📞

Đại sứ Malaysia: Việt Nam hội tụ nhiều 'lợi thế vàng' để phát triển công nghiệp Halal

Dato’ Tan Yang Thai 14:03 | 09/08/2024
Sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành công nghiệp Halal không chỉ là tận dụng thế mạnh của nhau mà còn là tạo ra mối quan hệ cộng sinh xuyên biên giới.
Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tháng 7/2024, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực Halal. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Tiềm năng to lớn

Việt Nam có rất nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triểnngành công nghiệp Halal. Trước tiên là lợi thế về vị trí chiến lược của Việt Nam tại Đông Nam Á, gần các thị trường Hồi giáo lớn như Malaysia, Indonesia và Singapore, do đó, có nhiều cơ hội cho thương mại và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nền nông nghiệp đa dạng và phát triển với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, là nền tảng vững chắc cho ngành thực phẩm Halal. Nếu có được quy trình chứng nhận, các mặt hàng của Việt Nam sẽ phù hợp với thị trường Halal.

Thêm vào đó, ngành du lịch cũng mang đến cơ hội cho Việt Nam, trở thành điểm đến được nhiều du khách Hồi giáo ưa chuộng. Thông qua việc phát triển hơn nữa các dịch vụ và sản phẩm du lịch được chứng nhận Halal, Việt Nam có thể thu hút nhiều du khách hơn nữa từ thế giới Hồi giáo, thúc đẩy đáng kể doanh thu từ du lịch.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam nhận thấy những cơ hội của thị trường Halal toàn cầu đang phát triển nhanh chóng. Sự mở rộng này không chỉ được thúc đẩy bởi dân số Hồi giáo ngày càng tăng trên toàn thế giới mà còn bởi sự quan tâm của người tiêu dùng không theo đạo Hồi đối với chất lượng và tiêu chuẩn an toàn của các sản phẩm Halal. Sự ủng hộ từ chính phủ đóng vai trò then chốt trong hiện thực hóa triển vọng của ngành công nghiệp Halal Việt Nam.

Sự quan tâm và các bước đi của chính phủ nhằm thúc đẩy chứng nhận và sản xuất Halal có ý nghĩa quan trọng, bao gồm nỗ lực khởi động đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" vào tháng 2 năm ngoái. Nỗ lực này không chỉ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp Halal mà còn giúp các nhà đầu tư tiềm năng thấy rõ cam kết của Việt Nam trong việc khai thác thị trường này.

Cộng sinh xuyên biên giới

Tôi nhận thấy có nhiều cơ hội cho sự hợp tác sâu rộng hơn nữa giữa Malaysia và Việt Nam trong lĩnh vực Halal.

Hệ sinh thái Halal của Malaysia là một khuôn khổ toàn diện và mạnh mẽ bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như thực phẩm, tài chính, dược phẩm, mỹ phẩm, du lịch và logistics. Chứng nhận Halal của chúng tôi, do JAKIM (Bộ Phát triển Hồi giáo Malaysia) giám sát, được công nhận trên toàn thế giới nhờ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt và quy trình kỹ lưỡng.

Mặt khác, Việt Nam, với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, lực lượng lao động năng động và vị trí chiến lược tại Đông Nam Á, đang có vị thế tốt để trở thành nhân tố quan trọng trên thị trường Halal toàn cầu.

Trong các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Malaysia tới Việt Nam vào tháng 3/2022 và tháng 7/ 2023, lãnh đạo hai nước tập trung thảo luận về việc mở rộng hợp tác trong phát triển Halal, logistics, tài chính và ngân hàng Hồi giáo, du lịch và dịch vụ khách sạn thân thiện với người Hồi giáo, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đồ uống Halal.

Malaysia có thể chia sẻ những kiến thức chuyên môn và các công ty Malaysia có thể cung cấp vốn, công nghệ, kỹ năng để đầu tư vào ngành công nghiệp Halal của Việt Nam. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam có thể khám phá các cơ hội tại Malaysia, đặc biệt là trong sản xuất thực phẩm Halal, mỹ phẩm và dược phẩm.

