Back to E-magazine
e magazine
09:00 | 09/12/2020
ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

09:00 | 09/12/2020

TGVN. Những cuộc đàm phán, đấu trí kéo dài; những lần “thót tim” vượt qua những vách núi hiểm trở; những khi xắn quần móng lợn, chân trần lội ruộng đi thực địa … với nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Hồ Xuân Sơn là những thời khắc khó quên và đáng tự hào đối với người làm công tác biên giới.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

BIÊN GIỚI
VIỆT NAM – CAMPUCHIA:
HÀNH TRÌNH GẬP GHỀNH

Tháng 11/2007, ông Hồ Xuân Sơn được bổ nhiệm làm Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Việt Nam – Campuchia.

Ngay sau khi nhậm chức, ông tập trung nghiên cứu sử sách, tài liệu liên quan biên giới hai nước, nhất là những văn kiện pháp lý gần đây như Hiệp ước về nguyên tắc giải quyết vấn đề biên giới giữa hai nước Việt Nam – Campuchia ký năm 1983, Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia Việt Nam – Campuchia ký năm 1985, Hiệp ước giữa Việt Nam và Campuchia bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985 ký năm 2005 v.v… Ông coi những văn kiện này là “bảo bối”, là “kim chỉ nam” cho công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia.

Biên giới Việt Nam – Campuchia dài 1245 km chưa bao giờ được phân giới cắm mốc trọn vẹn. Thời Pháp thuộc, Pháp và Campuchia từng phân giới cắm mốc một vài đoạn trên tuyến biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên nhưng nay trên thực địa hầu như không còn dấu tích gì. Trong những năm từ 1986 đến 1988, Việt Nam và Campuchia cũng chỉ mới phân giới được khoảng 200 km và cắm được 72 mốc thì dừng lại. Năm 1999, hai nước khôi phục đàm phán biên giới lãnh thổ.

Năm 2005, chính phủ hai nước quyết định triển khai phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, bắt đầu từ đầu năm 2006 và kết thúc vào cuối năm 2008. Khối lượng công việc hai bên cần hoàn thành trong ba năm là xây dựng 371 cột mốc tại 314 vị trí mốc, 1512 mốc phụ và 221 cọc dấu nhằm đảo bảo khoảng 700-800 mét thì có một cột mốc hoặc cọc dấu; đồng thời xây dựng các văn bản pháp lý về biên giới và bộ bản đồ biên giới Việt Nam - Campuchia.

Cho đến khi ông Sơn được giao nhiệm vụ, công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam – Campuchia đã tiến hành được gần 2 năm, nhưng hai bên chỉ mới cắm được một vị trí mốc (ở cửa khẩu Mộc Bài).

Ông Sơn thực sự lo lắng vì chỉ còn hơn 1 năm nữa làm sao có thể cắm hết 313 vị trí mốc giới còn lại? Ông đã triệu tập nhiều cuộc họp, lắng nghe ý kiến của cán bộ, chuyên gia nhiều ngành và địa phương khác nhau. Trên có sở phân tích những khó khăn khách quan và chủ quan, cùng với những tính toán cẩn thận về khả năng vật chất, năng lực thi công, Ủy ban biên giới mạnh dạn trình xin Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh kế hoạch hoàn thành công tác phân giới căm mốc trên biên giới Việt Nam – Campuchia đến cuối năm 2012. Kế hoạch này đã nhanh chóng được Thủ tướng Chính phủ hai nước phê duyệt.

Dù hai bên thực hiện công việc rất quyết liệt và khẩn trương nhưng ông Sơn bắt đầu thấy rằng mục tiêu hoàn thành phân giới cắm mốc với Campuchia vào năm 2012 cũng khó khả thi. Một lần nữa, ông báo cáo lên Chính phủ điều chỉnh mục tiêu hoàn thành phân giới cắm mốc với Campuchia càng sớm càng tốt chứ không đặt ra thời hạn.

