Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng từ 19-21/5. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, tháng 3/2022. (Ảnh: DG) |
Việt Nam là một đại diện được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này, Đại sứ đánh giá thế nào về việc này, cũng như sự tham gia của đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu?
Hoa Kỳ và Việt Nam đang tham gia vào nhiều vấn đề mang tính chiến lược, bao gồm hòa bình và ổn định khu vực, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn hợp tác hơn nữa tại các diễn đàn đa phương về liên kết kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới.
Việc lãnh đạo Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng thể hiện hơn nữa vai trò quan trọng của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế, đồng thời thể hiện sự tin tưởng và đánh giá cao của các nước G7 đối với vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper. (Ảnh: TN) |
Điều này cũng có vai trò quan trọng vì Việt Nam là một trong bốn quốc gia đối tác của Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng (JET-P).
JET-P là một sáng kiến của G7 và thật tuyệt khi có một yếu tố hợp tác quan trọng và có ý nghĩa như vậy để thảo luận ở Hiroshima, cùng với các chủ đề khác.
Đại sứ nhìn nhận thế nào về vai trò và đóng góp của Việt Nam vào các nhiệm vụ chung của toàn cầu như thúc đẩy hòa bình, ổn định, ứng phó với biến đổi khí hậu?
Hoa Kỳ ủng hộ vai trò của Việt Nam với tư cách là một bên tham gia quan trọng trong các nỗ lực toàn cầu và khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Hai quốc gia chúng ta cùng có cam kết nhất quán và mạnh mẽ về an ninh và ổn định trong khu vực. Cam kết chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở bao gồm việc thiết lập các cơ sở đào tạo về giám sát nghề cá, các thỏa thuận về chuyển giao tàu tuần duyên để nâng cao an ninh hàng hải và khả năng thực thi pháp luật, cũng như hợp tác về sông Mekong để bảo vệ môi trường, quản lý bền vững nguồn nước và các tài nguyên thiên nhiên khác.
Một trong những chỉ báo quan trọng về sự phát triển và hội nhập của Việt Nam là vai trò lãnh đạo ngày càng gia tăng không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Việt Nam không chỉ một lần mà hai lần làm chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đăng cai tổ chức APEC năm 2017. Trong ba nhiệm vụ lớn ở khu vực và toàn cầu này để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình, Việt Nam đều đã thành công ngoài mong đợi.
Việt Nam đã triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Mới đây, Việt Nam đã cử hai đội Tìm kiếm và cứu nạn đến hỗ trợ các hoạt động cứu hộ động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các đội tìm kiếm và cứu nạn này và sự đóng góp của Việt Nam đã cho thấy Việt Nam là một đối tác có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế khi kề vai sát cánh với các quốc gia gặp khó khăn. Hoa Kỳ tự hào hợp tác với Việt Nam về đào tạo quản lý thảm họa, bao gồm tìm kiếm và cứu nạn, thông qua Chương trình Đối tác của lực lượng vệ binh quốc gia Oregon và năm nay đánh dấu năm thứ 10 chúng ta hợp tác trong chương trình này.
Chúng tôi cũng thấy được các nhà ngoại giao Việt Nam rất năng động trên khắp thế giới và trong các tổ chức quốc tế. Xét trên mọi phương diện, Việt Nam là đối tác rất mạnh mẽ và có năng lực, đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và ứng phó với biến đổi khí hậu ở khu vực, cũng như toàn cầu.
Hoa Kỳ tự hào là đối tác của Việt Nam trên con đường phát triển. Nhiệm vụ của chúng tôi tại Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh là hỗ trợ sự phát triển của một nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập và có sức chống chịu mạnh mẽ; một nước Việt Nam góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định của khu vực và toàn cầu.
Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam hướng tới một nền kinh tế xanh hơn và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu vì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tương lai của chúng ta được liên kết với nhau. Thành công của Việt Nam cũng chính là thành công của chúng tôi.
Về nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thì sao?, Đại sứ kỳ vọng gì về tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới?
Tháng 5/2022, Việt Nam trở thành một trong 12 quốc gia tham gia thảo luận Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF). Các quốc gia đối tác của IPEF đang cùng tham gia vào nhiều nội dung, bao gồm chuyển đổi sang năng lượng sạch, xây dựng chuỗi cung ứng có sức chống chịu mạnh mẽ và chống tham nhũng.
Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta phát triển tầm nhìn chung về IPEF, điều này sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh cho các nền kinh tế của chúng ta và đóng góp cho hợp tác, hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.
Trong những năm tới đây, tôi thấy được những cơ hội to lớn để chúng ta tăng cường và mở rộng hợp tác giữa Hoa Kỳ, Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân của hai nước, nhằm hỗ trợ các mục tiêu chung của chúng ta tại Việt Nam: xây dựng lại chuỗi cung ứng toàn cầu; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch và tăng trưởng bền vững của Việt Nam; phát triển nền kinh tế kỹ thuật số phù hợp với các thông lệ tốt nhất toàn cầu nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Việc Việt Nam tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế thành công, thông qua các sáng kiến như IPEF, xúc tiến thương mại, tham gia các tổ chức quốc tế và hợp tác song phương thông qua các chương trình đổi mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Tôi tự hào về những khoản đầu tư mà các công ty lớn của Hoa Kỳ đã thực hiện tại Việt Nam và sự hội nhập của họ với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam. Chuỗi cung ứng trong nước dần hội nhập quốc tế thông qua các mối quan hệ này, đối với tôi đó là một dấu hiệu thực sự của thành công về kinh tế, khi chúng ta xây dựng các mối liên kết, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và hợp tác toàn cầu.