Các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích lựa chọn Malaysia là địa điểm sản xuất quan trọng, bởi vì, Malaysia có thể cung cấp chứng chỉ Halal được công nhận trên toàn cầu từ JAKIM. Với cách tiếp cận chiến lược đó, Việt Nam có thể nhanh chóng thâm nhập vào các thị trường Halal toàn cầu, tận dụng khả năng kết nối đã được thiết lập tốt với các thị trường Halal ở Đông Nam Á.

Một lĩnh vực khác mà hai nước có thể hợp tác là du lịch Halal. Cả hai quốc gia có thể hợp tác với nhau thông qua các chiến dịch quảng bá chung, thu hút khách du lịch từ các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi và thúc đẩy du lịch ở cả hai nước.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Malaysia trong ngành công nghiệp Halal không chỉ là tận dụng thế mạnh của nhau mà còn là tạo ra mối quan hệ cộng sinh xuyên biên giới. Tăng cường tiếp cận thị trường, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và thúc đẩy đổi mới về Halal chỉ là những bước khởi đầu.

Về phần mình, Đại sứ quán mong muốn hợp tác với các đối tác và bên liên quan tại Malaysia và Việt Nam để tạo thuận lợi cho các hoạt động và sự kiện như diễn đàn doanh nghiệp, hội nghị, cơ hội đào tạo thông qua Chương trình hợp tác kỹ thuật Malaysia (MTCP); hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để tham gia Triển lãm Halal quốc tế Malaysia (MIHAS) hàng năm. Năm nay, MIHAS sẽ được tổ chức từ ngày 17-20/9 tại Kuala Lumpur.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam tiếp Bộ trưởng Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia Tengku Zafrul Aziu, cùng trao đổi về hợp tác Halal. (Nguồn: Báo Công thương)

Với Halal, lòng tin là quan trọng

Có thể thâm nhập thị trường Halal được hay không liên quan đến việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Hồi giáo để bảo đảm rằng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn Halal. Được chứng nhận bởi các tổ chức trên toàn cầu, nổi tiếng với các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Halal sẽ tăng cường lòng tin của người tiêu dùng.

Sự rõ ràng trong việc truyền đạt tình trạng của sản phẩm cũng như tuân thủ các nguyên tắc Hồi giáo là chìa khóa để phát triển ngành công nghiệp Halal. Sử dụng các chiến lược truyền thông có mục tiêu, đặc biệt là thông qua các kênh kỹ thuật số cũng như các sự kiện tập trung vào Halal có thể giúp quảng bá sản phẩm hiệu quả.

Bên cạnh đó, việc xây dựng mối quan hệ bền chặt với các nhà phân phối và bán lẻ chuyên về các sản phẩm Halal rất quan trọng đối với việc mở rộng thị trường. Thúc đẩy hợp tác với các bên liên quan ngành Halal, cả trong nước và quốc tế cũng sẽ thúc đẩy năng lực và sự hiện diện của sản phẩm Halal trên thị trường.

Đặc biệt, tôi muốn nhấn mạnh rằng việc xác định các xu hướng thị trường Halal toàn cầu, sở thích của người tiêu dùng và các thay đổi về quy định Halal rất cần thiết. Cam kết cải tiến và tuân thủ liên tục tiêu chuẩn Halal thông qua phản hồi của người tiêu dùng rất quan trọng.

Malaysia, với dân số Hồi giáo đông, đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm Halal trong nhiều lĩnh vực như thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm và du lịch. Các doanh nghiệp Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để khai thác thị trường của chúng tôi.

Sự gần gũi về địa lý và mối quan hệ thương mại chặt chẽ giữa hai nước giúp đơn giản hóa các quy trình thâm nhập thị trường. Hơn nữa, việc Việt Nam đạt được chứng nhận Halal của Malaysia, được công nhận trên toàn cầu, không chỉ mở ra cánh cửa vào thị trường Malaysia mà còn giúp Việt Nam có thể thâm nhập vào thị trường Halal quốc tế khác.