“Quá trình đàm phán rất phức tạp, phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Việc đặt ra thời hạn có thể tạo ra sức ép cho những người làm công tác biên giới. Vấn đề biên giới rất nhạy cảm nên phải tiến hành từng bước chắc chắn, phù hợp với luật pháp quốc tế, đáp ứng được nhu cầu của hai bên. Hai bên cùng thắng mới được”.

Phân giới cắm mốc trên biên giới với Campuchia rất khác giải quyết biên giới đất liền với Trung Quốc. Với Trung Quốc sau khi hoàn thành việc xác định biên giới trên bản đồ rồi mới phần giới cắm mốc trên thực địa; còn với Campuchia thì vừa chuyển vẽ biên giới trên bản đồ, vừa phân giới cắm mốc trên thực địa. Do vậy phải thường xuyên kết hợp đàm phán với khảo sát, xử lý trên thực địa. Có những khi không khí bàn đàm phán “nóng” quá và bên nào cũng đưa ra những lập luận chắc chắn, không ai chịu ai thì lại đưa nhau đi thực địa, “lội ruộng”, “lội sình lầy” để tìm hướng giải quyết tiếp.

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

Bất đồng, sức cản và giải pháp đột phá

Tuy nhiên, quá trình triển khai thực tế cho thấy ta vẫn chưa lường hết được khó khăn trở ngại trong công tác phân giới cắm mốc với Campuchia, nhất là sức cản trong nội bộ Campuchia. Các đảng phái đối lập ở Campuchia thường xuyên lợi dụng vấn đề phân giới cắm mốc với Việt Nam để chống phá Chính phủ Campuchia, bôi nhọ Việt Nam, chia rẽ quan hệ hai nước. Chúng thường xuyên tổ chức biểu tình, kích động người dân Campuchia ra thực địa cản phá công tác phân giới cắm mốc.

Tháng 10/2009, ông Sam Rainsy, Chủ tịch Đảng Sam Rainsy, lôi kéo nhiều người đến nhổ 6 cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 mang về Phnôm Pênh. Tháng 6/2015, nghe theo bọn xấu xúi giục, hàng trăm người dân Campuchia đã gây ra vụ xô xát làm một số người dân Việt Nam bị thương ở khu vực mốc 202 - 203. Trong tháng 7 và tháng 8/2015, một số người dân Campuchia ra phá hoại các cột mốc 110.1 và 110.3. Mỗi lần như vậy Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc hai nước lại phải gặp nhau trao đổi, thậm chí cử đoàn xuống tận thực địa, để tìm giải pháp ổn định tình hình, tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi cho công tác phân giới cắm mốc.

Để tránh rắc rối có thể xảy ra, phía ta đã chủ động đề nghị đối với những khu vực chưa phân giới cắm mốc, ngoài việc nghiêm túc thực hiện Thông cáo báo chí chung Việt Nam – Campuchia ngày 17/1/1995 (không thay đổi, xê dịch các cột mốc biên giới; không để nhân dân xâm canh xâm cư), hai bên không được xây dựng các công trình trong phạm vi 100 mét tính từ đường quản lý thực tế về mỗi bên. Phía ta cũng chủ đồng đề nghị và được phía bạn chấp nhận về việc quy định phạm vi sai số kỹ thuật khi xác định vị trí mốc bằng GPS. Điều này đã giúp thu hẹp đáng kể bất đồng của hai bên khi chuyển đường biên giới ra thực địa.

