần đây giữa ông với các cán bộ hưu trí Bộ Ngoại giao với chủ đề về Biển Đông. Vẫn phong thái ấy, ông phân tích diễn biến của quá trình tranh chấp Biển Đông, từ giai đoạn “sóng ngầm” cho đến những khi “dậy sóng”, từ khi các đối tác bên ngoài còn “thơ ơ” cho đến khi cường quốc hàng đầu thế giới hay tổ chức khu vực thành công nhất toàn cầu đều lên tiếng nhấn mạnh những tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến "quyền lịch sử" trên Biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các điều khoản của Công ước về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) 1982.

Dù đã nghỉ hưu nhưng với nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, việc theo dõi công tác biên giới lãnh thổ như là hơi thở. Cũng dễ hình dung khi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, trong lễ trao quyết định nghỉ hưu cho ông vào năm 2019, nhận xét ông là cán bộ dày dạn kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực công tác đối ngoại nhưng nhấn rõ thêm rằng: “Những đóng góp của đồng chí Hồ Xuân Sơn trong suốt quá trình 41 năm công tác tại Bộ Ngoại giao cũng là những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc an ninh, chủ quyền biên giới, lãnh thổ, phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước ta”.

Được bổ nhiệm là Phó Chủ nhiệm tháng 11/2007 rồi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia tháng 6/2008, công việc của ông gắn với những chuyến đi tới các vùng biên và những cuộc đấu trí, đấu lý căng thẳng trên bàn đàm phán.

“Tôi tham gia công tác biên giới Việt Nam – Trung Quốc vào thời gian cuối, khi việc phân giới cắm mốc giữa hai bên đang đi vào giải quyết những khu vực cuối cùng và đàm phán hoàn thiện các văn bản pháp lý về biên giới đất liền”, ông Hồ Xuân Sơn chia sẻ.

Sau Tuyên bố chung ngày 31/12/2008 về hoàn thành Phân giới cắm mốc Việt - Trung, ngày 19/11/2009, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, được sự ủy quyền của Chính phủ Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vũ Đại Vỹ, được sự ủy quyền của Chính phủ Trung Quốc, đã ký 3 văn kiện pháp lý quan trọng: Nghị định thư về Phân giới cắm mốc (PGCM), Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần 1)

Ngày 14/7/2010, hai bên tuyên bố 3 văn kiện ký ngày 18/11/2009 chính thức có hiệu lực, được đăng ký và nộp lưu chiểu lên Liên hợp quốc.

“Với việc ký kết, đưa 3 văn kiện về biên giới nói trên đi vào cuộc sống, chúng ta đã hoàn tất toàn bộ công tác hoạch định biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc. Đó là kết quả của cả một quá trình đàm phán gian nan, vất vả, bắt đầu từ năm 1974 và kéo dài tới 36 năm trời, có lúc bị chững lại rất lâu (từ năm 1980 đến năm 1991) nhưng cuối cùng đã đi đến ‘ga cuối’, hoàn thành sứ mệnh lịch sử giao phó, tạo cơ sở quan trọng cho việc xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định lâu dài giữa hai nước”.

Theo ông Sơn, cuộc đàm phán biên giới trên bộ bắt đầu từ năm 1992, ngay sau khi Việt Nam, Trung Quốc chính thức bình thường hoá quan hệ, là cuộc đàm phán dài nhất (18 năm ròng rã), thực chất và cam go nhất, đồng thời cũng ghi nhận được nhiều thành quả quan trọng nhất.

Tháng 10/1993, hai bên ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ; Tháng 12/1999, hai bên ký Hiệp ước biên giới trên đất liền; Tháng 12/2008, hai bên ra Tuyên bố chung về việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc; Tháng 7/2009, hai bên ký kết 3 văn bản pháp lý về biên giới đất liền giữa hai nước.

Ông Sơn cho rằng việc hoàn thành hoạch định biên giới trên bộ giữa Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử rất sâu sắc và ý nghĩa thực tiễn hết sức to lớn, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh trật tự biên giới và thúc đẩy mạnh mẽ giao lưu hợp tác giữa hai nước.

Mỗi lần có dịp lên biên giới phía Bắc, nhìn những cánh rừng xanh mát, những con sông biên giới hiền hòa và những dòng người, xe sôi động qua lại các cửa khẩu, ông Sơn lại bồi hồi xúc động nhớ lại những chuyến công tác lên Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh trong những năm 1980 khi biên giới còn mịt mù khói súng.

Ngay cả những năm sau khi Việt Nam – Trung Quốc đã bình thường hóa quan hệ, ông vẫn còn tận mắt chứng kiến những cảnh tượng bộ đội biên phòng và dân cư hai bên cãi vã, ném đá vào nhau do tranh chấp biên giới gây ra. Nhớ lại những cảnh tượng đó làm cho ông càng thêm trân quý đường biên giới hòa bình, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc ngày nay.

Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng

Lễ cắm cột mốc 1116, một trong những cột mốc cuối cùng trên tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc, tháng 12/2008 (Ông Hồ Xuân Sơn đứng hàng đầu, thứ ba từ phải).

Đầu năm 2008, Chính phủ hai nước Việt Nam, Lào phê duyệt “Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào” thì tháng 7/2008, ông Hồ Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc Việt – Lào và đây là dự án ông được tham gia trọn vẹn từ đầu đến cuối.

Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng

Ông Sơn giải thích, sở dĩ gọi “tăng dày, tôn tạo” là vì biên giới Việt – Lào đã được hoạch định, hoàn thành phân giới căm mốc từ năm 1984. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế lúc đó của hai nước đang còn nhiều khó khăn nên chất lượng cột mốc chưa cao, khoảng cách giữa các cột mốc còn dài, nên nay phải tăng dày, tôn tạo. Nghĩa là phải xây thêm mốc giới, đóng thêm cọc dấu cho ‘dày” và tôn tạo lại mốc giới cũ cho khang trang, bền vững tương tự như các cột mốc trên biên giới Việt - Trung.

“Nghe tưởng dễ, nhưng khi bắt tay vào làm thì cũng gặp không ít khó khăn”, ông Sơn nhớ lại.

Trong 3 tuyến biên giới trên bộ của nước ta thì tuyến Việt - Lào dài nhất, 2.340 km, lại có địa hình hiểm trở, độ cao từ 1000 đến 2.000 mét; thời tiết khắc nghiệt, nóng lạnh, mưa lũ thất thường; bom mìn do chiến tranh để lại còn nằm la liệt khắp nơi. Đã có không ít anh em khi đi khảo sát đường biên bị lạc trong rừng có khi đến vài ba ngày, phải uống nước suối, ăn rau quả cầm hơi. Có nhiều đội cắm mốc phải gùi nguyên vật liệu trên lưng, lội bộ mấy ngày trời mới đến được nơi thi công cắm mốc.

Ông Sơn kể, tháng 7/2009, ông và ông Bounkeut Sangsomsak, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc Lào – Việt, cùng đi khảo sát biên giới ở khu vực huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Hai ông thật sự kinh ngạc khi thấy một cột mốc vừa xây xong không lâu đã bị nước lũ xoáy tạo thành một hố sâu đến mấy mét ngay dưới chân mốc; còn dòng suối trước đây nằm gần kề cột mốc thì nay đã chuyển ra xa đến mấy trăm mét.

Trên đường về, ông Sơn và đoàn công tác ghé thăm, dâng hương hoa trước bia tưởng niệm 5 cán bộ, chiến sĩ bị nước lũ cuốn trôi ngày 11/8/1978 khi đang làm nhiệm vụ phân giới cắm mốc ở khu vực biên giới xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Đến cuối năm 2015, toàn bộ Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào đã hoàn thành cả trên thực địa cũng như các văn bản pháp lý liên quan. Đường biên giới quốc gia giữa hai nước đã được bổ sung, cắm mới 834 cột mốc và 168 cọc dấu.

Nếu như trước đây biên giới Việt Nam- Lào bình quân 10 km mới có một cột mốc, thì nay trung bình 2,6km đã có 1 cột mốc hoặc cọc dấu. "Biên giới Việt-Lào thực sự là một đường biên giới hữu nghị, hợp tác với một hệ thống mốc giới khang trang, hiện đại, bền vững", giọng ông Sơn tỏ rõ sự tự hào.

Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng
Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc Việt – Lào và Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc Lào – Việt Bounkeut Sangsomsak.

Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần 1)

Đọc thêm

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

'Việt Nam thực chất đã vận hành như một nền kinh tế thị trường'

Việc Mỹ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ nhất quán, phù hợp với việc tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, cụ thể hóa các cam kết để mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người tiêu dùng của cả hai nước. Chính việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường sẽ giúp đẩy nhanh việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, phù hợp với chiến lược friend-shoring của Mỹ để sắp xếp lại chuỗi cung ứng đến các quốc gia an toàn và đáng tin cậy.
Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Nước Nga - Những ký ức không xa và 'bản tình ca' theo năm tháng

Với Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh (nhiệm kỳ 2018-2021), bạn bè ông hay nhiều thế hệ người Việt từng đi qua những tháng năm chiến tranh rồi bỡ ngỡ bước chân vào hòa bình, Liên Xô, nước Nga, lý tưởng của người Nga đẹp đẽ vô cùng… “Tình yêu” ấy đến nay vẫn bỏng cháy và thiêng liêng.
OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.