Người làm công tác biên giới, vâu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)Hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam Campuchia, ông Hồ Xuân Sơn và ông Var Kimhong trao biên bản cuộc họp tại Vientiane ngày 9/7/2015.
Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

Sáng kiến hoán đổi đất

Trong các năm 2009 – 2010, ông Hồ Xuân Sơn đã cùng ông Var Kimhong, Bộ trưởng cao cấp, Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc Campuchia – Việt Nam, đi khảo sát nhiều đoạn biên giới ở các tỉnh tây Ninh, Long An, An Giang. Hai ông phát hiện nhiều làng của Campuchia nằm trên đất Việt Nam và cũng có nhiều làng của Việt Nam nằm trên đất Campuchia từ nhiều đời nay. Thậm chí có gia đình nhà và vườn của họ nằm vắt ngang đường biên giữa hai nước. Nếu theo phương châm đã định “cong ăn cong, thẳng ăn thẳng” thì sau khi phân giới cắm mốc các làng này sẽ phải dời về bên đất nước mình. Như vậy không chỉ gây tốn kém lớn về kinh tế mà còn làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

Người làm công tác biên giới, vâu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn (thứ tư từ phải) tại Lễ khánh thành cột mốc 275, biên giới Việt Nam Campuchia, ngày 26/12/2015.

Để tránh tình trạng đó, hai ông nhất trí kiến nghị Chính phủ hai nước cho phép thực hiện phương án hoán đổi đất. Theo đó, ai ở đâu vẫn ở đó; phần đất chênh lệch sẽ được bù lại cho nhau.

Ngày 23/4/2011, Bản ghi nhớ giữa Chính phủ Việt Nam và Campuchia về việc giải quyết một số khu vực tồn đọng trên biên giới đất liền hai nước (gọi tắt là MOU) đã được ký tại Phnôm Pênh. MOU quy định rõ các nguyên tắc và phương thức hoán đổi đất. Nhờ có MOU, hai bên đã tháo gỡ được một số bế tắc, đẩy nhanh tiến trình phân giới cắm mốc. Tính đến cuối tháng 6/2015, hai bên đã tiến hành hoán đổi đất ở nhiều khu vực thuộc 6 cặp tỉnh: Tây Ninh – Kompong Cham, Tây Ninh – Svay Rieng, Đồng Tháp – Prey Veng, An Giang – Ta Keo, Kiên Giang – Ta Keo và Kiên Giang - Kampot. Đến tháng 7/2015, ta và Campuchia đã xác định được 260/314 vị trí mốc, đạt 84%; đã xây được 305/371 mốc, đạt 82,2%; đã phân giới được 920 km /1245 km, đạt 73%.

Ông Sơn lấy làm tiếc vì đã không thực hiện được mục tiêu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới Việt Nam – Campuchia vào cuối năm 2012 như kế hoạch đề ra; thậm chí khi ông rời nhiệm công việc này vẫn còn dang dở.

Với một chặng đường làm công tác biên giới, dù vất vả nhưng đối với ông, đó cũng luôn là niềm vinh dự: “Tôi thấy hài lòng và tự hào vì đã gắn bó một phần cuộc đời mình vào công tác biên giới. Ở đó, tôi luôn được sống trong tình cảm thương yêu, đoàn kết hợp tác của những người làm công tác phân giới cắm mốc, của anh em, bè bạn không chỉ ở Ủy ban biên giới mà ở cả các ngành và địa phương liên quan”.

VUI BUỒN NHỮNG
CHUYẾN ĐI THỰC ĐỊA

ĐẠI SỨ KỂ CHUYỆN. Người làm công tác biên giới, câu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

Năm 1983, lần đầu tiên ông được cử tham gia đoàn đi thực địa biên giới Cao Bằng và Lạng Sơn. Thời điểm đó, biên giới Việt – Trung vẫn còn căng thẳng, hai bên chưa ngưng tiếng súng. Nhiều nơi, bộ đội ta còn đóng quân ở những điểm chốt khoét trên núi, bất kể mưa gió, bất kể ngày đêm.

“Được tận mắt chứng kiến những gian khó, hi sinh của bộ đội biên phòng, tôi càng cảm nhận được sự thiêng liêng của biên giới lãnh thổ, thôi thúc mình phải cố gắng hơn nữa, nỗ lực hơn nữa trong công tác”.

Và đến khi được phân công phụ trách Ủy ban Biên giới quốc gia thì các chuyến đi thực địa của ông tăng dần. Ngoài những lúc bận công tác đối ngoại thì “cứ cuối tuần tôi lại xách ba lô cùng anh em đi biên giới”.

Người làm công tác biên giới, vâu chuyện gốc mít đâm chồi và bài toán hai bên cùng thắng (Phần cuối)

Ông Sơn kể, năm 2008 ông cùng anh em khảo sát khu vực Buprang (tỉnh Đắc Nông). Đây là khu vực giao tranh ác liệt giữa ta và Khmer đỏ trong những năm từ 1976 đến 1978. Bộ đội biên phòng đồn Buprang đã đẩy lui hàng chục đợt tấn công của quân địch, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc.

Nói về vai trò của người dân đối với việc tham gia giữ gìn trật tự trị an biên giới, ông Sơn cho biết, người dân đóng vai trò quan trọng. Từ thời cha ông ta đã đề cao việc phải dựa vào dân để bảo vệ biên giới. Ông đã từng chứng kiến bà con rất kiên cường để giữ từng tất đất của Tổ quốc. Nhiều người dân rất ý thức tự đi kiểm tra các mốc giới, có những mốc giới trên núi cao, có hư hỏng hoặc những nơi có hiện tượng xâm canh, xâm cư là báo với chính quyền. Ban Tuyên giáo các cấp và Ủy ban Biên giới cũng thường xuyên tổ chức các lớp tuyên truyền về luật pháp biên giới cho người dân để tăng ý thức giữ gìn, trật tự trị an biên giới.

Dù cuộc sống vùng biên ở nhiều nơi còn khó khăn, nhưng ông Sơn cảm thấy thêm phần vững tâm. “Làm công tác biên giới là phải dựa vào dân. Họ chính là những người góp phần quan trọng vào việc bảo vệ phên dậu quốc gia”.

Lằn ranh giữa sự sống và cái chết

“Làm công tác biên giới là phải đi thực địa. Ngồi ở bàn giấy thì không thể giải quyết được”, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn chia sẻ. Nhiều lần ông và các đồng nghiệp đã đi giữa lằn ranh của sự sống và cái chết vì phải đi “giữa hai vạch vôi các chiến sĩ biên phòng vạch cho, nếu đi ra ngoài là mìn nổ”.

Một lần “thót tim” khác vì bom diễn ra vào năm 2008. Nhân kỷ niệm 46 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (5/9/1962-5/9/2008), hai Chính phủ Việt Nam và Lào chuẩn bị cho sự kiện cắt băng khánh thành cột mốc số 605 tại cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavane với sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thoonglun Sisulith. Đây là sự kiện quan trọng mở đầu cho việc triển khai Dự án tăng dầy và tôn tạo hệ thống mốc giới quốc gia Việt Nam-Lào.

Khu vực này các đoàn công tác biên giới đã đi lại rất nhiều và nhiều lần thực hiện rà phá bom bìm. Tuy vậy, trước khi sự kiện xảy ra, đội rà phá bom mìn vẫn phát hiện ra một…quả bom.

Tương tự, mối nguy hiểm từ bom mìn vẫn còn hiện hữu dọc biên giới Việt Nam – Campuchia. Bom mìn của Mỹ, của Polpot, của phía ta vẫn còn lẩn khuất. Các chuyên gia nhận định phải mất 70-80 năm nữa mới rà phá hết bom mìn trên tuyến biên giới này.

Những ngày này ông vui niềm vui chung với các đồng nghiệp với các hoạt động kỷ niệm 45 năm thành lập Ủy ban Biên giới quốc gia (tiền thân là Ban biên giới trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng). Vui xen lẫn những nỗi niềm. Dù việc phân giới cắm mốc biên giới với Trung Quốc và Lào đã hoàn thành, với Campuchia còn lại 16% nhưng vấn đề tranh chấp Biển Đông đang trở thành điểm nóng, thu hút sự quan tâm của thế giới.

Nói về biển, ông Sơn tâm sự, trong 8 năm làm chủ nhiệm Ủy ban biên giới, ông và các đồng nghiệp trong Ủy ban, trong Bộ Ngoại giao và các ngành, các địa phương liên quan đã phải vật lộn với không ít khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, ông đã cùng tập thể Ủy ban biên giới quốc gia phối hợp với các đơn vị trong Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan xây dựng Luật Biển Việt Nam (được Quốc hội thông qua và ban hành tháng 6/2012), các Báo cáo về Ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam (nộp Liên hợp quốc tháng 5/2009); đàm phán, ký kết Những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc (tháng 10/2011); đấu tranh kiên quyết trước các hành động xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích biển của Việt Nam; thúc đẩy đàm phán phân định thềm lục địa với Indonesia, hợp tác dầu khí ở khu vực biển chồng lấn với Malaysia, Thái Lan, hợp tác nghiên cứu khoa học biển với Philippines, hợp tác trong những lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển với Trung Quốc v.v…

Thực hiện: Vân An

Đồ họa: Minh Nhật

Ảnh: Ủy ban BGQG, Nguyễn Hồng

Đọc thêm

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

OECD 2024: Nơi kết nối và giao lưu - Mở cơ hội phát triển

Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thư ký Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) Mathias Cormann, từ ngày 2-3/5, tại thủ đô Paris, Pháp, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng OECD năm 2024 (MCM 2024).
Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Một ngày hoạt động đầy năng lượng của Chủ tịch Đại hội đồng UNESCO tại Ninh Bình

Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-27/4, Chủ tịch Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) Simona-Mirela Miculescu dành trọn một ngày tham gia nhiều hoạt động ở Ninh Bình.
Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

Diễn đàn Tương lai ASEAN: Mở đầu cho những kế hoạch mới

ASEAN không phải dấu cộng của các cuộc họp, ASEAN là một hành trình. Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) cũng không phải là tổng các phiên thảo luận, tiếp xúc mà là những ý tưởng vô tận với ý nghĩa đặc biệt “dành riêng cho ASEAN, của ASEAN, vì ASEAN và vì người dân ASEAN”.
Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

Câu chuyện của người xây dựng AWEN - 'Ngôi nhà chung' cho nữ doanh nhân ASEAN

AWEN - “ngôi nhà chung” cho doanh nhân nữ ASEAN, là dấu ấn đẹp của Việt Nam trong việc tạo dựng một mạng lưới hỗ trợ các doanh nhân nữ trong khu vực, đồng thời khơi dậy tiềm năng của họ cho sự tiến bộ và phát triển toàn diện trong ASEAN.
Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Mỗi bước đi đều mang theo khát vọng vươn mình

Còn nhớ trong một trả lời phỏng vấn trước thềm Xuân Giáp Thìn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn từng nhắc đến ước vọng của chính Bộ trưởng và mỗi cán bộ ngoại giao về một thế giới hòa bình và đất nước có cơ đồ, tiềm lực ngày càng lớn mạnh. Tháng Hai - tháng của khát vọng mùa Xuân, với hai chuyến thăm “xuất hành” đa phương và song phương của Bộ trưởng tới châu Âu, có thể thấy rõ những mầm ươm của ước vọng đang lớn dần.
Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Phụ nữ - hạnh phúc lấp lánh giữa cả những lo toan!

Hạnh phúc là gì? Nhiều khi ta lúng túng! Với mỗi người và đặc biệt với phụ nữ, thật khó để định nghĩa rõ khái niệm này. Cùng Thứ trưởng Ngoại giao, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Minh Hằng có một góc nhìn về “hạnh phúc” nhân dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.